Nhận được tín nhiệm cao từ gần 500 đại biểu Quốc hội, các chức danh chủ chốt Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Chánh án TAND tối cao đưa ra nhiều cam kết trước cử tri.
Là nhân sự duy nhất được đề cử, ông Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục nhận được sự tín nhiệm cao của các đại biểu để giữ cương vị Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026. Phát biểu nhậm chức, ông cam kết trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng luôn giữ và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng với các giá trị lịch sử, bản sắc văn hóa và truyền thống thiêng liêng của dân tộc, vì sự phát triển lớn mạnh, toàn diện và bền vững của đất nước.
Xúc động khi được cử tri hai huyện là cái nôi của cách mạng miền Nam gồm Hóc Môn và Củ Chi bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XV thuộc đoàn TP.HCM, Chủ tịch nước nói đây là vinh dự lớn với ông. Song, ông cho rằng mọi thành quả sẽ không bao giờ trọn vẹn khi những địa phương, những vùng đất giàu truyền thống cách mạng như vậy chưa phát triển tương xứng với bề dày lịch sử và với tiềm năng.
Trong hoạch định chính sách và chỉ đạo điều hành, Chủ tịch nước nhận định chúng ta luôn chú trọng tăng trưởng bền vững và phát triển hài hòa trên cả 3 khía cạnh: Kinh tế, xã hội và môi trường.
Nhận định đại dịch Covid-19 là nghiêm trọng, chưa từng có trong lịch sử nhân loại, Chủ tịch nước bày tỏ niềm tin “sức mạnh Diên Hồng” cùng tinh thần đoàn kết sẽ giúp chúng ta đẩy lùi, kiểm soát đại dịch Covid-19, để Việt Nam tiếp tục làm nên những mốc son phát triển mới.
Là Thủ tướng thứ 10 trong lịch sử kể từ năm 1945 đến nay, ông Phạm Minh Chính khi tái đắc cử đã đưa ra nhiều cam kết trong bài phát biểu nhậm chức dài 12 phút. Trong bối cảnh hiện nay, người đứng đầu Chính phủ khẳng định nhiệm vụ cấp bách, quan trọng hàng đầu của Chính phủ và Thủ tướng là tập trung trí tuệ, nguồn lực cùng với các biện pháp linh hoạt, sáng tạo, nhất là chiến lược vaccine để chống dịch thành công. “Đảng, Nhà nước thấu hiểu, chia sẻ với nhân dân những khó khăn, vất vả cả về tinh thần và vật chất khi phải tiến hành phong tỏa, cách ly”, Thủ tướng chia sẻ.
Cùng với cải cách nền hành chính quốc gia, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh chủ trương tăng cường phân cấp, phân quyền hợp lý, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với nâng cao năng lực cấp dưới cũng được ông nhấn mạnh; đồng thời, tăng cường phối hợp, kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực.
Để phát huy tính chủ động, sáng tạo ở các cấp, Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
Bên cạnh đó là việc có kế hoạch, biện pháp cụ thể để kiên quyết, kiên trì thúc đẩy đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, quan liêu, nhũng nhiễu, hách dịch, xa dân; xa rời mục tiêu, lý tưởng của Đảng.
Người đứng đầu Chính phủ cam kết chủ động phát hiện, tháo gỡ theo thẩm quyền những ”rào cản”, “điểm nghẽn” về cơ chế, chính sách làm trì trệ các hoạt động của nền kinh tế. Cùng với đó, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế;
Được tín nhiệm bầu làm lãnh đạo cao nhất của cơ quan lập pháp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hướng đến nhiều nhiệm vụ nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội. Ông hứa góp phần tăng tính công khai, minh bạch và chuyên nghiệp trong hoạt động của Quốc hội, cả về công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội hứa không ngừng nâng cao chất lượng công tác lập pháp và kỷ luật, kỷ cương quy trình lập pháp, xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, ổn định, khả thi, nhằm tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ để kiến tạo phát triển bền vững đất nước, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.
Bên cạnh tạo ra nhiều thay đổi trong việc thực hiện các nhiệm vụ của Quốc hội, ông Vương Đình Huệ đưa ra cam kết đổi mới phương thức, cách thức tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn, tăng cường hoạt động chất vấn ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoạt động giải trình ở các ủy ban của Quốc hội; tiếp tục hoàn thiện và tổ chức tốt việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; đồng thời nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện cơ chế giám sát, lấy phiếu tín nhiệm đối với những người do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định đẩy mạnh hơn nữa công cuộc cải cách tư pháp với nhiều giải pháp đổi mới, sáng tạo để nâng cao chất lượng hoạt động và uy tín của tòa án. “Nỗ lực cao nhất để phát huy ưu điểm, thành tựu; khắc phục hạn chế, thiếu sót. Đồng thời, chăm lo xây dựng TAND trong sạch, vững mạnh và chuyên nghiệp”, ông cam kết.
Nêu rõ sẽ tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng; nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật; thực hiện đầy đủ các nguyên tắc tư pháp tiên tiến, ông Nguyễn Hòa Bình hướng tới mục tiêu để nền tư pháp nước nhà ngày càng phát triển, để nhân dân cảm nhận và thụ hưởng được công bằng và lẽ phải, nghiêm minh và nhân văn trong mỗi phán quyết tư pháp.
Hoài Thu – Như Ý – Ảnh: Thuận Thắng