Cái nhìn khách quan từ chứng cứ, tài liệu vụ án Hồ Duy Hải
Sau kết luận của Hội đồng Giám đốc thẩm, vẫn còn nhiều thông tin trái chiều về bản án tử hình đối với Hồ Duy Hải. Phóng viên Báo CAND đã tìm hiểu, tiếp cận tài liệu điều tra, trao đổi với những người có chức năng nhiệm vụ trong quá trình thẩm định, điều tra vụ án để giúp bạn đọc có cái nhìn toàn diện, khách quan, khoa học nhất về vụ án này.
Vụ án giết người ở Bưu cục Cầu Voi (Long An) do Hồ Duy Hải gây ra cách đây 12 năm đã qua cấp tòa xét xử thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Ngày 8/5 vừa qua, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã công bố quyết định giám đốc thẩm, không chấp nhận kháng nghị của Viện KSNDTC; đồng thời kết luận Hồ Duy Hải đã sát hại hai nữ nhân viên Bưu cục Cầu Voi xảy ra ngày 13/1/2008.
Sau kết luận của Hội đồng Giám đốc thẩm, vẫn còn nhiều thông tin trái chiều về bản án tử hình đối với Hồ Duy Hải. Phóng viên Báo CAND đã tìm hiểu, tiếp cận tài liệu điều tra, trao đổi với những người có chức năng nhiệm vụ trong quá trình thẩm định, điều tra vụ án để giúp bạn đọc có cái nhìn toàn diện, khách quan, khoa học nhất về vụ án này.
Lật lại hồ sơ vụ án hai nhân viên bưu điện bị sát hại dã man
Ngày 13/1/2008, tại Bưu cục Cầu Voi, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An đã xảy ra một vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Đối tượng sát hại nạn nhân là chị Nguyễn Thị Ánh Hồng và Nguyễn Thị Thu Vân, sau đó cướp tài sản. Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An đã xác định, Hồ Duy Hải, SN 1985, trú ở phường 2, quận 5, TP Hồ Chí Minh chính là thủ phạm gây ra vụ án trên.
Theo tài liệu của cơ quan chức năng thì khoảng tháng 10/2007, Hồ Duy Hải quen biết chị Nguyễn Thị Thu Vân, nhân viên của Bưu cục Cầu Voi. Hải thường đặt mua báo thể thao qua chị Vân, từ đó quen biết thêm chị Nguyễn Thị Ánh Hồng, cũng là nhân viên của Bưu cục Cầu Voi. Khoảng 19h ngày 13/1/2008, Hải cầm cố điện thoại di động của mình lấy 1,5 triệu đồng rồi đi gặp anh Võ Lộc Đang, đưa cho anh Đang 1.350.000 đồng tiền Hải nợ anh Đang do thua độ bóng đá.
Đến khoảng 19h30′ cùng ngày, Hải đi xe máy đến Bưu cục Cầu Voi, để xe trong sân Bưu cục, đi vào phòng giao dịch gặp chị Nguyễn Thị Thu Vân đang ngồi làm việc. Sau khi chào hỏi chị Vân, Hải vào phòng khách ngồi trên ghế salon. Chị Nguyễn Thị Ánh Hồng từ phía sau nhà đi lên rót nước mời và ngồi nói chuyện với Hải. Trong khi ngồi chơi, Hải mượn chiếc điện thoại di động hiệu Nokia 1100 mà Bưu cục dùng để nạp card cho khách hàng, bấm máy một lát rồi để trên bàn. Lúc này có anh Đinh Vũ Thường, công nhân xưởng gỗ Bi ở ấp 6, xã Nhị Thành đến Bưu cục gọi điện thoại.
Khoảng 20h30′, Bưu cục nghỉ, chị Vân vào phòng khách – nơi Hải đang ngồi, Hải đưa tiền và nói chị Vân đi mua trái cây về ăn. Khi chị Vân đi, Hải nảy sinh ý định quan hệ sinh lý với chị Hồng nên nắm tay chị Hồng kéo vào buồng. Hải đẩy chị Hồng nằm ngửa xuống giường xếp trong buồng ngủ rồi sờ soạng.
Chị Hồng không đồng ý nên Hải dùng tay bóp cổ chị. Chị Hồng giãy giụa, dùng chân đạp vào bụng làm Hải ngã xuống nền gạch rồi bỏ chạy về phía cầu thang, Hải rượt đuổi, níu kéo chị Hồng ở khu vực cầu thang và giằng co với chị Hồng. Hải xô ngã, đánh chị Hồng rồi lấy một cái thớt tròn đập vào vùng mặt, vùng đầu làm chị Hồng bị ngất.
Sau đó, Hải lấy một con dao inox trên mặt bàn nấu ăn, cắt vào cổ chị Hồng. Tiếp đó, Hải ra phòng vệ sinh phía sau nhà rửa tay và dao cho sạch máu.
Hải giắt dao vào lưng quần đi vào nhà, đến cầu thang thì thấy chị Vân đi mua trái cây về. Sợ chị Vân phát hiện việc mình đã giết chị Hồng nên Hải cầm một chiếc ghế xếp khung inox thủ sẵn, đứng nép vào cầu thang. Khi chị Vân đi vào phòng, đặt bịch trái cây trên bàn rồi đi xuống phía sau, đến cầu thang thì thấy xác chị Hồng nên hoảng hốt la lên và bỏ chạy lên phòng khách. Hải đuổi theo dùng ghế đánh vào đầu làm chị Vân ngã xuống nền gạch bất tỉnh.
Hải dùng tay xốc nách chị Vân, kéo đến chỗ xác chị Hồng. Hải đặt đầu chị Vân trên bụng chị Hồng và lấy con dao inox cắt cổ chị Vân. Do máu bắn vào tay và áo nên Hải ra phòng vệ sinh rửa tay, rửa dao rồi đi lên nhà, bỏ dao vào phía trong một tấm bảng dựng ở sát vách tường, gần cầu thang.
