Quyết tâm bài trừ cán bộ, đảng viên bảo thủ, hách dịch Nhân dân
Lắng nghe Nhân dân là một trong những yếu tố góp phần nâng cao năng lực hoạt động của mỗi cán bộ, đảng viên, đồng thời cũng thể hiện trách nhiệm đối với người dân đã tín nhiệm mình.
Lắng nghe ý kiến Nhân dân được thể hiện thông qua nhiều kênh như: tiếp xúc, trao đổi, giải quyết đơn thư, hội nghị lấy ý kiến cử tri, từ các phương tiện truyền thông, các diễn đàn đối thoại với người dân…
Đây là những phương thức để người cán bộ, đảng viên hiểu được tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân và đưa ra những quyết định “thấu tình đạt lý”, từ đó giữ mối liên hệ chặt chẽ với Nhân dân và được Nhân dân tin cậy.
Tư tưởng trọng dân, phong cách gần dân, lắng nghe ý kiến Nhân dân, hết lòng phục vụ Nhân dân của Hồ Chí Minh là điểm hội tụ hợp thành đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Sinh thời, Người yêu cầu người cán bộ phải luôn lắng nghe ý kiến của đảng viên, của Nhân dân.
Người chỉ ra rằng đã là cán bộ lãnh đạo thì “một giây, một phút cũng không thể giảm bớt mối liên hệ giữa ta với dân chúng. Nghĩa là phải lắng tai nghe ý kiến của đảng viên, của nhân dân, của những người “không quan trọng”. Giữ mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi”.
Người còn nhấn mạnh: “Nếu cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như lơ lửng giữa trời, nhất định sẽ thất bại”.
Đại hội XI của Đảng chỉ rõ: Các cấp ủy đảng và chính quyền phải thường xuyên đối thoại, lắng nghe, học hỏi, tiếp thu ý kiến, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của nhân dân; tin dân, tôn trọng những người có ý kiến khác; làm tốt công tác dân vận, có cơ chế, pháp luật để nhân dân bày tỏ chính kiến, nguyện vọng và thực hiện quyền làm chủ của mình.
Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng khi nhìn nhận những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị đã chỉ ra những biểu hiện trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, đó là:
“Quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân… Duy ý chí, áp đặt, bảo thủ, chỉ làm theo ý mình; không chịu học tập, lắng nghe, tiếp thu ý kiến hợp lý của người khác”
Với những bức xúc của cử tri chúng ta có thể hiểu được, bởi người dân bao lâu nay họ đã thấy được sai trái trong việc quản lý đất đai của chính quyền, mà không giải quyết. Và chắc chắn là họ đang rất bức xúc, bực tức dồn nén, căng thẳng rất lâu rồi giờ là lúc họ lên tiếng và lời lẽ của họ có thể là “khó nghe” cũng là chuyện bình thường, có thể hiểu được.
Do đó, việc “ngắt lời” cử tri như vậy đặt ra câu hỏi về bản lĩnh, kỹ năng tiếp xúc cử tri của những người đại diện cho dân? Đã vì quyền lợi và lợi ích của dân? Chính quyền là của dân do dân bầu ra đại diện cho ý trí, nguyện vọng của dân đang ở đâu? Cần phải tôn trọng cử tri… Nếu đại biểu không lắng nghe ý kiến chúng tôi thì nghe ai bây giờ?” câu hỏi này rất đáng suy ngẫm.
Người đại diện cho dân cần thấy rằng, qui định tiếp xúc cử tri đã có trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Điều 94 quy định: Trách nhiệm tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân.
Đại biểu Hội đồng nhân dân phải liên hệ chặt chẽ với cử tri ở đơn vị bầu cử bầu ra mình, chịu sự giám sát của cử tri, có trách nhiệm thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cử tri; thực hiện chế độ tiếp xúc cử tri và ít nhất mỗi năm một lần báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của Hội đồng nhân dân nơi mình là đại biểu, trả lời những yêu cầu và kiến nghị của cử tri.
Sau mỗi kỳ họp Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân có trách nhiệm báo cáo với cử tri về kết quả của kỳ họp, phổ biến và giải thích các nghị quyết của Hội đồng nhân dân, vận động và cùng với nhân dân thực hiện các nghị quyết đó.
Làm tốt tiếp xúc cử tri chính là góp phần khơi dậy tiềm năng, tranh thủ trí tuệ của nhân dân, huy động được sự tham gia rộng rãi của nhân dân vào quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Làm tốt công tác tiếp xúc cử tri sẽ hạn chế việc khiếu nại, tố cáo tràn lan, vượt cấp, cũng như nhiều bất cập khác của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Đây được xem là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tại Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024, chiều 20/9, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã có bài phát biểu về tình hình và nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, công tác phối hợp giữa Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Trong bài phát biểu, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định rằng, Chính phủ luôn rất coi trọng công tác phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
“Nhà nước của dân, do dân, vì dân thì trước hết phải nghe được dân, chỉ có tinh thần, thái độ chân thành, nghiêm túc lắng nghe mới hiểu được dân, nắm bắt được người dân mong đợi gì”…
Nói về lắng nghe dân, trong một cuộc làm việc với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam hồi tháng 4/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, “Chúng ta đi sát dân hơn, lắng nghe nguyện vọng của nhân dân nhiều hơn trong giải quyết các công việc của đất nước”.
Tháng 4/2019 vừa qua, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gặp mặt Đoàn Chủ tịch ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, nắm bắt thông tin về công tác Mặt trận năm 2018, nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2019 và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của các tầng lớp nhân dân.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “… Chúng ta đi sát dân hơn, lắng nghe nguyện vọng của nhân dân nhiều hơn trong giải quyết các công việc của đất nước… Một Chính phủ vì dân thì phải biết cách tổ chức lắng nghe tiếng nói của nhân dân, các đoàn thể. Nếu hành động chủ quan, duy ý chí thì xa dân, mất niềm tin của người dân và hậu quả sẽ rất lớn… Tôi thường yêu cầu các cấp chính quyền thường xuyên phối hợp có hiệu quả hơn với Mặt trận Tổ quốc, với các đoàn thể ở các địa phương một cách nghiêm túc, trách nhiệm, lắng nghe chân thành và thực thi”.
Chúng ta tin tưởng những thay đổi từ sự lắng nghe Nhân dân sẽ chuyển biến mạnh mẽ trong Hệ thống chính trị, để mỗi cán bộ, đảng viên ngày càng thể hiện tốt hơn vai trò “công bộc” của Nhân dân, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước thêm bền chặt, tạo thế và lực thực hiện thành công mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Đinh Lực