Cảm giác như bị quê hương kỳ thị vì… thư ngỏ vận động không về quê ăn Tết
Một số nơi ở Thanh Hóa có thư ngỏ vận động, khuyến cáo người dân đi làm ăn xa không về quê dịp Tết Nhâm Dần nếu không thực sự cần thiết để phòng chống dịch COVID-19, người lao động cảm giác như bị chính quê hương kỳ thị.
“Cảm giác như bị chính quê hương kỳ thị”
Đang tất bật chạy công trình, anh Đoàn Nhật Minh (SN 1990, quê ở Thanh Hóa) được bạn gọi điện báo tin thành phố ra thư ngỏ vận động người dân không về quê ăn Tết. Nhớ lại lúc nhận được tin, anh Minh vẫn không giấu được nỗi buồn. “Mặc dù chỉ là vận động chứ không phải bắt buộc, nhưng nghe xong mình buồn quá. Với tôi cái tết cổ truyền là dịp đặc biệt. Xa xứ bôn ba cả năm trời, chỉ mong ngày tết được đoàn tụ cùng gia đình. Tết năm nay dù sao tôi cũng sẽ về, mình cách ly theo đúng quy định là được”, anh nói dứt khoát.
Đã hơn 1 năm nay anh Minh vẫn chưa được về thăm gia đình vì dịch bệnh phức tạp. Anh là công nhân xây dựng ở Phú Quốc. Cũng giống với mọi người, sau một năm có quá nhiều biến động vì dịch bệnh, anh Minh mong muốn được về quê nghỉ ngơi, đoàn tụ cùng gia đình.
Chưa phải đi làm ăn xa xứ, nhưng Đỗ Nhàn (SN 2000, quê ở Thanh Hóa) cũng đã không được gặp bố mẹ cả gần năm nay. Nhàn là sinh viên đang học tại Hà Nội. Năm nay vì dịch bệnh, cô quyết định ở lại Hà Nội chống dịch. Vì “sợ mang dịch về cho bố mẹ, hàng xóm thì khổ lắm”.
Nhàn kể lúc đọc được thư ngỏ, mặc dù biết chỉ là vận động nhưng “nghe cứ như bị đuổi, bị quê hương mình kỳ thị vậy, ai mà không chạnh lòng chứ!”.
“Theo mình hạn chế đi lại, thăm hỏi, gặp mặt nhau thì được. Chứ người ta đi làm đi học xa nhà cả năm trời ròng rã, tết chỉ muốn về thăm bố thăm mẹ mà bảo không về thì buồn lắm. Thành phố có thể thông báo khuyến khích người dân về sớm hơn để cách ly thay vì vận động không về khác gì cấm không cho về thế này”, Nhàn bức xúc nói.
Gác lại thư ngỏ vận động ở lại của thành phố, năm nay Nhàn vẫn quyết tâm về quê đón Tết. “Cả năm nay mình đã lủi thủi một mình ở Hà Nội rồi. Sang năm nữa là mình ra trường đi làm, cơ hội ở cạnh bố mẹ lại càng ít, nên mình dù thế nào vẫn sẽ về; Quan trọng là tuân thủ tốt quy định cách ly và được tiêm phòng đầy đủ là được rồi”, Nhàn tâm sự.
Quy định phòng chống dịch mỗi nơi một kiểu!
Không bị vận động “không về quê dịp Tết nếu không thực sự cần thiết”, nhưng Nguyễn Mai (SN 1995, quê ở Thái Bình) vẫn chưa quyết định được nên về quê hay ở lại đón Tết một mình ở Hà Nội. Mấy ngày nay, Mai liên tục gọi điện về cho gia đình để hỏi thăm tình hình ở quê. Cô lo sợ rằng bị mọi người kì thị khi về từ vùng dịch có nguy cơ cao.