Sau đó, Hải lên phòng giao dịch, mở tủ lấy trên 1 triệu đồng, khoảng 40-50 sim điện thoại; đến bàn salon lấy điện thoại Nokia bỏ vào túi quần. Hải trở lại chỗ xác hai nạn nhân, lấy đồ trang sức của họ rồi leo qua hàng rào lấy xe máy đi về nhà ở ấp 1, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa tắm rửa, giặt quần áo, cất những đồ trang sức của hai nạn nhân và các tài sản cướp được trong phòng riêng.
Ngày 15/1/2008, Hải dùng số tiền hơn 1 triệu đồng lấy được cùng với số tiền có sẵn đến nhà ông Trần Hữu Tâm, ở ấp 1, xã Nhị Thành ghi lô đề hết 1,4 triệu đồng, cuối ngày trúng đề được 7 triệu đồng, Hải ăn nhậu, đi massage và tiêu xài cá nhân, cá độ bóng đá hết.
Ngày 18/1/2008, Hải mang điện thoại và số nữ trang lên TP Hồ Chí Minh bán được 3.700.000 đồng để tiêu xài cá nhân. Riêng số sim, card, Hải vứt bỏ vào bọc rác ở gần nhà số 111/2 Trần Bình Trọng thuộc quận 5 để phi tang; bán chiếc điện thoại được 200.000 đồng.Sau khi gây án, Hải sợ bị phát hiện nên lấy quần áo, dây thắt lưng đã mặc hôm gây án mang ra vườn sau nhà bà Len đốt (cũng là phía sau nhà Hải).
Đến ngày 20/3/2008, Cơ quan CSĐT mời Hải lên làm việc, ngày 21/3/2008, Hải khai nhận hành vi giết chị Hồng, chị Vân. Căn cứ tài liệu thu thập được và lời khai nhận tội của Hồ Duy Hải có đủ yếu tố cấu thành tội “giết người”, “cướp tài sản” nên ngày 29/3/2008, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Hồ Duy Hải về hai tội danh trên. Qua 2 cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, TAND đều tuyên Hồ Duy Hải phạm tội giết người, cướp tài sản và tuyên án tử hình.
Thực hiện yêu cầu thẩm tra
Năm 2014, có một số thông tin cho rằng quá trình điều tra vụ án vi phạm tố tụng, gây oan sai, bà Nguyễn Thị Loan, mẹ của Hồ Duy Hải có đơn kêu oan gửi Chủ tịch nước và các cơ quan tố tụng Trung ương. Bà Lê Thị Nga, khi ấy là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng có văn bản kiến nghị Chủ tịch nước đề nghị kiểm tra lại vụ án.
Với yêu cầu xem xét toàn diện bản chất vụ án, làm rõ trường hợp Hồ Duy Hải có bị kết án oan hay không, ngày 4/12/2014, Chủ tịch nước đã yêu cầu các cơ quan có liên quan xem xét lại nội dung vụ án. Tiếp đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Trưởng đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu lãnh đạo liên ngành xem xét, đánh giá một cách toàn diện việc giải quyết vụ án.
Thực hiện yêu cầu của Chủ tịch nước và Phó Chủ tịch Quốc hội, ngày 23/12/2014, Viện trưởng Viện KSND Tối cao đại diện cho lãnh đạo liên ngành Bộ Công an, Viện KSND Tối cao, TAND Tối cao đã thành lập Tổ chuyên viên liên ngành thẩm định vụ án Hồ Duy Hải do Viện KSND Tối cao chủ trì gồm các thành viên: Ban Nội chính Trung ương, Bộ Công an; TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao.
Lãnh đạo liên ngành đã chỉ đạo Tổ chuyên viên nghiên cứu hồ sơ vụ án, bao gồm cả hồ sơ lưu của Cơ quan CSĐT; nghiên cứu những vấn đề do luật sư, người khiếu nại, người kiến nghị và báo chí đưa ra có liên quan đến vụ án; làm việc với các cơ quan tố tụng tỉnh Long An; lấy lời khai của bị án Hồ Duy Hải tại trại tạm giam và trực tiếp đến quan sát hiện trường vụ án.
Theo đó, từng thành viên của Tổ chuyên viên nghiên cứu độc lập đưa ra quan điểm của riêng mình; gửi văn bản về kết quả nghiên cứu cho Tổ trưởng tổ chuyên viên tổng hợp sau đó họp, thảo luận về vụ án.
Kết quả, qua công tác thẩm tra, xác minh, Tổ chuyên viên có sự thống nhất cao về quan điểm đánh giá với quá trình giải quyết vụ án của các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Long An và thống nhất về quan điểm đề xuất và có báo cáo gửi lãnh đạo liên ngành. Kết quả thẩm định độc lập, khách quan, khoa học của Tổ liên ngành đã xác định TAND các cấp kết án Hồ Duy Hải mức án tử hình về các tội “giết người”, “cướp tài sản” là có căn cứ pháp luật.
Ông Lê Thành Dương, Viện trưởng Viện phúc thẩm 3, Viện KSND Tối cao cho rằng: Hoàn toàn không có dấu hiệu Hồ Duy Hải bị bức cung, mớm cung. Lời khai nhận tội của Hải là phù hợp với chứng cứ đã thu thập, vụ án không oan sai. Các vi phạm, thiếu sót không làm thay đổi bản chất vụ án.
Ông Trần Văn Cò, Chánh Toà phúc thẩm 3, TAND Tối cao cho rằng qua tổng hợp các tài liệu, chứng cứ đã thu thập thì quá trình xét xử Hồ Duy Hải là có cơ sở, không oan sai.
Ông Nguyễn Sơn, Phó Chánh án TAND Tối cao thống nhất quan điểm của Tổ chuyên viên, khẳng định Hải khai báo tự nguyện, không bị áp đặt, ép buộc và toàn bộ hoạt động điều tra là khách quan.
