+
Aa
-
like
comment

Cái “lợi” của Việt Nam sau chuyến thăm của Thủ tướng Đức

Tuệ Ngô - 15/11/2022 15:22

Sáng 14.11, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cùng đoàn đại biểu cấp cao Đức đã rời Thủ đô Hà Nội, kết thúc một chuyến thăm chính thức Việt Nam tốt đẹp từ ngày 13-14/11/2022. Ngay sau đó, trang Reuters đã có bài viết khá dài, đưa ra nhận định vai trò của Việt Nam đã tăng cao đáng kể, trở thành quốc gia được hầu hết các nước mạnh hướng đến hợp tác.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Đức Olaf Scholz

Theo đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã thảo luận về quan hệ năng lượng và thương mại với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính trong chuyến thăm Hà Nội hôm 13/11, chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo Đức trong hơn một thập kỷ.

Việc ông Olaf Scholz dừng chân tại Việt Nam trên đường tham dự hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo G20 ở Indonesia, nhấn mạnh vai trò ngày càng tăng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt là khi nhiều công ty Đức cân nhắc việc đa dạng hóa hoạt động sản xuất bằng cách mở rộng sự hiện diện ra ngoài Trung Quốc, trung tâm chính của họ ở châu Á.

Tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Olaf Scholz cho biết Đức muốn có quan hệ thương mại sâu sắc hơn với Việt Nam và sẽ hỗ trợ đất nước chuyển đổi sang một nền kinh tế xanh hơn, bao gồm cả việc mở rộng hệ thống tàu điện ngầm ở Hà Nội, thủ đô của Việt Nam.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư quan trọng của các công ty Đức và châu Âu và nhiều công ty đang tìm kiếm cơ hội ở đó. Ông cho rằng nền kinh tế thế giới chỉ thành công khi mỗi quốc gia tận dụng được khả năng và tiềm năng của mình, và Việt Nam, với nguồn nguyên liệu dồi dào và lao động được đào tạo, đã thành công trong việc này.

Giáo sư Engelbert tại Đại học Tổng hợp Hamburg đánh giá Trung Quốc hiện vẫn là đối tác quan trọng nhất của Đức trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhưng trong bối cảnh quốc tế có nhiều bất ổn, việc đa dạng hóa các mối quan hệ là mục tiêu hết sức quan trọng và ở Đông Nam Á, Việt Nam được coi là đối tác quan trọng của Đức.

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế ở một số nước châu Á – Thái Bình Dương đang chậm lại và chuỗi cung ứng bị gián đoạn, Thủ tướng Đức kêu gọi các doanh nghiệp Đức chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam, một điểm đến an toàn với tình hình chính trị ổn định, chi phí cạnh tranh, nguồn nhân lực dồi dào và môi trường kinh doanh thuận lợi.

Sau 3 tháng đầu năm 2022 liên tục tăng trưởng, Đức đã thay thế Hà Lan trở thành thị trường nhập khẩu đơn lẻ lớn thứ 5 và là nhà nhập khẩu cá ngừ lớn nhất EU của Việt Nam.

Theo Reuters, Đức là đối tác thương mại lớn thứ nhất của Việt Nam trong số các nước EU, với giá trị trao đổi trị giá 7,8 tỷ USD vào năm ngoái. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Đức ở Đông Nam Á và lớn thứ sáu ở châu Á. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương bảy tháng đầu năm đạt gần 7,3 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2021. Kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước không ngừng tăng trong những năm qua, nhất là từ sau khi Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực.

Năm 2021, Đức là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn thứ hai của Việt Nam trong EU với trị giá 23,4 triệu USD, giảm 5% so với năm 2020. Tuy nhiên, đến năm 2022, tình hình xuất khẩu đã thay đổi. Trong 3 tháng đầu năm 2022, giá trị XK cá ngừ sang thị trường này đạt gần 7 triệu USD, tăng 59% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo Phòng Thương mại Đức tại Việt Nam, AHK có khoảng 500 công ty Đức đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó có khoảng 80 công ty có nhà máy sản xuất tại Việt Nam.Trong số đó có tập đoàn kỹ thuật khổng lồ Bosch, công ty năng lượng Messer và một số công ty nhỏ hơn tham gia vào chuỗi cung ứng ô tô toàn cầu. Trong số đó có tập đoàn kỹ thuật khổng lồ Bosch, công ty năng lượng Messer và một số công ty nhỏ hơn tham gia vào chuỗi cung ứng ô tô toàn cầu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Đức Olaf Scholz chủ trì cuộc họp báo

Ông Marko Walde, người đứng đầu AHK tại Việt Nam cho biết hơn 90% các công ty Đức đang có kế hoạch chuyển dịch sang Đông Nam Á là lựa chọn ưu tiên của họ, đồng thời lưu ý rằng Việt Nam và Thái Lan là những địa điểm được yêu thích trong khu vực.

Hiện tại, Đức có 437 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư 2,34 tỷ USD, trở thành nhà đầu tư lớn thứ 18 trong tổng số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Bên cạnh đó, hai bên nhất trí mở rộng hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực quan trọng khác như khoa học-công nghệ, quốc phòng-an ninh, y tế-giáo dục, đào tạo nghề và lao động, cũng như đẩy mạnh phối hợp cùng giải quyết các thách thức toàn cầu như an ninh lương thực, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam vẫn đạt được tỷ lệ tăng trưởng cao, dự kiến gần 8% trong năm nay. Với chính sách chống COVID-19 đúng đắn, nền kinh tế Việt Nam được khôi phục rất nhanh, các doanh nghiệp nhanh chóng trở lại hoạt động khi đại dịch hạ nhiệt và Việt Nam cũng tránh được cuộc khủng hoảng bất động sản lớn như đang xảy ra ở những nước khác.

Đồng quan điểm với Reuters, trang Thế giới (DieWelt) của Đức đã đăng bài viết ca ngợi các chính sách hiệu quả của Việt Nam trong những năm qua – nguyên nhân đã mang lại cho quốc gia Đông Nam Á này một môi trường đầu tư năng động, hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài.

Giáo sư Engelbert khẳng định: “Nếu Việt Nam tiếp tục thực hiện các chính sách phát triển đúng đắn như những năm vừa qua, nền kinh tế sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa”, theo DieWelt.

Tuệ Ngô

Bài mới
Đọc nhiều