Cấm ép uống bia rượu: cần thiết nhưng cấm được không?
Từ ngày 1-1-2020, Luật phòng chống tác hại của rượu bia, Luật chăn nuôi, Luật thi hành án dân sự… có hiệu lực. Điểm mới của các điều luật trên là có những quy định mang tính nhân văn, nhân đạo, rất tiến bộ… sẽ được áp dụng.
Thế nhưng cũng có không ít người cho rằng để áp dụng những quy định mới này thì cần thêm lộ trình triển khai.
Cấm ép người khác uống rượu: phạt sao?
Từ ngày 1-1-2020, Luật phòng chống tác hại của rượu bia sẽ có hiệu lực. Một trong những nội dung đáng chú ý đang gây nhiều băn khoăn là điều 5 của luật có quy định: Cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu bia.
Đa số chuyên gia trong ngành luật và người dân đều cho rằng đây là quy định cần thiết nhưng để thực thi, xử phạt được là điều rất khó.
Khi được hỏi về quy định trên, một số nam thanh niên đang ngồi nhậu trong một quán hải sản trên đường Phạm Văn Đồng (Q.Gò Vấp, TP.HCM) cười phá lên và cho rằng quy định cấm lôi kéo người khác uống rượu bia là khó khả thi khi thực hiện xử phạt.
Ai sẽ theo dõi để phạt? Khi ai đó cho rằng bị lôi kéo, ép buộc uống rượu bia thì phải chứng minh bằng cách nào, quay phim, ghi âm, tin nhắn… có được không?
“Như tui nhắn tin rủ thằng Thắng đi nhậu. Hắn đi nhưng khi ra bàn nhậu hắn gây sự, dẫn đến xích mích nên đi tố tui lôi kéo đi uống bia thì tui có bị xử lý không?
Ngoài ra, theo quy định ép rượu bia cũng bị xử vậy tui ép bạn tui bao nhiêu lon, bao nhiêu ly mới vi phạm?… Trời ơi, phức tạp quá, nào, một, hai, ba… dô… đi anh em” – anh Lâm, một người ngồi trong bàn, cười nói.
Tương tự, anh V.T.M. (29 tuổi, ngụ tại Q.Bình Tân) cho biết hầu như chiều nào anh cũng rủ bạn bè làm vài “ve” cho đỡ buồn. Khi vào bàn nhậu phải gọi hết người này đến người khác cho đông bạn nhậu mới vui. Đã không nhậu thì thôi chớ ngồi vô bàn nhậu là phải uống nhiệt tình. Vậy việc gọi bạn đến nhậu có được xem là xúi giục không?
“Khi nhậu, tụi tui thường ép nhau uống thêm là điều rất bình thường. Đứa nào không uống nhiệt tình sẽ bị coi là khinh, xem thường bạn bè. Việc ép nhau uống thêm hầu như diễn ra hằng ngày, giờ đưa vào quy định cấm, lại còn bị xử phạt nọ kia, không biết mọi người thấy sao chứ dân nhậu tụi tui thấy buồn cười lắm” – anh M. bày tỏ.
Ngược lại với các ông, chị N.T.T.N. (ngụ Q.Phú Nhuận) cho rằng quy định trên rất cần thiết, nó mang tính nhân văn với những người làm vợ và ngay cả với mấy ông. Bởi theo chị N., người uống rượu bia đàng hoàng là người đã trưởng thành nên có ý thức, biết kiềm chế khi ngồi vào bàn tiệc.
“Do đó việc lôi kéo, ép buộc nhau uống rượu bia chắc chắn không phải là điều thích thú với phần nhiều quý ông đàng hoàng. Với người phụ nữ, chắc chắn họ cũng chẳng vui gì khi chồng, con, cha, chú… bị lôi kéo nhậu nhẹt, ép uống rượu bia đến say mèm” – chị N. chia sẻ.
Càng cụ thể càng dễ áp dụng
Chia sẻ về quy định trên, luật sư Hoàng Cao Sang (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng tinh thần của điều luật cấm lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu bia là hết sức tiến bộ nhưng để thực thi được ngay thì không phải dễ. “Ai cũng biết tác hại của việc uống rượu bia. Văn hóa của người Việt Nam mình vẫn còn hình thức hay rủ rê, lôi kéo, ép buộc nhau uống trên bàn nhậu.
