+
Aa
-
like
comment

Cạm bẫy sau lời mời đầu tư cổ phiếu Mỹ, tiền ảo ‘ăn chắc’

21/08/2020 18:21

Nhiều người không cưỡng lại được sức hấp dẫn của việc làm giàu nhanh. Bên cạnh đó còn là nỗi sợ lỡ mất chuyến tàu làm giàu với những “Tesla, Amazon thứ hai”.

Trong mấy ngày qua, tôi đọc được rất nhiều câu chuyện liên quan đến việc người dân mất tiền vì tin vào những cam kết đầu tư “lợi nhuận cao, đảm bảo ăn chắc”, không chỉ qua các công cụ thời thượng như fintech, coin và trí tuệ nhân tạo, mà còn qua những kênh “truyền thống” như các nền tảng giao dịch ngoại hối, cổ phiếu (trading platform).

Ấn tượng nhất có lẽ là việc nhiều nhà đầu tư tin tưởng gửi tiền cho một rapper người Việt từng đình đám một thời. Sau đó, người này dùng tiền của nhà đầu tư gửi mua cổ phiếu để mua quyền chọn bán cổ phiếu Tesla, rồi… mất sạch.

Ở một câu chuyện khác, anh bạn học của tôi, một quản lý cao cấp tại một tập đoàn lớn, cũng có người nhà bị người quen lừa vào một canh bạc coin ảo với những lời hứa có cánh “chắc chắn lời”, nhưng bây giờ thì “chắc chắn lỗ”. Bản thân tôi cũng nhận được nhiều câu hỏi như bỏ 100.000, 200.000 USD vào các nền tảng giao dịch thì có an toàn không.

Cạm bẫy ‘lợi nhuận cao’, ‘ăn chắc’

Trước tiên, cần nhìn nhận rằng đang có một sự bùng nổ nhu cầu đầu tư kiếm tiền nhanh của các nhà đầu tư cá nhân qua những công cụ tài chính. Trên thế giới cũng có sự bùng nổ của các nền tảng giao dịch dễ sử dụng, phí giao dịch bằng 0, thu hút những người chưa từng mua bán cổ phiếu, tiền tệ hay các công cụ tài chính phức tạp hơn như phái sinh tham gia. Điển hình là những công ty fintech được đưa ra các mức định giá “trên cung trăng” như Robinhood hay Revolut.

Nguyên nhân của xu hướng này là nhiều người bị giãn việc, mất việc, bị thu hút vào con đường kiếm tiền nhanh qua đầu tư.

Cạm bẫy sau lời mời đầu tư cổ phiếu Mỹ, tiền ảo 'ăn chắc'

Nhưng quan trọng hơn, như một người bạn của tôi chỉ ra, vấn đề nằm ở chỗ những hứa hẹn lợi nhuận có cánh mà thôi. Hơn gần 15 năm trước, một đàn anh hướng dẫn tôi về đầu tư ở một công ty quản lý quỹ của Australia từng đúc kết: “Để lừa được người nào đó vào một vụ lừa đảo đầu tư, cần có một cái gì đó lên thật mạnh, cho họ thấy những khoản lời kếch xù, rồi sau đó lừa họ vào một cái gì tương tự”.

Việc giá Bitcoin lên mạnh vào những năm trước, những cổ phiếu tăng mấy lần một năm như Amazon, Tesla, Google, Netflix hay giá bất động sản tăng mạnh ở Việt Nam là các “mồi câu” hấp dẫn. Người ta sẽ dựa vào những thứ có thật đó để lôi kéo bạn đầu tư vào những công ty “sẽ trở thành Amazon, Tesla tiếp theo”, “Bitcoin tương lai”, hay những thứ đại loại như công nghệ máy học đem về cho bạn lợi nhuận 1-2% mỗi ngày.

Đằng sau những mồi câu đó là sự tiến bộ của công nghệ, những bài báo có cánh của truyền thông về một loại hình đầu tư từng mang lại siêu lợi nhuận (mà trong đó may mắn và tâm lý bầy đàn của đám đông đóng góp không ít), một trào lưu gì đó có hơi hướm “công nghệ hiện đại”. Điểm chung của các mồi câu này là liên quan đến những thứ không minh bạch, không biết tương lai ra sao và đa số người thiếu thông tin, không hiểu nó là cái gì.

