Cảm xúc của nữ biệt động Sài Gòn ngày non sông thống nhất
Nữ biệt động Sài Gòn nay đã bước qua tuổi thất thập, hồi tưởng lại thước phim kí ức ngày 30/4 của 45 năm về trước, bà ngậm ngùi cho biết: “Lúc đó tôi mừng lắm, cảm xúc cũng khác lạ, chắc không như nhiều người lúc đó”.
Nhớ về ngày đất nước thống nhất của 45 năm trước, bà Đặng Thị Thiệp (Đặng Thị Tuyết Mai, 77 tuổi) người vợ thứ hai của ông Trần Văn Lai (biệt danh Năm Lai, Mai Hồng Quế, Năm U.Som)một chiến sỹ Biệt động Sài Gòn (BĐSG) có những chia sẻ đầy xúc động về một thời khói lửa tàn khốc, nhưng cũng đầy vinh quang.
Mối duyên với người chồng gấp đôi tuổi
Căn nhà số 287/70 đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP.HCM, nơi có căn hầm bí mật từng là nơi cất giấu 2 tấn vũ khí của BĐSG trong cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, giờ là một điểm tham quan, tìm hiểu về lịch sử có giá trị được nhiều đoàn du khách lui tới.
Đây là căn nhà được bà Thiệp và các con phục dựng với mục đích để các thế hệ sau biết được một thời kỳ các chiến sỹ biệt động đã sống, chiến đấu và hy sinh.
Nhớ lại những năm tháng đó, bà Thiệp trầm ngâm kể, bà quê Quảng Ngãi, được gia đình cho vào Đà Lạt học. Năm 1965, khi chuẩn bị được đưa ra Bắc học tiếp, bà bị kẹt lại Sài Gòn và được tổ chức đưa vào vùng chiến khu Củ Chi.
Tại đây, bà gặp ông Trần Văn Lai (Năm Lai), người có vỏ bọc nhà thầu khoán tại dinh Độc Lập và đóng vai “vợ bé” của ông. Lúc đó, ông Năm Lai đã có vợ là bà Phạm Thị Chính (thường gọi là Phạm Thị Chinh), nhưng đến năm 1964 bà Chinh đã hy sinh. Cuối năm 1965, khi bà Thiệp lấy chồng mới chớm qua tuổi 20, còn ông Năm Lai gấp đôi tuổi bà.
Xác định theo ông là theo cách mạng, là sống chết không màng nên việc của ông cũng là việc của bà. Bà Thiệp kể, ông lúc đó làm ở dinh Độc Lập với tên gọi Mai Hồng Quế, rất giàu có, mua liền lúc 3 căn nhà 287/68-70-72 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 để đào hầm chứa vũ khí cho cách mạng.
Vợ chồng bà tự tay đào và xây dựng suốt hơn 1 năm. Đây được xem là căn hầm lớn nhất, có thiết kế chắc chắn và chứa nhiều vũ khí nhất tại nội thành Sài Gòn lúc bấy giờ.
Khi đó, ông Năm Lai dưới vỏ bọc của mình có thể đi lại mà không bị khám xét. Để vận chuyển gần 2 tấn vũ khí, vợ chồng ông Năm tìm cách ngụy trang trên xe chở các chậu cảnh, sọt hoa quả.
Bà Thiệp cũng nói thêm, ông bà phải mua 3 căn nhà liền kề để khi đào hầm và tập kết vũ khí, các nhà hàng xóm khó lòng phát hiện. Cũng trong thời gian đó, bà sinh liền 2 con nhỏ, nhưng vẫn giúp ông khuân vũ khí xuống hầm.
8 chuyến vũ khí được chở đến để ở hầm nhà; chuyến cuối cùng là ngày 28 Tết. Sau Mậu Thân bà không về căn nhà này nữa cho đến sau năm 1975.
Cố tình gắn mác “vợ bé” giúp chồng hoạt động cách mạng
Bà Thiệp kể, sau chiến dịch Mậu Thân, gia đình bà gần như sống trong tình trạng cảnh giác, đến ngủ cũng “mắt nhắm mắt mở”. Đó là 7 năm trời bà sống dưới mác “vợ bé” để giấu giếm nuôi chồng bị truy nã.
Nhắc đến thời gian này, nếp nhăn trên mặt bà như càng xô lại, giọng run run, bà Thiệp kể tiếp, Tết Mậu Thân, 15 anh em Đội 5 BĐSG đánh vào dinh Độc Lập thì 7 người hy sinh, chỉ còn 8 người cầm cự được hơn 6 tiếng và sau bị bắt đày ra Côn Đảo.
