+
Aa
-
like
comment

Cán bộ dùng bằng giả để tiến thân: Lừa dối hàng chục năm sao không ai biết?

11/11/2019 17:54

Liên tiếp chỉ trong thời gian ngắn, một loạt các địa phương: Hà Tĩnh, Đắk Nông, Đắk Lắk… phát hiện cán bộ sử dụng bằng giả để thăng tiến. Tại sao cán bộ sử dụng bằng giả lại tồn tại được rất nhiều năm và vẫn thăng tiến trong hệ thống quy trình của chúng ta? Đây đang là câu hỏi được dư luận đặt ra khi nói về vấn nạn bằng giả đang lộng hành trong các cơ quan. 

Thời gian vừa qua, báo chí phản ánh việc Thượng tá Thái Đình Hoài (SN 1976, trú tại xã Thịnh Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) – đang giữ chức vụ Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh Lai Châu) có hành vi “tiến thân” từ bằng tốt nghiệp cấp 3 giả.

Liên quan đến vụ việc này, một lãnh đạo Công an tỉnh Lai Châu xác nhận, thông tin báo chí phản ánh là đúng sự thật. Theo đó, khi đang học lớp 7 ở xã Thịnh Thành, ông Hoài phải nghỉ học giữa chừng vì bị trâu húc. Dưỡng bệnh xong, người này vào miền Nam sinh sống, đến năm 1995 thì trở về quê hương. Lúc này, ông Hoài tìm người bán học bạ và bằng cấp 3 rồi tẩy xóa, ghi tên mình vào.

Công an tỉnh Lai Châu xác nhận ông Hoài đã dùng bằng cấp giả và đang đề xuất hình thức xử lý lên Bộ Công an
Công an tỉnh Lai Châu xác nhận ông Hoài đã dùng bằng cấp giả và đang đề xuất hình thức xử lý lên Bộ Công an

Một năm sau, ông Hoài xin đi lính nghĩa vụ tại Công an tỉnh Lai Châu (cũ). Đến năm 2004, tỉnh Lai Châu chia tách thành 2 tỉnh Lai Châu và Điện Biên, ông Hoài được điều động về công tác tại Công an tỉnh Lai Châu.

Đáng chú ý, chỉ với bằng cấp và học bạ giả, người đàn ông này tiếp tục được đi học tại Trường Đại học Cảnh sát (Hà Nội), sau đó được quy hoạch và bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế rồi công tác ở vị trí Trưởng phòng. Hiện, ông Hoài đã được tổ chức cử đi học Cao cấp lý luận chính trị, được quy hoạch vào chức danh Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu

Lý giải thêm về việc ông Hoài dùng bằng cấp giả nhưng sau từng đó thời gian công tác trong lực lượng công an mà không bị phát hiện, lãnh đạo Công an tỉnh Lai Châu cho hay, bằng cấp 3 của vị Trưởng phòng này là bằng thật, chỉ có tên bị tẩy xóa.

Ngoài việc dùng bằng cấp 3 giả để tiến thân, thượng tá Thái Đình Hoài Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế Lai Châu còn có gia thế ‘khủng’. Phải chăng, vì mối quan hệ gia đình cực khủng mà Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế Lai Châu mới dễ dàng thăng tiến như vậy?

Ông Thái Đình Hoài gọi bà L. (vợ của ông Lê Văn Bảy, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu) là o (cô, thím – PV). Cụ thể, bố của bà L. và ông nội của Thượng tá Hoài là hai anh em. Những người này cùng trú ở xã Thịnh Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An. Ông Lê Văn Bảy, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu cũn đã xác nhận: “Anh Hoài là cháu họ xa”.

Còn nhớ vụ việc năm 2016, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ ban hành quyết định thu hồi, hủy bỏ bằng cấp 3 (Trung học Phổ thông) của ông Lê Thành Nhân (Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vị Thanh).

Lý do thu hồi bằng cấp 3 của ông Nhân là do vị quan chức này mượn bằng cấp 2 (Trung học Cơ sở) của người có tên là Lê Hoàng Nhân để hợp thức hóa việc học bổ túc văn hóa cấp 3 (Trung học Phổ thông).

Sau khi nhận bằng tốt nghiệp Trung học Phổ thông, ông Nhân tiếp tục học tập “nâng cao trình độ” và nhận bằng Cử nhân Luật (2010), bằng Cao cấp Chính trị – Hành chính (2015).

