+
Aa
-
like
comment

Cấm xe xăng nội đô: Từ chính sách xanh đến nỗi lo “cơm – áo – gạo – tiền”

14/07/2025 07:40

Từ ngày 1/7/2026, xe máy chạy xăng sẽ không được phép lưu thông trong khu vực Vành đai 1 của Hà Nội – theo tinh thần Chỉ thị 20/CT-TTg vừa được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành ngày 6/7/2025. Đây là bước đi đầu tiên trong lộ trình kiểm soát ô nhiễm không khí, hướng tới nền giao thông xanh, sạch và bền vững tại các đô thị lớn.

Nhiều người tâm tư khi xe máy đang là kế sinh nhai.

Tuy nhiên, bên cạnh những kỳ vọng về một thành phố trong lành hơn, dư luận cũng đặt ra nhiều câu hỏi về khả năng thích ứng của người dân – đặc biệt là nhóm lao động thu nhập thấp – khi phương tiện mưu sinh chủ yếu lại nằm trong diện bị cấm.

Khi xe máy là kế sinh nhai

Chỉ thị 20 là bước cụ thể hóa các cam kết quốc tế của Việt Nam về trung hòa carbon, giảm phát thải nhà kính và kiểm soát chất lượng không khí. Việc cấm xe máy xăng tại các khu vực đông dân cư không chỉ nhằm giảm ô nhiễm mà còn góp phần thúc đẩy việc chuyển đổi sang phương tiện giao thông thân thiện với môi trường như xe máy điện, xe buýt điện, tàu điện đô thị…

Bên cạnh Hà Nội, TP.HCM và một số thành phố lớn khác cũng sẽ từng bước triển khai chính sách tương tự. Các giải pháp hỗ trợ đi kèm đã được yêu cầu xây dựng đồng bộ, bao gồm: phát triển hạ tầng sạc điện, trợ giá phương tiện xanh, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất xe điện trong nước, thúc đẩy giao thông công cộng.

Dù mục tiêu chính sách là đúng đắn, song trên thực tế, phần lớn người dân – đặc biệt là lao động phổ thông, shipper, công nhân, người làm nghề tự do – đang sống nhờ chiếc xe máy cũ chạy xăng. Với họ, xe không chỉ là phương tiện đi lại, mà còn là công cụ lao động và mưu sinh hàng ngày.

Một chiếc xe điện giá rẻ nhất hiện nay cũng từ 15–20 triệu đồng, chưa kể chi phí bảo trì, pin sạc. Với những người có thu nhập vài triệu đồng/tháng, đây là con số không dễ chạm tới. Bởi vậy, không ít người bày tỏ lo ngại: nếu cấm xe xăng mà chưa có hỗ trợ thực tế, họ có thể mất việc, mất thu nhập.

“Chúng tôi không phản đối môi trường xanh, nhưng phải cho người nghèo có thời gian và điều kiện để chuyển đổi,” một người dân tại quận Ba Đình bày tỏ.

Từ năm 2017, Hà Nội đặt ra lộ trình cấm xe máy trong vành đai 1 và đã xây dựng nhiều đề án, nhưng đến nay chưa thể thực hiện vì nhiều lý do.

Lộ trình xanh cần đi cùng lộ trình công bằng

Giới chuyên gia khuyến nghị: chính sách giao thông xanh muốn thành công cần được triển khai một cách thực tế, minh bạch và công bằng xã hội. Cấm xe xăng không thể là biện pháp “đánh đồng” mà phải có cơ chế phân loại và hỗ trợ cụ thể: Cân nhắc hỗ trợ người lao động chính đổi xe cũ lấy xe điện; Trợ giá xe máy điện cho người có hoàn cảnh khó khăn; Tăng cường đầu tư vào hạ tầng giao thông công cộng; Xây dựng mạng lưới trạm sạc phủ khắp khu dân cư; Tổ chức thí điểm trước khi mở rộng phạm vi áp dụng.

Bên cạnh đó, việc tuyên truyền chính sách cũng cần đi trước một bước, đảm bảo người dân được tiếp cận thông tin đầy đủ, rõ ràng và có thời gian chuẩn bị thay vì “bị bất ngờ”.

Chỉ thị 20 không đứng riêng lẻ, mà là một phần trong tổng thể chủ trương chuyển đổi xanh và cải cách hành chính của Chính phủ. Điều này phù hợp với tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của Tổng Bí thư Tô Lâm: bộ máy nhà nước phải hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân và chủ động phục vụ nhân dân đến khi người dân hài lòng.

Cấm xe xăng nội đô nếu được triển khai đúng cách sẽ không chỉ là chính sách môi trường, mà còn là một minh chứng về năng lực điều hành, khả năng chuyển hóa cam kết thành hành động cụ thể của Nhà nước, đặt con người vào trung tâm của mọi quyết sách.

Các vành đai 1, 2, 3 của Hà Nội

Thành phố xanh không thể xây dựng bằng sự bất an của người nghèo. Chính sách xanh sẽ không bền nếu đi trước năng lực thích nghi của số đông. Do đó, để lộ trình cấm xe xăng đi vào cuộc sống, Nhà nước cần chứng minh rằng: trong mọi cải cách, người dân – nhất là người yếu thế – luôn là đối tượng được bảo vệ và ưu tiên thích nghi trước tiên.

Khi chiếc xe máy điện không còn là gánh nặng tài chính, mà là một phần của môi trường sống sạch hơn, giao thông tiện lợi hơn, cuộc sống bình đẳng hơn – đó mới là lúc chính sách phát huy trọn vẹn giá trị. Và khi ấy, một lệnh cấm sẽ không còn là nỗi lo, mà là cánh cửa cho một tương lai tốt đẹp hơn.

Ngọc Lâm 

Bài mới
Đọc nhiều