+
Aa
-
like
comment

“Cái tội chính của Việt Nam là rơi vào đúng chỗ đúng lúc”

Bảo Trâm - 18/12/2020 02:41

Vừa qua, trang East Asia Forum vừa có bài viết mang tiêu đề “Debunking Vietnam’s currency manipulation”, với nội dung phân tích rõ tình hình kinh tế, xuất nhập khẩu của Việt Nam. Qua đó tác giả bài viết cũng khẳng định theo số liệu hiện tại, Việt Nam không hề thao túng tiền tệ như Mỹ vừa công bố.

Giáo sư David Dapice là chuyên gia kinh tế cao cấp tại Trung tâm Ash về Quản trị Dân chủ và Đổi mới, thuộc Trường Quản lý Nhà nước John F Kennedy, Đại học Harvard. Ông được xem là chuyên gia hàng đầu về kinh tế phát triển ở Đông Nam Á, ông nghiên cứu chuyên sâu về Indonesia, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Trước đó, ông còn từng là cố vấn trưởng cho Bộ Tài chính Indonesia khi đất nước này đang tăng trưởng nhanh chóng.

Giáo sư David Dapice là chuyên gia kinh tế cao cấp tại Trung tâm Ash về Quản trị Dân chủ và Đổi mới, thuộc Trường Quản lý Nhà nước John F Kennedy, Đại học Harvard.

Nội dung bài viết do Giáo sư David Dapice phân tích có nội dung như sau:

Bộ tài chính Mỹ đang điều tra xem có phải Việt Nam đang thao túng tiền tệ hay không (thông qua phá giá đồng tiền). Nguyên nhân đằng sau việc điều tra này là thặng dư thương mại song phương ngày càng tăng giữa Việt Nam với Mỹ, đây là một biến số quan tâm đặc biệt đối với chính quyền Nhà trắng hiện nay, trừ các nhà kinh tế.

Yếu tố phù hợp để xem xét chính là cán cân thương mại tổng thể. Và nó gần như là cân đối, thặng dư thương mại (tương đối) lớn năm 2019 thật ra chỉ bằng 4% hàng nhập khẩu. Với hầu hết các năm khác trong thập niên này thì chênh lệch thương mại là nhỏ hơn hay thậm chí là âm. Một cách kiểm nghiệm khác là nếu dự trữ ngoại hối là “vượt trội” và đạt khoảng 3-4 tháng nhập khẩu, thì khoảng dự trữ này cũng hoàn toàn bình thường.

Ta cũng có thể xem chuyển động của tỉ giá hối đoái. Năm 2010 có thâm hụt thương mại và tỉ giá hối đoái thì ở mức bình quân 18.613 đồng một USD. Năm 2019, thặng dư thương mại nhìn chung rất khiêm tốn, tỉ giá là 23.050 và hầu như không đổi trong gần hết năm 2020.

Cán cân thương mại của Việt Nam theo từng tháng giai đoạn 2019-2020

Nhưng chênh lệch lạm phát giải thích nhiều hơn về sự chuyển động của tiền đồng. Hệ số khử lạm phát của Việt Nam tăng 62 % từ 2010 đến 2019 trong khi hệ số này của Mỹ tăng 17 %. Nếu đồng tiền Việt Nam phá giá trước đó bằng với lượng lạm phát “phát sinh” của Việt Nam, thì lẽ ra tiền đồng đã giảm giá đến 38 % và nó sẽ ở mức hơn 25.000. Theo lý thuyết kinh tế về sức mua, tỉ giá hối đoái phản ánh những khác biệt trong lạm phát.

Nếu Việt Nam thao túng tiền tệ, thì họ phải đang định giá đồng tiền ở mức cao và khiến cho việc xuất khẩu khó khăn hơn, không phải dễ dàng hơn. Vậy chuyện gì đang xảy ra?

Kim ngạch, tốc độ tăng xuất khẩu, nhập khẩu và cán cân thương mại giai đoạn năm 2011-2019

Trước những căng thẳng đang gia tăng với Trung Quốc và chi phí lao động tăng ở nước này, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng chiến lược Trung Quốc + 1 ngay từ đầu thập niên vừa rồi, nhưng thường là chuyển dịch các nhà máy lắp ráp quần áo, giày, điện tử sang Việt Nam. Với cuộc chiến thương mại do Tổng thống Donald Trump khơi mào gần đây, thì chính sách này chuyển thành chiến lược ABC (Anywhere But China – bất cứ nơi nào, trừ Trung Quốc), và diễn ra rất nhanh.

Điều này dẫn đến làn sóng di dời hoạt động sản xuất xuất khẩu sang Việt Nam. Xuất khẩu hàng hóa tăng từ 150 tỉ USD năm 2014 lên 264 tỉ USD năm 2019. Năm 2020 vẫn tăng khoảng 2% đến hết tháng 9. Nhưng nhập khẩu hàng hóa cũng tăng nhanh, từ 148 tỉ USD năm 2014 lên 253 tỉ USD năm 2019, và hơi giảm trong năm 2020, khoảng 0,8%. Giá trị gia tăng hàng hóa xuất khẩu của khối FDI thường là rất thấp và rất nhiều giá trị thặng dư “của Việt Nam” với Mỹ là phản chiếu của hàng nhập khẩu từ phần còn lại của châu Á.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 11, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 63 triệu USD. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/11, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 19,42 tỷ USD.

