+
Aa
-
like
comment

Cái kết cho 7 “Alibaba” và 31 “tên cướp”

Công Luân - 06/03/2023 06:29

Khi đường dây đòi nợ thuê xã hội đen núp bóng công ty luật Pháp Việt chưa kịp khiến dư luận hoàn hồn thì lại tiếp tục “đón nhận” một sự việc chấn động. Một nhóm người đã mở 7 công ty để thu mua hơn 330.000 hợp đồng khó đòi từ ngân hàng và các công ty tài chính với tổng số nợ hàng nghìn tỷ đồng, sau đó dùng các thủ đoạn ép người vay phải trả. Tất cả các công ty mua bán nợ này đều có trụ sở tại Quận 11, TP.HCM.

Các đối tươngj bị bắt giữ

330.000 hợp đồng được mua lại với cái giá chỉ tầm hơn 10% tổng số tiền khách nợ. Và sau đó 7 công ty được điều hành bởi 31 đối tượng cộm cán chia đều cho 100 nhân viên. Mỗi tháng, một người phải xử lý 500 hợp đồng, phải đòi được 300 triệu đồng và nếu hai tháng liên tiếp không đủ định mức sẽ bị đuổi việc. Tuy nhiên, nếu như đòi nợ được nhiều thì số tiền sẽ tăng lên theo hệ số. Thường thì nhóm người này được hưởng tới 30% trên hợp đồng.

Sau khi phân chia vào từng tài khoản của nhân viên bộ phận truy thu, thì các chân rết trực tiếp đòi nợ bằng cách gọi điện thoại yêu cầu khách hàng hoặc gọi điện để gây sức ép đến khách hàng thông qua người thân, đồng nghiệp khách hàng, với thủ đoạn như: Sử dụng nhiều số điện thoại khác nhau liên tục gọi điện, nhắn tin chửi bới, đe dọa người thân, đồng nghiệp của khách, mặc dù họ không liên quan gì đến khoản vay của khách hàng, mục đích để tạo sức ép cho những người liên quan đến cuộc sống, công việc buộc khách hàng phải trả nợ khoản vay.

Đáng chú ý, các đối tượng còn cắt ghép hình ảnh khách hàng, người thân khách hàng vào các hình ảnh đồi trụy, các thông tin không đúng sự thật. Sau đó tạo lập, dùng các “tài khoản ảo” đăng tải, bình luận lên mạng xã hội nhằm bôi nhọ danh dự, tạo sức ép buộc khách hàng phải trả tiền… Hàng chục nghìn người đã bị khủng bố về tinh thần và nhờ vậy mà 7 công ty này đã chiếm đoạt được 500 tỷ đồng.

Từ đó có thể thấy, tình hình tội phạm liên quan đến đòi nợ biến tướng vẫn diễn biến phức tạp.

Những đường dây đòi nợ giang hồ núp bóng công ty mua bán nợ mọc lên như nấm

Luật Đầu tư 2020 chính thức bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021 đã đưa ngành nghề “Kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Những tưởng sau khi khai tử loại hình kinh doanh này thì sẽ không còn những cảnh đòi nợ kiểu “xã hội đen”. Nhưng thực tế thời gian qua, những hành vi đòi nợ bất chấp pháp luật vẫn ngang nhiên diễn ra tại nhiều địa phương, duy chỉ khác một điều, các đối tượng đến đòi nợ được núp bóng dưới danh nghĩa là nhân sự của công ty dịch vụ mua bán nợ. Có lá bài chống lưng các đối tượng lộng hành ngang dọc, coi thường pháp luật, đe dọa khủng bố đến quyền tự do cá nhân của khách hàng và đến trật tự của xã hội. Rất nhiều bi kịch đau lòng bắt nguồn từ những vụ việc đòi nợ khủng khiếp như thế này.

Chính vì vậy, thời gian qua, lực lượng chức năng xử lý rất nghiêm và mạnh mẽ. Chỉ trong vòng 7 ngày, Cục Cảnh sát hình sự phối hợp với Công an tỉnh Tiền Giang, Công an TP Hà Nội, Công an TP.HCM và các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an đã triệt phá 2 băng nhóm tội phạm có tổ chức núp bóng doanh nghiệp hoạt động đòi nợ thuê cho ngân hàng, công ty tài chính.

Thời gian qua đã có rất nhiều chuyên án liên quan đến tín dụng đen đã được triệt phá, gây được niềm tin trong dư luận. Đơn cử như trong năm 2022, Hà Nội đã khởi tố 18 vụ phạm pháp hình sự; TP.HCM đã khởi tố trên 30 vụ án hình sự liên quan đến “tín dụng đen”. Nhiều vụ án có độ tinh vi, lắt léo dưới sự dẫn dắt của các đối tượng sừng sỏ với số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Và mới đây, Thủ tướng cũng đã có yêu cầu kiểm tra thông tin các ngân hàng rao bán nợ. Bởi các công ty đòi nợ chuyên mua lại nợ từ ngân hàng và các tổ chức tín dụng.

Biết rằng, những biến tướng của tín dụng đen như nấm mọc sau mưa nhưng với nỗ lực trước mắt có thể nhìn thấy thì rõ ràng việc chặt đứt dần những vòi bạch tuộc là điều có thể báo trước.

Công Luân

Bài mới
Đọc nhiều