Nhiều người vì không muốn uống nhưng bị bạn bè, đối tác ép uống thêm ly nữa, uống thêm chai nữa, nếu không uống thì sợ mất lòng… Những trường hợp thế này người bị ép cũng hơi khó chịu thật, nhưng nếu nói xử phạt cũng rất khó thực thi. Theo tôi, các nhà làm luật nên siết chặt các đối tượng kinh doanh rượu nhỏ lẻ, sản xuất rượu giả, rượu kém chất lượng” – luật sư Sang nói.
Theo luật sư Sang, từ ngày 1-1-2020 Luật phòng chống tác hại của rượu bia có hiệu lực thì cần có nghị định hướng dẫn cụ thể để điều 5 của luật được thực thi trên thực tế. Nghị định hướng dẫn phải quy định rất rõ thế nào là xúi giục, thế nào là lôi kéo, thế nào là ép buộc… từ đó mới có căn cứ xử lý các hành vi vi phạm.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, chuyên gia xã hội học Lý Thị Như (TP.HCM) cũng cho rằng nếu không có hướng dẫn đầy đủ thì quy định cấm lôi kéo, xúi giục người khác uống rượu bia sẽ rất khó thực thi. Tâm lý người Việt Nam khi đã ngồi cùng bàn nhậu với nhau thì thường là người quen biết nên rất cả nể.
Do đó, theo chuyên gia Lý Thị Như: “Dân nhậu thường hay ép nhau uống. Người bị ép dù không vui vẻ gì nhưng vẫn miễn cưỡng uống. Hành vi ép người khác uống rượu bia “cho vui” rõ ràng là điều cần cấm. Tuy nhiên theo tôi, nên hạn chế hành vi rủ rê, lôi kéo này bằng các biện pháp tuyên truyền trước mắt sẽ có tác dụng tốt hơn…”.
Không bán đồ uống có cồn cho người dưới 18 tuổi
Tuổi tiêu thụ đồ uống có cồn hợp pháp ở Singapore là 18 tuổi. Đặc biệt, chỉ những cơ sở được cấp phép mới được bán đồ uống có cồn (như nhà hàng và siêu thị) ở Singapore. Việc xin cấp phép bán đồ uống có cồn này được quy định hẳn trong luật kiểm soát rượu bia được Singapore ban hành vào năm 2015.
Luật quy định rõ về số lượng, chủng loại đồ uống có cồn muốn bán kèm theo mức phí xin phép. Luật quy định những cơ sở được cấp phép này không được bán đồ uống có cồn cho bất kỳ ai dưới 18 tuổi hoặc cho phép người đó tiêu thụ đồ uống có cồn trong khuôn viên của họ. Những đơn vị bán lẻ vi phạm sẽ chịu mức phạt không quá 5.000 SGD.
Để chứng minh tuổi khi đi mua đồ uống có cồn, người mua cần mang theo một trong các giấy tờ như: chứng minh nhân dân, bằng lái xe, hộ chiếu. Với người nước ngoài, việc xét giấy tờ tùy thân trong trường hợp này sẽ gắt gao hơn.
Còn tại Thái Lan, chính phủ nước này ban hành lệnh cấm các cửa hàng, siêu thị đặt máy bán rượu bia tự động hoặc những hình thức bày bán tiện lợi khác. Theo quy định, đồ uống có cồn đóng chai chỉ được bán từ 11h-14h và 17h-24h mỗi ngày. Người vi phạm có thể bị phạt 6 tháng tù hoặc phạt tiền 10.000 baht (khoảng 7,5 triệu đồng), hoặc cả hai.
Riêng tại Mỹ, độ tuổi uống rượu bia được quản lý rất nghiêm ngặt. Người được phép tiêu thụ chất có cồn bắt buộc phải 21 tuổi trở lên. Nơi bán rượu bia cũng được quy định rõ ràng. Các siêu thị không được bán rượu mạnh mà có thể bán những loại rượu vang hoặc bia và phải có giấy phép.
MINH KHÔI
TÂM LỤA – HOÀNG ĐIỆP/TTO