Những căn cứ chứng minh Hồ Duy Hải là thủ phạm vụ án
Theo thông tin từ Tổ thẩm tra liên ngành và kết quả thẩm định độc lập của Cơ quan CSĐT Bộ Công an đều xác định ngay sau khi vụ án xảy ra, Công an tỉnh Long An đã thành lập Ban Chuyên án, huy động các lực lượng, thực hiện nhiều biện pháp tập trung điều tra vụ án.
Từ ngày 14/1/2008, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An đã sàng lọc, xác minh 30 đối tượng hình sự tại địa phương; 204 người có mối quan hệ với các bị hại; thu thập 144 dấu vân tay của những đối tượng nghi vấn để đối chiếu với các dấu vân tay thu thập tại hiện trường; ngoài ra còn thông báo hình ảnh các đồ trang sức của chị Hồng và chị Vân đã bị lấy mất đến 169 tiệm vàng trên các tuyến giao thông và khu vực lân cận để truy tìm các đồ trang sức nói trên.
Qua sàng lọc các dữ liệu, CQĐT đã xác định Hồ Duy Hải gây ra vụ án sát hại chị Hồng, chị Vân nên ngày 20/3/2008 đã mời Hải lên làm việc. Đến ngày 21-3-2008, Hải khai nhận hành vi giết người, cướp tài sản. CQĐT đã ra lệnh bắt, khám xét khẩn cấp đối với Hồ Duy Hải. Khám xét nơi ở của Hải, CQĐT đã thu giữ tàn tro và một số mẩu quần áo, dây da chưa cháy hết ở vườn phía sau nhà Hải. Hải khai nhận đây chính là tàn tro của bộ quần áo và dây lưng Hải mặc khi sát hại hai nạn nhân, sau đó sợ lộ nên đốt đi.
Ngoài ra, CQĐT có đủ cơ sở để chứng minh Hồ Duy Hải gây ra vụ án dựa trên các chứng cứ sau:
Về đặc điểm nhận dạng bị cáo: Để xác định Hải có mặt tại hiện trường trong thời điểm gây án, nhân chứng Hồ Văn Bình khai: Khoảng hơn 19h ngày 13/1/2008, có qua Bưu cục Cầu Voi để gửi xe, thấy một nam thanh niên ngồi trên ghế salon nói chuyện với chị Hồng.
Anh Đinh Vũ Thường khai khi đến bưu điện để gọi điện có nhìn thấy một thanh niên mặc áo thun ngắn tay màu xám đen hoặc xanh đen, có sọc trắng, tóc để hai mái, ngồi ở salon với một cô gái, tay cầm vật gì toả ánh sáng lên như điện thoại, phù hợp với lời khai của Hồ Duy Hải trong buổi tối hôm đó ngồi trên salon chơi với chị Hồng, cầm chiếc điện thoại di động của Bưu cục lên bấm thử.
Về nhận dạng, Hồ Duy Hải khai thời điểm xảy ra vụ án, tóc phía trước để dài, chẻ hai mái, mặc áo thun xanh có sọc trắng. Điều này phù hợp với lời khai của anh Thường. Đặc điểm mái tóc chẻ hai mái của Hải còn có xác nhận của bà Nguyễn Thị Rưởi là dì ruột của Hải. Về kết quả khám nghiệm hiện trường vụ án, theo biên bản và bản ảnh hiện trường, thể hiện đúng như mô tả của Hồ Duy Hải, đó là ngôi nhà Bưu cục có phòng giao dịch ở phía ngoài, phía trong là phòng khách, đến buồng ngủ, phòng bếp, vệ sinh, trong đó bếp cũng là vị trí cầu thang – nơi có xác hai nạn nhân.
Về các đồ vật có ở hiện trường phù hợp với lời khai của Hồ Duy Hải. Hải khẳng định đã đến Bưu cục Cầu Voi nhiều lần, song chỉ ngồi phía ngoài bưu cục, đây là lần đầu tiên Hải vào phía trong và phía sau bưu cục. Đó là bộ ghế salon màu xanh nơi bị cáo ngồi nói chuyện với chị Hồng; con gấu bông màu vàng xám trên ghế salon Hải dùng để đùa giỡn với chị Hồng; chiếc ly uống nước do chị Hồng rót mời Hải; chiếc thớt gỗ Hải dùng đập vào đầu chị Hồng; những chiếc ghế xếp khung inox mà bị cáo dùng một chiếc để đập vào đầu chị Vân; con dao Thái Lan cán nhựa màu đen, lưỡi trắng bị cáo dùng để cắt cổ hai nạn nhân rồi rửa sạch máu và đặt ở khe giữa tấm gỗ với tường nhà…
CQĐT xác định, trong những đồ vật nêu trên, có những đồ vật mang màu sắc, đặc điểm mà chỉ có những người có mặt ở hiện trường, tiếp cận trực tiếp đồ vật mới biết để có thể mô tả cụ thể, chính xác như vậy.
Việc Hải mô tả đặc điểm chiếc điện thoại của Bưu cục mà bị cáo cầm bấm thử có màu đen bàn phím trắng mà chị Hồng, chị Vân thường dùng để nạp tiền cho khách phù hợp với xác nhận của nhân chứng Đặng Thị Phương Thảo, Lê Thị Thu Hiếu (là bạn của hai nạn nhân, đã đến Bưu cục nhiều lần) và của anh Nguyễn Mi Sol – bạn trai của chị Hồng.
Ông Đinh Phú Hùng, Giám đốc Bưu điện Thủ Thừa cho biết, sau khi vụ án xảy ra, Bưu cục Cầu Voi bị mất 1 chiếc điện thoại Nokia 1100 giao cho chị Hồng, chị Vân sử dụng có vỏ màu đen xám, bàn phím trắng đục. Bưu điện Thủ Thừa còn 1 chiếc giống hệt chiếc điện thoại đã mất, Cơ quan CSĐT đã chụp hình chiếc điện thoại này.