Do có đề phòng, ông Năm Lai đã mua thêm nhà ở Võ Di Nguy (nay là đường Nguyễn Kiệm Gò Vấp) và khi bị truy nã, ông lui về lẩn trốn.
Chiến tranh khi đó ngày càng ác liệt, địch truy lùng gắt gao, khám xét liên tục. Bà Thiệp cho biết, đang đêm ngủ nghe tiếng chó sủa văng vẳng đã phải vùng dậy để nghe ngóng.
“Có hôm, một toán lính tay lăm lăm súng xộc vào nhà đúng lúc ông Năm Lai, khuôn mặt khắc khổ, xanh xao sau hơn 1 năm lẩn trốn bước ra. Toán lính truy rất gắt, chĩa nòng súng về phía ông quát tháo. Trong lòng rất sợ, nhưng bà vội trấn an, đi lấy tấm thẻ căn cước được làm giả trước đó trình ra”, bà Thiệp nhớ lại.
Bà Thiệp cũng bày tỏ: “Lúc đó sống trong lòng địch, gần nhiều nhà có con em cũng đi lính nên tôi lân la hỏi han và nhớ tên đơn vị để khi bị hỏi thì nói ra. Rồi đi đâu tôi cũng “rêu rao” tôi đi làm “bé”.
Theo bà Thiệp, dưới con mắt hàng xóm, bà là “vợ bé” của người đàn ông giàu có, sống một mình nuôi con, chồng lâu lâu mới ghé qua. Khi chồng bị địch tịch thu hết tài sản thì về trốn trong nhà “vợ bé”.
“Có bà vợ sỹ quan cảnh sát ghê gớm lắm, nói tôi giật chồng người khác, mắng chửi, khinh khi. Nhưng thực ra, tôi cũng trông cho bà ý chửi để đánh lạc hướng mà yên tâm làm ăn nuôi chồng con, để giữ an toàn cho chồng”, bà Thiệp cười nói.
Giai đoạn năm 1970 1974, ông Lai hai lần bị địch bắt và tra tấn dã man, nhưng trước thái độ kiên trung của ông, chúng không khai thác được gì nên phải thả ông về.
Ngày 30/4/1975, khi nghe tin giải phóng, người người đổ ra đường chào quân giải phóng, bà Thiệp chọn cách ở nhà, ngồi lặng lẽ và suy ngẫm. Bà chia sẻ: “Lúc đó tôi mừng lắm, cảm xúc cũng khác lạ, chắc không như nhiều người lúc đó”.
Khác lạ là chiến tranh đã chấm dứt, bà không phải sống những đêm dài lo lắng cho sự an toàn của chồng nữa. Là những đau khổ, mất mát hy sinh chỉ người trong cuộc mới thấm thía giờ đã chấm dứt.
Sau giải phóng, chồng bà tiếp tục làm công tác cách mạng, bà buôn bán nhỏ nuôi 6 người con. Năm 1979, khi hợp thức hóa hôn thú, ông Năm Lai đi làm giấy khai sinh cho các con và cho cả 6 đứa con cùng 1 ngày sinh 7/5.
Vợ chồng bà dần chuộc lại nhiều căn nhà trước đây làm hầm chứa vũ khí và xây dựng thành hệ thống bảo tàng di tích lịch sử văn hóa của biệt động Sài Gòn. Ngày 16/11/1988, căn hầm ở Nguyễn Đình Chiểu được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.
Tuy ông Năm Lai đã đi xa gần 20 năm (ông mất năm 2002), bà Đặng Thị Thiệp và con trai thứ 3, anh Trần Vũ Bình vẫn tiếp tục tìm kiếm, lưu giữ, sưu tầm và tìm hiểu chi tiết về cuộc đời hoạt động cách mạng của chồng, cha mình. Vinh danh tinh thần bất khuất, quả cảm, cống hiến nhiều tài sản, vật chất cho cách mạng, năm 2015, Đảng và Nhà nước đã truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho ông Trần Văn Lai.
Cuộc đời ông Năm Lai sau này được nhiều người biết đến qua bộ phim “Biệt động Sài Gòn”, tái hiện gần nguyên mẫu nhân vật Hoàng Sơn, chủ Hãng sơn Đông Á.
Bảo Anh/ VNN