Cần bịt lỗ hổng trong “những vùng cấm”
Những ai đã mật báo cho các đối tượng sớm biết thông tin bị khởi tố để bỏ trốn? Vì sao vẫn chưa thấy lộ diện nhân vật “bắn tin” mật cho đối tượng kịp chuồn trước giờ G? Đó là những câu hỏi dư luận mong muốn có câu trả lời từ cơ quan chức năng trước những vụ án tham nhũng lớn thời gian qua.
Mới đây, trong kết luận điều tra của Bộ Công an liên quan đến ông Trần Bắc Hà và Trần Duy Tùng (con trai ông Bắc Hà) công bố tuần qua, Trần Duy Tùng cùng 3 cổ đông (có tên trên danh nghĩa) trong Công ty Bình Hà (Công ty sân sau của Trần Bắc Hà) đã chiếm đoạt 149 tỷ đồng của BIDV chi nhánh Hà Tĩnh. Trước khi lệnh bắt của Công an được thực hiện, Tùng cùng Thái Thành Vinh (một trong 3 cổ đông nêu trên) đã kịp chuồn, nên Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định truy nã toàn quốc và quốc tế.
Tuổi trẻ tài cao và sai phạm cũng cao
Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã có kết luận điều tra và đề nghị truy tố 12 bị can trong vụ án liên quan đến ông Trần Bắc Hà (cựu Chủ tịch BIDV).
12 bị can bị đề nghị truy tố trong vụ án “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), Công ty CP chăn nuôi Bình Hà, Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Trung Dũng.
Trong vụ án này, bị can Trần Duy Tùng (con ông Trần Bắc Hà) là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn An Phú, tuy không trực tiếp tham gia vào Công ty Bình Hà hoặc đứng tên sở hữu cổ phần nhưng được xác định là “chủ” đứng thứ hai sau ông Trần Bắc Hà, là người trực tiếp nhờ ông Nguyễn Gia Thiều, đứng danh nghĩa Chủ tịch HĐQT Công ty Bình Hà, nhờ Thái Thành Vinh và Trần Anh Quang đứng tên sở hữu cổ phần Công ty Bình Hà; giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu trong việc chỉ đạo 3 cổ đông của Bình Hà lợi dụng sự tin tưởng của BIDV thông qua hoạt động mua bán bò, thu tiền không nộp vào tài khoản của Công ty Bình Hà để BIDV kiểm soát và thu hồi vốn theo quy định mà chiếm đoạt gây thiệt hại cho BIDV gần 150 tỷ đồng.
Ngoài ra, theo kết luận điều tra, Tùng và Vinh còn có hành vi gửi trái phép 10,4 triệu USD tiền mặt vào Ngân hàng Liên doanh Việt Lào (VietBankLao). Sau đó, thông qua Công ty CP Tập đoàn An Phú để góp 10% vốn điều lệ vào LaoVietBank.
Cơ quan chức năng xác định hành vi của Tùng và Vinh có dấu hiệu của tội Vận chuyển trái phép hàng hóa tiền tệ qua biên giới hoặc Rửa tiền theo quy định tại khoản 3 điều 189 và khoản 3 điều 324 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017. Ngày 18/3 vừa qua, cơ quan công an đã ra quyết định tách vụ án để điều tra xử lý theo vụ án Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại BIDV và Công ty CP chăn nuôi Bình Hà.
Liên quan đến “đại án” xảy ra tại BIDV, theo kết luận điều tra, ông Hà sáng lập Công ty CP tập đoàn An Phú (do Trần Duy Tùng, con trai ông Hà làm chủ) và Công ty Bình Hà do 3 cá nhân không có năng lực tài chính. Ông Hà đã lợi dụng chức vụ và quyền hạn của mình, chỉ đạo phê duyệt cấp tín dụng với các ưu đãi trái quy định của ngân hàng nhà nước và BIDV.
Sai phạm của ông Trần Bắc Hà kéo theo một loạt cấp dưới gồm 8 lãnh đạo, cán bộ của BIDV vướng lao lý. Trong khi ông Hà đã chết vì bệnh lý, những cấp dưới bị đề nghị truy tố tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.\
Hiện tại, Trần Duy Tùng đã bỏ trốn nên cơ quan điều tra ra quyết định truy nã, tách vụ án và hiện đã tạm đình chỉ điều tra bị can với Tùng. Khi bắt được sẽ phục hồi điều tra vụ án để xử lý sau.