Khi đến Bưu cục gây án, Hải mang mũ bảo hiểm màu đen, hai bên có viền xám, sau đó để ở nhà bà nội của Hải là bà Đào Thị Mai ở quận 5, TP Hồ Chí Minh. Cơ quan điều tra đã thu giữ chiếc mũ này ở nhà bà Mai và đặc điểm chiếc mũ đúng như mô tả của bị cáo.
Hải sử dụng chiếc xe máy Dream Trung Quốc màu nho, có gương chiếu hậu ở bên trái, khi vào Bưu cục, Hải đã dựng xe ở bên phải, đầu xe hướng vào phía trong Bưu cục, phù hợp với việc ngay trước đó, Hải dùng chiếc xe này chạy đến quán ông Thanh gặp Võ Lộc Đang (bạn cá độ bóng đá với Hải) rồi Đang chở Hải đến quán ông Thượng, sau đó Hải chạy đến Bưu cục Cầu Voi gặp chị Vân, chị Hồng. Phù hợp với việc anh Hồ Văn Bình khi vào Bưu cục thấy có 1 chiếc xe máy; anh Đinh Vũ Thường khi vào Bưu cục dựng xe cạnh chiếc xe máy có mô tả đúng như chiếc xe Hải sử dụng.
Việc Hồ Duy Hải dùng con dao để trên bàn ở bếp ăn cắt cổ hai nạn nhân, sau đó rửa sạch rồi đặt vào sau tấm bảng dựng sát tường, đối diện với cầu thang, phù hợp với việc chị Lê Thị Thu Hiếu và anh Nguyễn Mi Sol là những người bạn hai nạn nhân thường đến chơi và thấy con dao này; phù hợp với xác nhận của các nhân chứng Nguyễn Văn Thu, Võ Văn Hùng, Nguyễn Văn Vàng, Nguyễn Tuấn Ngọc là những người thu dọn hiện trường phát hiện một con dao nằm giữa tấm ván gỗ và vách tường nhà Bưu cục. Theo mô tả của những người trên thì con dao rất sạch, trong khi nền gạch có nhiều bụi, chứng tỏ con dao mới được đặt vào đó chứ không phải đã đặt từ lâu.
Hồ Duy Hải dùng chiếc thớt trong bếp ăn, gần chân bàn đập vào đầu chị Hồng rồi bỏ bên cạnh đầu nạn nhân, phù hợp với biên bản và bản ảnh hiện trường có chiếc thớt dính máu nằm ngay cạnh đầu chị Hồng. Các mô tả về chiếc thớt của Hồ Duy Hải, chị Hiếu và anh Mi Sol phù hợp nhau.
Bị cáo dùng chiếc ghế xếp khung inox đập vào đầu chị Vân ở phòng khách rồi để vào phòng bếp, ở cạnh xác chị Hồng phù hợp với biên bản ảnh hiện trường. CQĐT đã thu giữ chiếc ghế cùng loại với 5 chiếc ghế tại Bưu cục.
Hải đưa tiền và bảo chị Vân mua trái cây về ăn. Chị Vân mua hai bịch trái cây gồm bưởi, quýt, táo lê về đặt trên bàn ở phòng khách phù hợp với lời khai của chị Ngân – người bán trái cây và nhân viên bán xăng xác định chị Vân mua trái cây.
CQĐT tổ chức cho Hồ Duy Hải nhận dạng các đồ vật qua ảnh, Hải nhận rõ số nữ trang, chiếc điện thoại, tấm nệm, chiếc ghế, con dao, tấm thớt có đặc điểm giống các đồ vật ở Bưu cục Cầu Voi mà biên bản và các bản ảnh thể hiện.
Về số tài sản Hải chiếm đoạt, Hải khai chiếm đoạt hơn 1 triệu đồng, điện thoại và sim, card điện thoại phù hợp với việc Bưu điện Thủ Thừa xác định số tài sản bị mất ở Bưu cục Cầu Voi. Số nữ trang của chị Hồng và chị Vân bị chiếm đoạt phù hợp với việc xác nhận của các nhân chứng, người thân của các nạn nhân về số lượng, đặc điểm nhận dạng.
Đặc biệt, Hải khai lấy của chị Vân 1 dây chuyền không có mặt, phù hợp với việc khám nghiệm tử thi của chị Vân phát hiện mặt dây chuyền của chị Vân còn dính lại trên áo và các cán bộ điều tra đã trả lại cho gia đình chị Vân. Hải khai vứt bỏ sim, card điện thoại vào bọc rác ở một điểm tại TP Hồ Chí Minh và tự vẽ sơ đồ nơi vứt bỏ, phù hợp với kết quả xác minh của CQĐT.
Theo đó, vị trí Hải khai báo và vẽ trong sơ đồ là khúc quanh của hẻm 111 đường Trần Bình Trọng, phường 2, quận 5 – nơi người dân để rác. Lời khai của Hải về địa chỉ bán điện thoại nữ trang phù hợp với thực tế xác minh là tại những nơi này có cửa hàng mua bán điện thoại cũ và cửa hàng mua bán vàng bạc.
Đối với bộ quần áo Hải mặc khi gây án, Hải đem ra vườn sau nhà đốt, CQĐT đã thu giữ tàn tro chưa cháy hết, cho Hải quan sát và Hải đã giải thích rõ các phần chưa cháy hết là phần của quần áo và dây lưng mà Hải mặc khi gây án.
Bên cạnh đó, lời khai của bà Loan (mẹ Hải), bà Rưởi, bà Len (dì ruột Hải) về việc Hải đốt quần áo và bà Mai (bà nội Hải) về chiếc mũ bảo hiểm; lời khai của ông Mừng (bố chị Hồng) và ông Hộ (bố chị Vân) về nữ trang của hai nạn nhân cũng phù hợp với các chứng cứ khác và lời khai của Hải.