Lấy ví dụ, ở Việt Nam, nhiều người được mời chào những sản phẩm tiền ảo coin mà không hiểu sau lưng nó là ai, vận hành ra sao, “đào” nó nghĩa là như thế nào; hoặc đầu tư vào một công ty quảng bá là dùng trí tuệ nhân tạo để giao dịch, mà không biết đó là chiếc máy học gì, “khôn”, hay “dốt”, thậm chí là có máy học thật không (dân công nghệ hay đùa nhau rằng máy chạy bằng điện hay bằng… cơm).

Đổ tiền vào những tảng thiếu đảm bảo

Tôi được biết có không ít người đã đặt vài chục nghìn đến vài trăm nghìn USD vào những nền tảng giao dịch ngoại hối, tiền tệ mà không hề kiểm tra các nền tảng đó có đăng ký kinh doanh ở đâu, vốn đăng ký ra sao, quản lý tiền khách hàng thế nào. Có những người bạn trên Facebook của tôi nhờ kiểm tra giúp một số nền tảng giao dịch mà tôi chưa từng nghe bao giờ. Tôi search thử Google cũng chẳng tìm được giấy phép đăng ký kinh doanh hay được cơ quan nào chứng nhận. Đó là một tín hiệu không an toàn, thế mà hỏi ra thì các bạn ấy đã bỏ vào đó cả chục nghìn USD.

Ngay cả với các nền tảng được một số MC, người nổi tiếng ở Việt Nam giới thiệu, có thể gọi là có tên tuổi, tìm được đăng ký tại Mỹ, Anh hay một thiên đường thuế, thì vẫn có những góc khuất. Bạn tôi, làm việc ở một công ty chuyên cung cấp dịch vụ hỗ trợ thanh toán và đánh giá rủi ro cho các nền tảng giao dịch này, cho biết phương thức quản trị rủi ro của họ vô cùng hời hợt (dùng từ của bạn tôi là “nghe là té ghế”), có thể lỗ rất nhiều tiền khi giá của một công cụ tài chính nào đó biến động bất thường (ví dụ như chuyện giá dầu âm hồi tháng 4).

Dù các công ty này được hiểu chỉ là trung gian nhận và chuyển lệnh cho nhà đầu tư, trong nhiều trường hợp, họ vẫn có những vị thế có rủi ro thanh toán với bên thứ ba (counter party risk) rất lớn. Ở Australia và New Zealand trong năm 2018 và 2019 đã có vài trường hợp các nền tảng giao dịch làm môi giới mua bán ngoại tệ qua mạng bị phá sản do biến động bất thường của tiền tệ gây rủi ro. Đây đều là những công ty môi giới được cấp phép của cơ quan quản lý các nước này, nhưng khi phá sản thì cơ quan quản lý chỉ đến rút giấy phép và phát hiện ra là những nền tảng này vẫn nhận cho khách hàng giao dịch trong khi tình hình tài chính của họ đã kiệt quệ. Kết quả là nhiều chủ nợ và khách hàng của các công ty này bị mất tiền.

Nói vậy để thấy cho dù một nền tảng được một cơ quan quản lý danh tiếng của nước ngoài cấp giấy phép cung cấp dịch vụ giao dịch ngoại tệ, cổ phiếu cũng không hề là một “kim bài miễn tử” cho nhà đầu tư. Các công ty này vẫn có thể vỡ nợ sau một đêm.

Điển hình là nhiều công ty môi giới tiền tệ có tiếng và nền tảng vốn không tệ ở châu Âu đã phá sản vào năm 2017 khi đồng franc Thụy Sĩ tăng gần 40% chỉ trong vài phút so với euro. Bởi thông thường, khi khách hàng có vị thế bán đồng franc Thụy Sĩ, các nền tảng giao dịch này không thể luôn phòng ngừa hết rủi ro hay đẩy các lệnh đó cho người khác, mà họ giữ lại một số lệnh trên tài khoản của mình, và đặt một tỷ lệ yêu cầu ký quỹ nhất định để đảm bảo nếu vị thế đó quá lỗ, khách hàng phải đắp thêm tiền vào.

Nếu khách hàng chưa kịp đắp tiền vào mà mức lỗ vượt quá tỷ lệ ký quỹ an toàn thì công ty môi giới sẽ thanh lý vị thế, và do đó khả năng lỗ của công ty môi giới là rất thấp. Nhưng trong trường hợp biến động 40% trong vài phút, mọi việc diễn biến quá nhanh, và nhà đầu tư lẫn công ty môi giới đều không kịp đóng vị thế giao dịch, chịu một mức lỗ khổng lồ.

Bạn tôi đánh giá là ngay cả với những công ty cung cấp các nền tảng giao dịch có mức vốn hóa hạng trung bình ở Anh, niêm yết trên thị trường cổ phiếu hẳn hoi, và có hệ thống phòng ngừa rủi ro tương đối chặt chẽ, vẫn có thể rơi vào tình trạng tương tự. “Mấu chốt là họ có vốn đủ lớn để chịu một vài cú sốc như vậy không, y như ngân hàng vậy thôi”, bạn tôi nói. Với hơn 10 năm kinh nghiệm làm nghề, bạn cho rằng không thể biết trước điều gì ở một thị trường phức tạp như thị trường tài chính. Lehman Brothers còn có thể sụp đổ thì mấy nền tảng giao dịch này cũng vậy.

Chỉ là một câu chuyện để bạn hiểu rằng, ngay cả với những nền tảng giao dịch mà bạn nghĩ là an toàn, uy tín quốc tế, thậm chí niêm yết cổ phiếu trên sàn quốc tế, vẫn có thể phá sản sau một đêm. Vậy nên, không có một “sàn online” nào gọi là an toàn cả.

Vậy thì với mấy loại đồng tiền mã hóa (hay được gọi là coin) hay đầu tư thông qua các công ty fintech dùng trí tuệ nhân tạo không thể tìm thấy đăng ký kinh doanh ở đâu, chỉ quảng bá là “xu thế mới”, “lời chắc”, “lợi nhuận cao” thì “nhắm mắt đưa tiền” quả là rất rủi ro. Nói như một anh bạn tôi là “đưa tiền Huyền Như gửi tiền ngân hàng mà còn bị lừa” thì mấy cái đó bị lừa là chuyện bình thường.

Lời kết

Công bằng mà nói, những cái “công nghệ cao”, “thời thượng” như vậy rất khó nói là đầu tư đúng hay sai. Có những người dễ dàng viện dẫn trường hợp của Amazon, Tesla, Google đã biến nhiều người ngủ qua đêm thành triệu phú hay tỷ phú USD. Nhưng cũng có những vụ biến từ tỷ phú USD thành triệu phú USD như nhà đầu tư bỏ tiền vào Theranos, công ty khởi nghiệp công nghệ sinh học đã lừa nhà đầu tư lẫn một hội đồng quản trị gồm toàn cựu quan chức, nhà công nghệ và tỷ phú đầy kinh nghiệm.

Đã có rất nhiều cảnh báo và lời kêu gọi phải có một khuôn khổ pháp lý tốt hơn để “rào lại” những hoạt động đầu tư qua nền tảng giao dịch ngoại tệ, cổ phiếu, tiền mã hóa… qua mạng, nhưng nó mãi vẫn là một mảng màu xám trong suốt hơn 10 năm qua vì tính biến hóa và phức tạp của mảng này.

Hiện tại còn có người chia sẻ với tôi rằng có những công ty tinh vi tới mức đang thông qua hợp tác với một số công ty có đăng ký kinh doanh hợp pháp và có ít nhiều tên tuổi trong nước, thậm chí là mời gọi một số người nổi tiếng ở showbiz Việt, để tham gia vào một dịch vụ ủy thác đầu tư của họ, chủ yếu là để đầu tư cổ phiếu và công cụ phái sinh tại nước ngoài. Bạn của tôi, hiện quản lý một quỹ đầu tư ở Việt Nam, kể rằng mỗi ngày nhận không biết bao nhiêu tin nhắn giới thiệu đầu tư cổ phiếu Mỹ.

Những câu chuyện tản mạn ở trên chỉ ra hai vấn đề. Một, chiêu bài “cam kết lợi nhuận cao” vẫn có thể dùng tốt, bất kể nó không đáng tin cậy như thế nào. Đó là vì nhiều người vẫn không cưỡng lại được sức hấp dẫn của việc làm giàu nhanh, ra oai với người khác. Bên cạnh đó còn là nỗi sợ lỡ mất chuyến tàu làm giàu thứ hai với những “Tesla, Amazon, Bitcoin tiếp theo”.

Hai, có một nhu cầu thật sự muốn đầu tư vào những thứ như cổ phiếu Mỹ, tiền mã hóa, hay những thứ “thời thượng” hơn. Vì vậy, cần một nền tảng pháp lý để đảm bảo các quỹ đầu tư, công ty chứng khoán, ngân hàng có uy tín có thể cung cấp dịch vụ này trong khuôn khổ Nhà nước cho phép, thay vì để thị trường này lại cho những công ty môi giới đầu tư có thể biến mất sau một nốt nhạc.

Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol, Anh

Bài mới
Đọc nhiều