IMF cho thấy thặng dư tài khoản vãng lai Việt Nam đạt 4,9% GDP năm 2014, đến 2019 thì giảm 2.2%. Cán cân hàng hóa và dịch vụ năm 2020 đến hết tháng 9 là 8 tỉ USD. Thặng dư thương mại, cán cân tài khoản vãng lai hay dự trữ ngoại hối đều không cho thấy có dấu hiệu đáng kể hay có sự gia tăng về thao túng tiền tệ.

Giá trị của những đồng tiền khác, như đồng EURO và Nhân dân tệ, cũng quan trọng đối với Việt Nam. Đồng USD mạnh trong năm 2019 là nhờ lãi suất của Cơ quan dự trữ liên bang tăng từ gần 0 trước 2016 lên hơn 2 % vào cuối năm 2019. Ở thời điểm này lãi suất ở châu Âu và Nhật là thấp hơn nhiều. Thâm hụt thương mại của Mỹ với tất cả các nước tăng từ 490 tỉ USD năm 2014 lên 617 tỉ USD năm 2019. Chính sách cắt giảm thuế mạnh và trạng thái toàn dụng lao động ở Mỹ năm 2017 đã làm tăng cầu và góp phần vào thâm hụt thương mại đang tăng. Thâm hụt thương mại tổng thể của Mỹ chủ yếu là do cầu vượt trội và đồng đô la mạnh.

Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu ra nước ngoài ngày càng lớn.

Trọng tâm ở đây nên là làn sóng FDI, theo Ngân hàng Thế giới thì dòng vào ròng ở Việt Nam năm 2014 là 9,2 tỉ USD, và tăng lên 16,1 tỉ năm 2019. Phần lớn nhắm đến xuất khẩu nhưng hoạt động sản xuất của khu vực này có giá trị gia tăng rất thấp. Ước tính đối với hàng điện thoại thông minh xuất khẩu cho thấy giá trị gia tăng lao động chỉ là 2% giá trị doanh thu, còn hoạt động lắp ráp chip chỉ tạo giá trị gia tăng ở mức một con số.

Đây là lý do tại sao tài khoản vãng lai gần như là cân đối, hàng nhập khẩu chảy vào, giá trị gia tăng tạo ra rất ít, và xuất khẩu trông có vẻ lớn nhưng là phản chiếu của hoạt động sản xuất ở nơi khác. Có một khả năng hơi xa vời là Việt Nam có thể sẽ thao túng tiền tệ trong tương lai, nhưng khác với Trung Quốc, Việt Nam muốn có mối quan hệ tốt với Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và với Mỹ, do đó sẽ sẵn sàng đàm phán hoạt động giám sát và quản lý.

Nikkei dẫn các nguồn tin từ Apple cho biết trong quý II/2020, hãng này sẽ sản xuất hàng triệu tai nghe không dây AirPods tại Việt Nam.

Một số yếu tố cấu thành hàng xuất khẩu đã chạm ngưỡng giới hạn, lực lượng lao động muốn làm việc trong các nhà máy hiện đã cạn dần trong khi số lao động nông nghiệp còn lại muốn và có thể được chuyển dịch sang công nghiệp cũng rất hạn chế. Mặc khác phần lớn lực lượng lao động nông nghiệp đang vừa ít đi lại vừa già đi. Lao động trẻ có trình độ với số lượng gia tăng thì không muốn đi làm công nhân ở nhà xưởng.

Điều này có nghĩa là tổng cung lực lượng lao động nhà xưởng có thể sẽ trì trệ hoặc thậm chí giảm trong thập niên này. Cái tội chính của Việt Nam là rơi vào đúng chỗ đúng lúc, và đã tận dụng được những chuyển biến toàn cầu mà họ vốn không thể tác động.

Có khả năng nếu Việt Nam có thể chi tiêu nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng, thì họ sẽ làm. Các vùng đô thị và nông thôn Việt Nam cần được đầu tư nhiều hơn cho giao thông. Hạ tầng lưới điện cũng cần hàng tỉ đô để nâng cấp. Hệ thống cấp thoát nước cần được cải thiện. Những chi tiêu này sẽ không sớm được thực hiện nhưng sẽ phải làm. Khi đó, nhập khẩu sẽ tăng nhiều hơn xuất khẩu trong điều kiện thuế quan thấp và đang giảm đi.

Nhà máy sản xuất điện thoại của Samsung tại thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên.

Sự phát triển công nghệ rô bốt và in 3D ngày càng thông minh và rẻ hơn cũng sẽ giảm nhu cầu sử dụng lao động hải ngoại. LHQ ước tính rô bốt có thể thay thế 75-85% lao động trong ngành lắp ráp điện tử, may mặc và giày dép, mà tất cả đều là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Nếu hoạt động sản xuất xuất khẩu chuyển dịch đến nơi tiêu thụ, nền kinh tế sản xuất và đồng tiền của Việt Nam sẽ gặp rắc rối.

Và rõ ràng, theo như những gì mà Giáo sư David Dapice đã phân tích đã chứng tỏ Việt Nam không hề thao túng tiền tệ như Mỹ vừa công bố.

Bảo Trâm (Lược dịch theo East Asia Forum)

Bài mới
Đọc nhiều