Những vật chứng trong vụ án gây nhiều tranh cãi có thay đổi kết quả điều tra?
Một trong những vấn đề gây nhiều tranh cãi liên quan đến tang vật của vụ án, cụ thể đó là con dao, cái thớt, cái ghế mà đối tượng sử dụng để gây án nhưng khi khám nghiệm hiện trường không phát hiện, thu được dao. Hiện trường có một cái thớt gỗ nhưng không thu giữ. Vậy dao, thớt CQĐT mua có vi phạm tố tụng?
Về vấn đề này, Tổ chuyên viên liên ngành gồm Viện KSND Tối cao, TAND Tối cao, Bộ Công an, Ban Nội chính Trung ương đã nghiên cứu hồ sơ, nghiên cứu những vấn đề do luật sư, người khiếu nại, người kiến nghị và báo chí đưa ra có liên quan đến vụ án; làm việc với các cơ quan tố tụng tỉnh Long An; lấy lời khai của Hồ Duy Hải tại trại tạm giam và trực tiếp nghiên cứu hiện trường vụ án. Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an nghiên cứu, thẩm định hồ sơ để làm rõ.
Sau quá trình thẩm định, xác minh, Tổ chuyên viên liên ngành và Cơ quan CSĐT Bộ Công an đều xác định: Tuy không thu giữ một số hung khí nhưng bản ảnh hiện trường đã thể hiện rất rõ cái thớt có dính máu. Căn cứ vào lời khai của bị cáo, phù hợp với lời khai các nhân chứng và kết quả khám nghiệm hiện trường, tử thi, kết quả nhận dạng có đủ cơ sở xác định con dao, cái thớt là những vật có thật ở hiện trường vụ án, là hung khí mà Hồ Duy Hải dùng để giết các nạn nhân.
Để có cơ sở xác định con dao, cái thớt là những vật có thật ở hiện trường vụ án, là hung khí mà bị cáo dùng để giết các nạn nhân, CQĐT đã cho các nhân chứng là những người biết về những đồ vật này mô tả và tìm mua những đồ vật cùng loại để xác định về vật chứng bị cáo đã qua sử dụng chứ không xác định những đồ vật mua được là vật chứng của vụ án.
Thực tế thì bị cáo và các nhân chứng nhận biết về con dao, cái thớt một cách ngẫu nhiên, không có chủ đích nên không quan sát kỹ và đo đạc chính xác về kích thước các đồ vật này nên chỉ khai báo một cách tương đối, vì vậy, số liệu về kích thước con dao, cái thớt theo lời khai của họ có thể khác nhau. Các đồ vật như con dao, tấm thớt tìm mua sau này chỉ có ý nghĩa củng cố thêm các lời khai của Hải và phục vụ cho việc nhận dạng chứ hoàn toàn không coi đó là “vật chứng” của vụ án.
Về số tài sản Hải đã chiếm đoạt có nhiều mâu thuẫn về số lượng, mẫu mã đặc điểm, nơi bán, người mua và giá cả, thì Tổ chuyên viên liên ngành và Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định việc tài sản mà Hải chiếm đoạt của nạn nhân và của Bưu cục không chỉ căn cứ vào lời khai của bị cáo mà còn căn cứ vào tài liệu, chứng cứ khác như kết quả khám nghiệm hiện trường, tử thi, lời khai các nhân chứng, người có quyền, nghĩa vụ liên quan có sự phù hợp với nhau. Bản thân bố chị Hồng, chị Vân và những người thân của hai nạn nhân, lãnh đạo Bưu cục và những người biết việc đã nhận dạng chính xác các tài sản trên.
Theo lời khai của Hồ Duy Hải và hồ sơ do Hải tự vẽ, CQĐT đã xác minh: Hải khai bán điện thoại ở cửa hàng trên đường Hùng Vương và bán nữ trang tại cửa hàng trên đường An Dương Vương (đều ở quận 5, TP Hồ Chí Minh) phù hợp với thực tế là những nơi này có cửa hàng mua bán điện thoại cũ và mua bán vàng bạc. Còn việc các nhân viên ở các cửa hàng này không xác định được cụ thể việc bị cáo bán điện thoại, vàng cho họ là do hằng ngày, khách hàng ra vào nhiều, thời gian đã lâu, họ không thể nhớ hết được. Mặt khác, về tâm lý, bản thân họ cũng không muốn dính líu đến vụ án nên có thể họ trả lời chung chung cho xong việc.
Khi khám nghiệm hiện trường, CQĐT không thu giữ con dao, cái thớt là do lúc đó con dao bị giấu phía sau tấm bảng dựng sát tường. Sau đó, những người dọn hiện trường đã phát hiện con dao và báo cho CQĐT nhưng CQĐT lại không kịp thời thu giữ dẫn đến thất lạc, đây là thiếu sót trong hoạt động điều tra.
Hải khai sử dụng con dao, cái thớt làm hung khí gây án là phù hợp với kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, có biên bản và bản ảnh chụp về quá trình khám nghiệm và lời khai của các nhân chứng trong vụ án.
CQĐT không tự ý mua con dao, cái thớt đưa vào làm vật chứng để kết tội Hải mà yêu cầu các nhân chứng biết rõ về những đồ vật này mô tả và tìm loại dao và thớt có hình dạng, kích thước, có đặc điểm tương tự với hung khí gây án để làm căn cứ tiến hành nhận dạng nhằm củng cố chứng cứ xác định sự thật vụ án để phục vụ quá trình thực nghiệm điều tra. Việc này không trái với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Vì sao có vết đế dép dính hạt cơm khô?
Một vấn đề khác được dư luận quan tâm, đó là dấu vết đế dép được ghi nhận trong biên bản hiện trường. Cụ thể, biên bản hiện trường nêu “trên mặt nệm ghế có dấu vết máu quệt và dấu vết đế dép dính hạt cơm khô”. Vậy, dấu dép này từ đôi dép nào của ai? Tại sao hạt cơm khô dính trên nệm ghế lại không rơi ra khi Hải dùng ghế đập vào đầu nạn nhân?
