Căn bệnh đặc quyền đặc lợi cần có thuốc chữa trị
Gần đây, vụ việc Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phú Yên Lương Minh Sơn cho người đánh xe biển xanh vào tận chân máy bay để đón ông và người nhà khiến dư luận xã hội bất bình. Là công bộc của dân, thay vì cảm thấy áy náy trước dư luận vì hành động này thì ông Sơn lại dọa kiện cơ quan truyền thông “đưa tin sai sự thật”.
Sáng 7/7, trả lời báo chí, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phú Yên Lương Minh Sơn khẳng định việc xe biển xanh vào tận chân cầu thang máy bay rước ông là đúng quy định. Ông dẫn ra bao nhiêu nghị định, thông tư để chứng minh rằng đó là xe ông được bố trí, xe được phép vào sân bay và ông đang đi công tác (khám bệnh theo yêu cầu) nên mọi thứ đều hợp lý.
Thực tế, theo quy định tại Điều 14, Thông tư 13/2019/TT-BGTVT, việc xe biển xanh vào tận chân cầu thang máy bay đón ông Lương Minh Sơn là không sai. Tuy nhiên, việc cho người nhà lên xe công vụ thì phải xem lại đây là điều không có trong quy định.
Từ sự việc này, thiết nghĩ, những người lợi dụng chức vụ quyền hạn, tận dụng đối đa quy định ưu đãi cho bản thân để ban phát cho người thân hưởng lợi. Hành vi đó không chỉ là phản cảm, mà còn là biểu hiện của việc tha hóa quyền lực vào con dốc đặc quyền đặc lợi.
Căn bệnh đặc quyền đặc lợi cần có thuốc chữa trị
Thiết nghĩ, việc tạo điều kiện cho lãnh đạo là hợp lý, song đừng để văn bản ban hành tạo đặc quyền cho cán bộ. Trước đây, câu chuyện người nhà một bộ trưởng được xe công đón tận cầu thang máy bay, hay người nhà một thứ trưởng được tặng nhiều vé xem bóng đá giải AFF Cup trong khi người hâm mộ phải mua vé chợ đen với giá rất cao… đã gây nên bất bình trong dư luận về chuyện lợi dụng đặc quyền đặc lợi của một số cán bộ.
Thực tế, vấn đề đặc quyền, đặc lợi hiện nay vẫn tồn tại dưới nhiều hình thức. Chẳng hạn, đâu đó vẫn có tình trạng máy bay phải chờ một khách VIP là cán bộ lãnh đạo đến trễ; cán bộ sử dụng quyền ưu tiên khi đi đường, đi máy bay… không thật sự cần thiết; việc khoán phương tiện đi lại đối với một số chức danh không thực hiện được do nhiều người không cần tiền mà cần phương tiện công để “ra oai”; được ưu tiên, tạo điều kiện giải quyết các quyền lợi riêng… Thậm chí, hiện nay, có dấu hiệu biến tướng thành những đặc quyền, đặc lợi dành cho gia đình, người thân của một số cán bộ có chức, có quyền.
Nhận rõ mối nguy của đặc quyền, đặc lợi từ lâu, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng thẳng thắn chỉ rõ rằng: Thực tế có một số hiện tượng tham nhũng, đặc quyền đặc lợi trong Đảng và trong các cơ quan nhà nước không được đấu tranh kiên quyết và xử lý nghiêm minh. Do đó làm tổn thương thanh danh, uy tín của Đảng, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng… Một số người còn lợi dụng chức quyền để đục khoét, vơ vét của cải của Nhà nước, của tập thể, trở thành những con sâu mọt tệ hại của xã hội. Có lẽ đây là điều mất mát lớn nhất trong tình cảm của nhân dân, là điều người dân cảm thấy xót xa, buồn phiền nhất…
Việc đối xử đặc biệt, ưu ái với quan chức cấp cao cũng là tạo điều kiện cho họ về mặt thời gian, bởi họ rất bận, khi được tạo điều kiện, họ sẽ làm được nhiều việc hơn. Nhưng cần lưu ý bởi các quy định này dễ tạo ra những đặc quyền, đặc lợi, làm ảnh hưởng đến hình ảnh trước công chúng của cả hệ thống.
Để hạn chế đặc quyền, đặc lợi trước hết phải ban hành các quy định thật chặt chẽ để không tạo ra quá nhiều các quyền ưu tiên, các lợi ích đặc thù cho các vị trí lãnh đạo mà tất cả cần bình đẳng và thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Người dân luôn mong có sự bình đẳng nên cán bộ chức vụ càng cao, càng khiêm tốn và giản dị thì càng được nhân dân đánh giá cao. Một xã hội tiến bộ, một nền hành chính lành mạnh, một chính phủ liêm chính sẽ không chấp nhận hiện tượng đặc quyền, đặc lợi, bởi đó là biểu hiện bất bình đẳng, thiếu dân chủ, mang nhiều tàn tích của các chế độ cũ, lạc hậu. Do đó, cần kiên quyết chống đặc quyền, đặc lợi, ngay trong từng cơ quan, đơn vị, từ cấp cơ sở đến cấp trung ương.
Hải Anh
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả