+
Aa
-
like
comment

Cái kết nào khi bố mẹ là “quỷ dữ” hành hạ con trẻ?

Phạm Khoa - 09/08/2022 07:20

Ngày 5/8, một đoạn video clip dài 4 phút ghi lại cảnh bạo hành bé gái 11 tuổi ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh đã làm cộng đồng mạng dậy sóng. Bé gái bị lột hết quần áo, hai tay bị buộc dây treo lơ lửng trên trần nhà. Cạnh đó, một người đàn ông cởi trần dùng roi đánh vào thân thể bé gái.

Bé gái bị người đàn ông lột quần áo, treo lên trần nhà để đánh.

Đã có rất nhiều người lớn không đủ can đảm xem hết đoạn clip mà nghe đâu do chính người cha quay lại khi hành hạ con gái ruột của mình. Đây quả một cú sốc nữa đối với dư luận xã hội và các nhà giáo dục, nhà xã hội học khi trong vòng một năm qua, liên tiếp các vụ việc đau lòng liên quan đến bạo hành trẻ em bị phát hiện. Dư luận còn chưa hết bàng hoàng với cái chết đau lòng của bé V.A, sự ra đi em bé 3 tuổi ở Hà Nội bị người tình của mẹ đóng đinh vào đầu hay cảnh bị đối xử man rợ như tội nhân trung cổ của bé gái ở Bình Phước thì nay lại đến vụ việc này.

Lòng kiên nhẫn và sự phẫn nộ của nhiều người càng lúc càng bị thách thức khi mức độ vô cảm và sự dã man của người lớn đối với trẻ em càng tăng. Trong tất cả các vụ việc trên, dù xảy ra ở nhiều địa phương khác nhau, trong nhiều gia đình có hoàn cảnh khác nhau nhưng có một điểm chung về người hành hạ các em là bố mẹ ruột và sự thờ ơ của những người lớn xung quanh.

Phải chăng xã hội vô cảm đến nỗi tiếng kêu cứu của trẻ em bị hành hạ, ngược đãi không được nhận ra? Chưa nói đến chính quyền địa phương, chẳng lẽ người nhà, hàng xóm láng giềng, thầy cô… lẽ nào không hay biết? Làm sao biện minh được cho sự thờ ơ khi các vụ việc được phát hiện và đưa ra ánh sáng, thường đã kéo dài một thời gian? Tiêu biểu như vụ bé Vân An, phải đến khi trở thành một vụ án mạng, mọi người mới biết chuyện gì đã xảy ra với em.

Đã đến lúc phải nghiêm túc xem nạn bạo hành trẻ em như một sự sa sút đạo đức xã hội và tội ác của những người làm bố mẹ cần được xử lý một cách nghiêm khắc, không có bất cứ một sự nương nhẹ nào. Một ông bố bà mẹ đối xử bạo lực với con đẻ, liệu có cần chế tài bằng cách tước đi quyền nuôi dưỡng của họ? Những người lớn xung quanh nơi sống của đứa trẻ bị bạo hành sẽ bị phạt thế nào nếu thờ ơ, không cứu giúp nạn nhân hay không thông báo cho chính quyền sở tại?

Một số cán bộ xã, cô giáo, người thân đã đến động viên và trợ giúp tinh thần cho bé.

Có rất nhiều những câu hỏi đã được dư luận đặt ra thời gian qua. Và chúng sẽ trở thành yêu cầu cấp thiết trong thời gian tới dành cho các cơ quan quản lý việc chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em từ địa phương đến trung ương, đặc biệt các cơ quan làm luật và thi hành luật liên quan đến trẻ em. Nên chăng cần sửa đổi, bổ sung các hình phạt dành cho hành vi bạo hành, ngược đãi, xâm hại, lợi dụng trẻ em theo hướng tăng nặng, để nâng tác dụng răn đe đối với xã hội. Nên chăng, sự vô cảm, thờ ơ, không tố giác các hành vi bạo hành, ngược đãi, xâm hại, lợi dụng trẻ em cũng được xem là tội hình sự và phải được xử lý nghiêm khắc.

Điều 37, chương II trong Hiến pháp năm 2013 quy định: “Trẻ em có quyền được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”. Hiến pháp Việt Nam đã dành cho trẻ em nhiều quyền quan trọng, thể hiện tính nhân văn. Thiết nghĩ, trong thời gian tới, cần thêm sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban, ngành liên quan để hạn chế, tiến đến xóa sổ nạn bạo hành trẻ em trong gia đình, học đường và nhiều môi trường khác.

Xã hội của chúng ta là một xã hội nhân ái và văn minh, tuyệt không thể dung dưỡng các tội ác liên quan đến trẻ em nữa.

Phạm Khoa

Bài mới
Đọc nhiều