Trả lời các câu hỏi trên, lực lượng chức năng đã xác định: Khi Hải rượt đuổi, xô đẩy và giết chị Hồng thì những hạt cơm khô trong bếp rơi vung vãi trên nền nhà, phù hợp với bản ảnh hiện trường thể hiện nền bếp có rất nhiều hạt cơm khô và máu xung quanh xác hai nạn nhân. Sau khi cắt cổ chị Hồng ở phòng bếp, Hải dùng ghế đập vào đầu chị Vân ở phòng khách rồi để ghế vào phòng bếp, đặt phía ngoài xác chị Hồng, sau đó, Hải dùng tay xốc nách chị Vân kéo về chỗ xác của chị Hồng trong bếp qua chiếc ghế này. Người chị Vân bị kéo qua chiếc ghế nên có khả năng làm ghế dính máu và hạt cơm khô.
Hải khai giết chị Vân xong đi lên phòng giao dịch lấy tiền, sim card điện thoại rồi mang dép vào, đi đến chỗ xác hai nạn nhân (nơi có nhiều máu và hạt cơm khô) để gỡ đồ trang sức của hai nạn nhân. Vì vậy, Hải đã bước lên mặt ghế, để lại dấu vết đế dép và cũng có thể kéo theo cả các hạt cơm khô.
Như vậy, việc Hải dùng chiếc ghế đập vào đầu chị Vân nhưng mặt ghế vẫn có hạt cơm khô mà không rơi đi là do các hạt cơm trên dính trên mặt ghế sau khi Hải dùng ghế đánh chị Vân.Việc Hải dẹp bỏ ghế ở gầm cửa bếp rồi mới xốc nách chị Vân kéo vào trong bếp, phù hợp với ảnh chụp hiện trường, thể hiện chân của chị Vân đặt gác lên chiếc ghế (lúc đó, chiếc ghế đã được Hải gấp lại, để dưới nền nhà).
Cơ quan chức năng xác định, dấu vết dép trên mặt ghế phù hợp với lời khai của Hải mô tả về đôi dép Hải đi khi gây án là đế dép có rãnh đường gấp khúc để ma sát. Đôi dép này Hải khai là đã cũ nên vứt bỏ đi. Vì vậy, không thu giữ được và không có mẫu giám định.
Về mẫu tro thu giữ khi khám xét nơi ở của Hải là do Hải đốt quần áo và dây thắt lưng, vì sao trong kết luận điều tra ghi là phía sau nhà bà Len nhưng quyết định trưng cầu giám định lại ghi thu phía sau nhà Hải? Về vấn đề này, cơ quan chức năng xác định, nhà Hải và nhà bà Len liền kề nhau, chung một khuôn thổ nên đống tàn tro phía sau nhà bà Len cũng là phía sau nhà Hải.
Quần áo và dây lưng mà Hải đem đốt đã qua quá trình than hoá nên từ đống tro thu được, cơ quan giám định không đủ yếu tố kết luận làm ra dây thắt lưng, quần áo là bình thường, không mâu thuẫn với lời khai của Hải. CQĐT còn thu thập được một số phần chưa cháy hết, cho Hải quan sát và bị cáo đã giải thích rõ các phần chưa bị cháy hết là phần của quần áo và dây lưng mà Hải mặc khi gây án.
Xem xét lời khai có lúc không thống nhất của Hồ Duy Hải
Sau khi vụ án xảy ra, Công an tỉnh Long An đã lập chuyên án truy xét để điều tra. Hơn 2 tháng sau (từ 13/1/2008 đến 20/3/2008) đã làm rõ, xác định được Hồ Duy Hải chính là thủ phạm gây ra vụ án đặc biệt nghiêm trọng trên.
Trong quá trình điều tra, Hồ Duy Hải có 25 lời khai, trong đó có 3 bản phúc cung của Viện Kiểm sát, có 4 bản cung có luật sư tham gia, Hải đều khai nhận đã giết chị Nguyễn Thị Ánh Hồng và Nguyễn Thị Thu Vân rồi chiếm đoạt tài sản. Trong quá trình khai báo tại CQĐT, các lời khai về sau, Hải khai nhận rõ ràng, cụ thể hơn về hành vi phạm tội của mình.
Cụ thể, ngày 20/3/2008, CQĐT triệu tập Hải đến làm việc, Hải không thừa nhận hành vi phạm tội. Đến chiều 21/3/2008, trước các chứng cứ CQĐT đưa ra, Hải đã bước đầu thừa nhận hành vi giết, lấy tài sản của chị Hồng, chị Vân và điện thoại, sim, card của Bưu cục Cầu Voi.
Căn cứ tài liệu thu thập được và lời khai nhận tội của Hồ Duy Hải cơ bản phù hợp với hiện trường, kết quả khám nghiệm tử thi và các lời khai của nhân chứng, Hồ Duy Hải có đủ yếu tố cấu thành tội “giết người”, “cướp tài sản” nên ngày 29/3/2008, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An đã khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Hồ Duy Hải về hai tội trên.
Trong quá trình điều tra, một số lời khai về sau có thay đổ so với những lời khai ban đầu về các tình tiết cụ thể trong diễn biến hành vi phạm tội của bị cáo. Chẳng hạn, ban đầu bị cáo khai có hành vi hiếp dâm chị Hồng, sau lại khai không hiếp. Lúc đầu chưa khai cụ thể nơi tiêu thụ tài sản cướp được (điện thoại, nữ trang), sau khai cụ thể địa điểm bán điện thoại, nữ trang ở quận 5, TP Hồ Chí Minh.