“Hà Nội tình hình dịch bây giờ phức tạp thế nào mọi người cũng biết rồi đó, nhìn đâu cũng là F0. Mỗi ngày hơn 2.000 ca nhiễm bệnh. Mình cũng như “ngồi trên đống lửa”, sợ lỡ dính bệnh thì xác định là mất tết luôn rồi”. Hiện tại, mỗi ngày đi làm về, Mai đều nhận được điện thoại liên tục từ gia đình. Ngay từ tháng trước, mẹ cô đã gọi điện giục con gái về sớm để kịp cách ly. “Về muộn quá hàng xóm dị nghị, người ta sợ mình mang bệnh về thì khổ!”, Mai nhớ lại lời mẹ dặn đi dặn lại trong điện thoại mỗi tối.
Nhiều người khác lại “chưa kịp” có nỗi lo sợ bị dị nghị vì đi từ vùng dịch về, bởi thời gian nghỉ Tết còn không đủ thời gian theo cách ly ở quê!
Lịch nghỉ Tết Nguyên đán là 9 ngày (từ 27 tháng Chạp Âm lịch đến mùng 6 tháng Giêng Âm lịch), nhưng thực tế, quy định về phòng chống dịch ở một số địa phương đã khiến nhiều người khó thực hiện mong muốn về quê dịp Tết.
Điển hình như, Quảng Ngãi yêu cầu người về từ các tỉnh thành có số ca mắc Covid-19 cao như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai… kể cả đã tiêm đủ 2 mũi vaccine hay đã khỏi bệnh vẫn phải xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR; Đồng thời tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong vòng 7 ngày.
Trường hợp chưa tiêm đủ liều vắc-xin sẽ xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR vào ngày đầu tiên; Thực hiện cách ly tại nhà 7 ngày và theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo. Những người chưa tiêm vắc-xin sẽ xét nghiệm RT-PCR 3 lần vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 và ngày thứ 14 khi về địa phương; Cách ly tại nhà 14 ngày, tiếp tục theo dõi sức khỏe 14 ngày tiếp theo.
Trong khi đó, Nghệ An quy định người dân khi về quê nếu đến/về từ các khu vực nguy cơ rất cao (cấp độ 4) hoặc khu vực nguy cơ cao (cấp độ 3) phải khai báo y tế bắt buộc tại trạm y tế xã/phường/thị trấn trước khi về nhà, nơi lưu trú; đi từ khu vực nguy cơ (cấp độ 2) và khu vực bình thường mới (cấp độ 1) thì thực hiện khai báo y tế bắt buộc, thực hiện 5K, tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày kể từ ngày đến/trở về địa phương.
Còn người dân về quê ăn Tết ở TP Đà Nẵng thì vẫn áp dụng các biện pháp y tế như ngày bình thường. Cụ thể, chỉ cần khai báo y tế trên ứng dụng PC Covid và áp dụng các biện pháp như quy định chung của Bộ Y tế.
Quy định cách ly mỗi nơi một kiểu đang đẩy người lao động vào thế khó. Nhiều người tỏ ra bức xúc vì cho rằng cách làm của một số nơi còn “cứng nhắc”.
Anh Tùng Lâm (SN 1989, quê ở Nghệ An, hiện đang làm việc tại TP. HCM) cho rằng: “Quy định cách ly với mong muốn hạn chế dịch bệnh là tốt, nhưng hiện nay nhiều quy định vẫn còn chưa phù hợp với thực tết chung. Theo tôi hiện nay nước mình đã tiêm vắc-xin hầu hết cho người dân rồi, phải xác định sống chung với Covid thôi. Điều quan trọng là có ý thức tuân thủ quy định phòng dịch, tuân thủ 5K là được. Năm nay tôi cũng sẽ về quê, đi làm xa nhà cả năm chỉ mong có cái Tết. Tôi xác định sẽ xin làm online từ ngày 22 và về quê sớm để tự cách ly tại nhà để kịp đón Tết”, anh nói.
Tết là dịp đoàn viên, sum họp gia đình. Nhưng năm nay, Tết đặc biệt, theo nhiều nghĩa. Dù chọn ở lại hay về quê ăn Tết, mong rằng tất cả mọi người đều thực hiện nghiêm túc theo quy định phòng chống dịch để có một cái tết trọn vẹn hơn.
Ngọc Minh