Cấm đi chợ quá 2 lần/ngày và việc áp dụng pháp luật
Sáng nay, một anh bạn tôi là doanh nhân gọi điện, gần như khóc vì không thể đến để giải quyết thủ tục lô hàng gấp của công ty anh đặt tại một khu công nghiệp ở Bắc Ninh.
Tối qua, 6.4, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ra lệnh sẽ cách ly tập trung 14 ngày tất cả những người đến từ vùng có dịch.
Cũng sáng nay, 7.4, chính quyền TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, tuyên bố tăng cường xử lý những người vi phạm Chỉ thị 16 về cách ly xã hội. Theo đó, những người không đeo khẩu trang hoặc đi chợ quá 2 lần/ngày sẽ “bêu tên” trên các phương tiện thông tin đại chúng như cổng thông tin điện tử, báo địa phương”.
Chuyện gì đang xảy ra? Khi nhân danh việc thực hiện chỉ đạo của chính quyền trung ương về các biện pháp phòng chống dịch bệnh, nhiều tỉnh thành đã tự cô lập, thái quá đến mức ngăn cản người dân mưu sinh và cản trở doanh nghiệp hoạt động.
Ngày 31.3, Thủ tướng đã công bố dịch trên toàn quốc, vậy căn cứ gì để Bắc Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Sơn La, Quang Nam và nhiều tỉnh thành khác cách ly 14 ngày và bắt buộc đóng phí với những người đến “từ nơi có dịch” (hàm ý là có người nhiễm bệnh)?
Rào đường, chặn xe ra vào, bắt người dân phải “xin giấy phép” khi ra ngoài tỉnh, xử phạt người ra đường “không đúng mục đích”, đóng cửa các công trình xây dựng… là rất nhiều những hành vi “cát cứ” trái với tinh thần của Chỉ thị 16 cũng như Công văn 2601/VPCP-KGVX của Văn phòng Chính phủ hướng dẫn thực hiện chỉ thị 16.
Theo báo Thanh Niên, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói: “Cách ly xã hội không phải là phong tỏa, nội bất xuất ngoại bất nhập, cũng không phải là lệnh giới nghiêm. Mục tiêu của biện pháp cách ly xã hội là nhằm người dân tự giác giảm tối đa tương tác giữa người với người trong xã hội”.
Chỉ thị 16 và Công văn 2601 không cấm việc tự do đi lại của người dân các tỉnh, thành, không thực hiện lệnh phong tỏa giữa các địa phương. Người dân chỉ được khuyến cáo hạn chế việc ra đường nếu không thực sự cần thiết và phải thực hiện giữ khoảng cách ngoài công sở, nơi công cộng, không tụ tập quá 2 người… Đồng thời, người di chuyển sang địa phương khác có nghĩa vụ “khai báo y tế” trung thực và “hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu vi phạm các quy định về khai báo y tế”.
Nhưng nhiều tỉnh vẫn áp dụng các biện pháp “ngăn sông cấm chợ”, hạn chế quyền đi lại, quyền kinh doanh của người dân như kể trên. Ngay cả quy định “lý do chính đáng” mà một số địa phương áp dụng cũng rất “mù mờ”, dễ bị lạm dụng.
Chính phủ đã áp dụng rất nhiều biện pháp, từ mềm dẻo đến chặt chẽ, phù hợp với từng giai đoạn chống dịch bệnh. Người dân nói chung đã có tinh thần chống dịch triệt để, chấp hành các khuyến cáo của cơ quan chức năng và chính quyền về các biện pháp phòng dịch ở mức rất cao: đa số đang ở nhà, cách ly xã hội, các cơ quan cho nhân viên làm việc ở nhà khi có thể.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, trong cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, cũng “cảm ơn nhân dân đã chung sức, đồng lòng chống dịch cho dù phải chịu không ít bất tiện, thậm chí thiệt thòi về lợi ích kinh tế”.
Vậy thì tại sao các địa phương lại có thể ban hành các quyết định cực đoan trong chống dịch, không tính đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân, tạo thêm gánh nặng cho đời sống và hoạt động sản xuất kinh doanh?
Hôm qua, 6.4, trong Cuộc họp thường trực Chính phủ bàn về biện pháp phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Tinh thần chống dịch nhưng cũng cần chống doanh nghiệp phá sản, lao động mất việc”.
Đây là lo lắng cần thiết của người đứng đầu Chính phủ, vì các khó khăn kinh tế được cho là sẽ đến sớm hơn dự liệu, đặc biệt nếu chính quyền các địa phương tiếp tục áp dụng các chính sách chống dịch cực đoan, ngăn sông cấm chợ, không tuân thủ chỉ đạo của T.Ư như thế này.
* Bài viết thể hiện văn phòng và góc nhìn của tác giả, một nhà báo sinh sống tại Hà Nội.
PV/TN