Dù vậy, trong suốt quá trình từ khi khởi tố bị can đến khi kết thúc điều tra, Hải đều thừa nhận đã giết chị Hồng, chị Vân rồi chiếm đoạt tài sản của họ và của Bưu cục. Các lời khai về sau, Hải càng khai rõ ràng, lôgic và phù hợp hơn với các chứng cứ khác của vụ án, nhất là kết quả khám nghiệm hiện trường, tử thi.
Sự không thống nhất về các tình tiết trong lời khai của Hồ Duy Hải đã được chính bản thân Hải giải thích rõ về nguyên nhân không thống nhất là do ban đầu, bị cáo nghĩ đã phạm tội giết người thì giết kiểu gì cũng như nhau, không cần phải khai chính xác; mặt khác, bị cáo muốn khai khác sự thật để kéo dài thời gian điều tra, giải quyết vụ án, bị cáo được sống lâu hơn. Còn về sau, Hải tự nhận thấy cần phải khai chính xác, thành khẩn để được xem xét, hưởng khoan hồng.
Đại tá Lê Văn Tân, Phó Chánh Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho biết, theo tâm lý tội phạm thì việc khai báo càng về sau càng rõ hơn là việc hết sức bình thường và đúng diễn biến tâm lý. Vì vậy, lời khai của Hải lúc đầu chưa chính xác, sau khai rõ hơn, chuẩn xác hơn phù hợp với thực tế và tâm lý tội phạm. Ngày 20/8/2008, CQĐT tiến hành thực nghiệm điều tra, Hồ Duy Hải đã tái thực hiện hành vi giết chị Hồng, chị Vân rồi lấy tài sản tại Bưu cục Cầu Voi phù hợp với hiện trường và tử thi.
Ngày 29/8/2008, CQĐT có kết luận điều tra đề nghị truy tố Hồ Duy Hải. Ngày 1/10/2008, Viện KSND tỉnh Long An ra cáo trạng truy tố Hồ Duy Hải.
Sau đó, ngày 20/11/2008, khi Kiểm sát viên phúc cung lần cuối, Hồ Duy Hải xin thay đổi lời khai không giết chị Hồng, chị Vân mà những lời khai nhận trước đây do Hải nghe một người bạn là Nguyễn Thanh Hải, dân phòng ở ấp 1, xã Nhị Thành kể lại nên dựa vào đó khai báo với CQĐT, nhưng ngay trong cùng buổi làm việc, Hải lại khai nhận hành vi phạm tội, không kêu oan mà chỉ xin được giảm nhẹ hình phạt.
Kết quả xác minh, ông Nguyễn Thanh Hải chỉ bảo vệ hiện trường ở ngoài, không vào bên trong và không nói chuyện với Hồ Duy Hải. Ngày 28/11/2008, TAND tỉnh Long An mở phiên toà sơ thẩm vụ án. Tại Toà, khi Chủ toạ thẩm vấn, Hồ Duy Hải khai báo đầy đủ, tỉ mỉ về hành vi giết chị Hồng, chị Vân rồi lấy tài sản, phù hợp với các tài liệu chứng minh trong hồ sơ vụ án. Đến khi giải lao, Hải được tiếp xúc với gia đình và luật sư. Sau đó, phần thẩm vấn của đại diện VKS, Hồ Duy Hải phản cung không nhận tội nhưng không đưa được lý do giải thích vì sao thay đổi lời khai.
Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ và kết quả thẩm vấn tại toà, TAND tỉnh Long An tuyên phạt Hồ Duy Hải mức án tử hình. Ngày 5/12/2008, Hồ Duy Hải viết đơn xin giảm nhẹ hình phạt với lý do “gia đình có công với cách mạng; Hải đã thành khẩn khai báo trong quá trình điều tra”.
Ngày 28/4/2009, Toà phúc thẩm TAND Tối cao tại TP Hồ Chí Minh mở phiên phúc thẩm, Hải kêu oan nhưng vẫn xác nhận những lời khai trước đây do Hải tự nguyện khai, không bị bức cung, nhục hình. HĐXX tuyên y án tử hình đối với Hồ Duy Hải. Ngày 4-5-2009, Hồ Duy Hải viết đơn xin Chủ tịch nước tha tội chết.
Trong đơn, Hải trình bày “rất ăn năn, hối cải về việc làm của mình; do thiếu hiểu biết về pháp luật dẫn đến vi phạm pháp luật”. Trước khi trình Chủ tịch nước đơn xin ân giảm hình phạt tử hình của Hồ Duy Hải, Viện KSND Tối cao đã lấy lời khai bị án trong trại giam, Hồ Duy Hải vẫn thừa nhận hành vi phạm tội và tỏ ra ân hận về tội lỗi của mình. Ngày 21/5/2011, TAND Tối cao ban hành Quyết định số 65 “Không kháng nghị bản án hình sự phúc thẩm của TAND Tối cao tại TP Hồ Chí Minh đối với Hồ Duy Hải”.
Ngày 24/10/2011, Viện KSND Tối cao ban hành Quyết định số 132 về việc không kháng nghị quyết định tổng hợp hình phạt của nhiều bản án của Chánh án TAND Tối cao đối với Hồ Duy Hải. Đến ngày 17-5-2012, Chủ tịch nước ban hành Quyết định “Bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải”.
Năm 2014, một số cơ quan báo chí đăng bài cho rằng quá trình điều tra vụ án có vi phạm tố tụng gây oan sai, bà Nguyễn Thị Loan – mẹ của Hải cũng có đơn kêu oan; bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội có văn bản kiến nghị lên Chủ tịch nước đề nghị kiểm tra lại vụ án.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã yêu cầu thẩm tra lại vụ án, nên Viện KSND Tối cao đã thành lập Tổ chuyên viên liên ngành Tư pháp Trung ương thẩm tra lại vụ án. Ngày 16/2/2015, Tổ chuyên viên liên ngành trực tiếp gặp và lấy lời khai, Hồ Duy Hải vẫn tiếp tục nhận tội.