Tháng 4/2016 Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy Hậu Giang ra quyết định kỷ luật “cảnh cáo” ông Nhân do làm ảnh hưởng đến uy tín tập thể và cá nhân cán bộ này. Gần nửa năm sau, ngày 29/9/2016, Thành ủy Vị Thanh – Hậu Giang mới tổ chức làm việc với ông Lê Thành Nhân về vụ việc man trá này.

Nói đến việc sử dụng bằng giả, không thể không nhắc đến câu chuyện mới xảy ra ở Đắk Lắk. Một nữ trưởng phòng, dù chưa tốt nghiệp cấp 3, nhưng sử dụng bằng giả để đi học lên cao và “tiến thân”. Lạ lùng hơn nữa, việc cô này gian dối về bằng cấp đã xảy ra tới 20 năm, nhưng đến giờ mới được phát hiện khi có đơn tố cáo.

Việc sử dụng bằng giả không chỉ làm suy yếu nền hành chính do không đảm đương được vị trí việc làm mà còn đánh mất niềm tin của người dân vào đạo đức công vụ của bộ máy nhà nước. Dùng bằng giả là để đạt vị trí công việc mà trình độ học vấn thực tế không đảm đương được. Một khi đã đạt được vị trí mới, song trình độ thực sự không có, không đủ, dẫn đến không thể xử lý tốt công việc.

Việc sử dụng bằng giả vào các cơ quan hành chính sự nghiệp gây những hậu họa khôn lường, đặc biệt là vào các ngành cần chuyên môn, kiến thức sâu như Giáo dục và Đào tạo, Y tế. (Năm 2011, Sóc Trăng phát hiện toàn tỉnh có hơn 284 cán bộ sử dụng bằng cấp giả, trong đó ngành Giáo dục và Đào tạo có 107 viên chức. Tại Thanh Hóa, năm 2015 phát hiện 20 cán bộ y tế dùng bằng giả).

Từ trước đến nay, sử dụng văn bằng giả để thăng tiến trong hàng ngũ cán bộ chưa có chế tài xử lý thỏa đáng ngoại trừ điều 267 Bộ Luật Hình sự 2009.

Khoản 1 điều 341 Bộ Luật Hình sự sửa đổi năm 2015 (đang được Quốc hội xem xét lại) về “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” quy định:

“Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.

Khoản 1 điều 359 “Tội giả mạo trong công tác” cũng quy định rõ:

“Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu;

b) Làm, cấp giấy tờ giả;

c) Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn”.

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu một người dùng bằng giả để lừa dối cơ quan, tổ chức và trên thực tế đã lừa được, do sử dụng bằng giả mà từ một cán bộ bình thường được bổ nhiệm vào các chức vụ quan trọng trong các cơ quan, tổ chức thì phải xử lý hình sự.

Sử dụng bằng giả không chỉ làm suy yếu nền hành chính công vụ do không đảm đương được vị trí việc làm mà còn đánh mất niềm tin của người dân vào đạo đức công vụ của bộ máy nhà nước. Dùng bằng giả là để đạt vị trí công việc mà trình độ học vấn thực tế không đảm đương được.

Một khi đã đạt được vị trí mới, song trình độ thực sự không có, không đủ, dẫn đến không thể xử lý tốt công việc, nên làm qua loa, chiếu lệ làm cho hết ngày chứ không phải xong việc, “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”. Ấy là chưa nói đến tự tìm tòi, sáng tạo, học tập để phát huy tốt hơn vị trí đảm nhiệm là khó có thể làm được.

Thiết nghĩ, nhân việc tinh giản biên chế, xác định lại vị trí việc làm, các cơ quan chức năng cần có chế tài mạnh hơn với những trường hợp sử dụng bằng cấp, chứng chỉ giả.

Khi phát hiện bằng giả thì người dùng, ngoài việc bị xử lý trách nhiệm như hiện nay, nên chăng cần truy thu các khoản tiền lương, thu nhập đã trả cho họ trong thời gian nắm giữ vị trí công tác do sử dụng bằng giả có được. Sự tổn hại về mặt uy tín, đạo đức của bằng giả mà công chức, viên chức đó để lại cho nền hành chính quốc gia là không thể đo đếm được, nên cần thiết phải lượng hóa mức bồi thường khi sử dụng bằng giả.

Đinh Lực

Bài mới
Đọc nhiều