Tẩu thoát trước giờ G
Thực ra, chuyện nhiều tội phạm tham nhũng, đặc biệt là các vụ án về kinh tế bỏ trốn trước G đã có tiền lệ, nên chuyện Trần Duy Tùng kịp trốn trước lệnh bắt tuy hơi bất ngờ, nhưng không có gì lấy làm lạ.
Hẳn chúng ta còn nhớ trường hợp cựu thượng tá tình báo Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”) ngoạn mục hơn nhiều so với Trịnh Xuân Thanh. Bởi, nếu Trịnh Xuân Thanh phải trốn trước cả tháng bằng cách xin nghỉ việc riêng để chữa bệnh, thì Vũ “nhôm” đột ngột biến mất ngay trước phút bị bắt.
Gần nhất, Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường Mobile Bùi Quang Huy cũng kịp tẩu thoát khi lệnh khám xét, bắt khẩn cấp được triển khai. Cũng như những đối tượng ở các vụ án này, theo đề nghị của Việt Nam, Interpol đưa Bùi Quang Huy vào danh sách truy nã đỏ…v..v.
Nói ra như vậy để thấy, lâu nay không phải không có ý kiến băn khoăn trong chống tham nhũng ta nói nhiều nhưng làm chưa tương xứng, hay nói đúng hơn là làm không đáp ứng được yêu cầu. Gần đây, qua bước đầu xét xử một số đại án tham nhũng, trong đó có vụ án…. với những bản án hết sức nghiêm minh, những ai quan tâm đến lĩnh vực này đều nhận thấy thật sự có bước chuyển động.
Nhiều vụ án được mở rộng điều tra, khởi tố thêm nhiều bị can, làm rõ bản chất chiếm đoạt, tham nhũng, tiếp tục khẳng định quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” trong đấu tranh phòng chống tham nhũng..
Tuy nhiên, vẫn còn lỗ hổng trong “những vùng cấm” mà Đảng ta đã và đang “đốt lò” trong cuộc chiến chống tham nhũng, làm trong sạch Đảng, chính quyền đó là có không ít các đối tượng chính trong những vụ án lớn kịp tẩu thoát trước giờ G.
Lỗ hổng đó là gì? Đó là để có thể trốn chạy trước sự theo dõi của cơ quan điều tra, các ngả đường đã đóng, nếu không có đường dây mạnh thì một mình đối tượng không thể trốn thoát.
Tức là, nào những Vũ Đình Duy, Trịnh Xuân Thanh, hay vụ Vũ “nhôm” trốn hụt và thậm chí là cả giám đốc Nhật Cường Mobile, Trần Duy Tùng… cũng đã biến mất… trước lệnh bắt được ban hành khiến dư luận không thể không lo ngại về tình trạng người phạm tội bỏ trốn lẫn người tiếp tay cho họ bỏ trốn.
Nhìn, đọc bản danh sách như trên có thể thấy, hầu hết các đối tượng phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài là các đối tượng có nhiều tiền (do tham ô, tham nhũng, hối lộ, lừa đảo) sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền lớn để chạy trốn ra nước ngoài cả gia đình bằng đường hàng không.
Liên quan đến vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa từng đề nghị Chính phủ cần quan tâm tới các hiệp định thỏa thuận tương trợ tư pháp với những nước như châu Âu, Mỹ. Bởi theo ông, có tình trạng khi chúng ta “đốt lò nóng lên” thì các đối tượng phạm tội lại “nhảy” qua các nước đó. Thậm chí những đối tượng này đã chuẩn bị tiền bạc, nhà cửa, hồ sơ pháp lý, đưa vợ con đi từ 5-10 năm trước. Chính vì vậy, cần có hiệp định tương trợ tư pháp để ngăn chặn, nếu không, tội phạm khi thoát ra nước ngoài cứ nhởn nhơ, gây sự bất công rất lớn.
Vâng! Từ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thời gian qua đều khẳng định và nhất quán một quan điểm “trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực thì không có vùng cấm”. Điều đó dư luận cũng đặt ra câu hỏi: Những “kẻ giấu mặt” mật báo cho đối tượng bỏ trốn liệu có phải cùng trong đường dây tội phạm, tham nhũng?
Rõ ràng, từ những vụ án trên cho thấy, người ngoài thì không thể biết được các thông tin mật của vụ án, phải là người trong cuộc. Nếu làm rõ để bịt được lỗ hổng của những vùng cấm, chúng ta có cơ sở để tin tưởng những vụ án tương tự như vậy vừa nhanh chóng được hóa giải, vừa góp phần quan trọng làm trong sạch bộ máy công quyền.
Sông Trà