Ngày 21/11/2019, Viện KSND Tối cao ban hành Quyết định kiến nghị giám đốc thẩm để kháng nghị giám đốc thẩm các bản án đã có hiệu lực đối với Hồ Duy Hải.
Sau 3 ngày xét xử giám đốc thẩm (từ 6/5 đến 8/5), Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã công bố quyết định giám đốc thẩm đối với vụ án Hồ Duy Hải, không chấp nhận kháng nghị của VKSND Tối cao đối với các nội dung trong vụ án Hồ Duy Hải. Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã công bố các tài liệu chứng cứ của vụ án, Hội đồng thẩm phán xem xét, đánh giá tất cả các nội dung kháng nghị của Giám đốc thẩm đã nêu.
Đồng thời, xem xét đánh giá một cách khách quan, thận trọng chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án. Trên cơ sở tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao kết luận: Có cơ sở xác nhận lời khai của Hải phù hợp với lời khai của nhân chứng, những người thân trong gia đình của Hải, phù hợp với hiện trường vụ án và các chứng cứ khác. Quá trình xét xử, cơ quan tố tụng có một số vi phạm, nhưng không làm thay đổi bản chất của vụ án. Vấn đề này đã được liên ngành tư pháp Trung ương báo cáo với Chủ tịch nước và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tòa án các cấp xét xử Hồ Duy Hải về tội “Giết người”, “Cướp tài sản” là có căn cứ.
Việc thành lập tổ công tác độc lập thẩm định lại toàn bộ vụ án thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao của Bộ Công an
Trả lời PV về việc Bộ Công an lập tổ công tác độc lập xác minh xem xét lại hồ sơ vụ án Hồ Duy Hải (kết quả này được Hội đồng Thẩm phán (HĐTP) sử dụng làm tài liệu trong phiên giám đốc thẩm), ông Bùi Ngọc Hòa, thành viên HĐTP cho biết: “Sau khi có kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an thành lập tổ công tác độc lập nhằm thẩm định lại toàn bộ vụ án. Chúng tôi cho rằng việc làm này thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao của Bộ Công an. Trước phiên giám đốc thẩm, HĐXX nhận được báo cáo kết quả thẩm định nên đã mời đại diện Bộ Công an trình bày nội dung này. Chúng tôi cho rằng đây cũng là một tài liệu để xem xét tính khách quan toàn diện trong quá trình điều tra, truy tố của các cơ quan tố tụng đã thực hiện trước đó. Trong Luật Tố tụng không quy định trình tự này, nhưng đây là việc làm thể hiện trách nhiệm rất cao của Bộ Công an và HĐTP sử dụng làm tài liệu tham khảo”.
(Trích bài viết “Giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải: Thành viên Hội đồng thẩm phán nói gì?” đăng trên PV ngày 12/5/2020).
Cha của nạn nhân Nguyễn Thị Thu Vân nói gì?
Ông Nguyễn Văn Hộ, cha Vân (nạn nhân Nguyễn Thị Thu Vân) kể, khi Hồ Duy Hải thực nghiệm hiện trường, ông cũng được chứng kiến. Ông Hộ nói, nếu không phải thủ phạm, sao Hải lại tường tận mọi thứ trong bưu cục? Rồi không có tội, sao gia đình Hải phải tới lạy lục van xin gia đình nạn nhân tha thứ…? Trước khi phiên tòa sơ thẩm diễn ra, gia đình Hải cũng tới gia đình ông xin “3 chữ”. “Khi đó, họ cũng không nói đó là 3 chữ gì. Tôi nói luôn, ra tòa rồi tính”, ông Hộ kể. Từ khi Hải bị tuyên án tử hình, gia đình Hải không một lần quay lại nhà ông.
(Trích bài viết “Nỗi đau quặn lòng, chưa biết bao giờ mới nguôi ngoai”, đăng trên Báo CAND ngày 15/5/2020).
Nhìn nhận vấn đề phải khách quan, toàn diện
Xung quanh vụ án liên quan tới cái chết bi thảm của hai nữ nhân viên Bưu cục Cầu Voi cách đây 12 năm, hiện có một “lực lượng” đang hướng lái dư luận theo cách nghĩ sau: Dường như có một thế lực “siêu khổng lồ” nào đó đã và đang “đánh tráo” bản chất vụ án; “đánh tráo” hung thủ; đưa “dân đen” Hồ Duy Hải ra làm… vật tế thần để giải thoát cho hung thủ đích thực. Với cách ngụy biện kiểu như, sở dĩ Hồ Duy Hải nhận tội giết người là do bị CQĐT bức cung, dùng nhục hình; trước thông tin Hồ Duy Hải khi ra tòa chưa một lần kêu mình bị bức cung, nhục hình thì họ lại xoay ra là do Hồ Duy Hải… “sợ bị trả thù”. Cứ với cách “suy luận” như vậy, sao họ không đặt câu hỏi: Nếu quả thực CQĐT có thể “muốn làm gì thì làm” và “làm được” như thế, sao khi giám định dấu vân tay thu được tại hiện trường, CQĐT không khẳng định luôn dấu vân tay ấy là của Hồ Duy Hải (bởi cứ theo họ “suy luận”, thì có nhiều điều CQĐT có thể “đổi trắng thay đen” được kia mà); chứ kết luận theo kiểu khách quan (không phát hiện dấu vân tay thu được tại hiện trường trùng với dấu vân tay của Hồ Duy Hải) làm gì để dư luận thắc mắc cho mệt! Thế mới biết, khi cần hướng lái vụ việc theo ý mình, không ít người căn cứ vào thông tin từ CQĐT. Nhưng khi thông tin từ CQĐT không “đáp ứng” cách nhìn nhận vụ việc của họ thì họ lại… tung hê, cho rằng “ngụy tạo”.
Đỗ Nam Thắng (Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội)
Thu Anh/ CAND