Cái giá phải trả cho sự coi thường khán giả
Cách đây mấy tuần, trong một buổi phỏng vấn, Nghệ sỹ Vân Dung có nói về thị hiếu và “tính cách” của khán giả Việt Nam bây giờ: “Khán giả bây giờ họ tinh lắm, họ thông minh hơn rất nhiều, họ thưởng thức nghệ thuật giống như ăn đặc sản” và lẽ dĩ nhiên một món ăn được gọi là “đặc sản” thì nó không chỉ ngon từ nguyên liệu mà con phải chuẩn từ cách làm.
Khán giả hiện tại chắc chắn họ sẽ không bao giờ đến rạp vì “lạ”, vì “đẹp” và nhà làm phim sẽ khó có thể lợi dụng các yếu tố như “ủng hộ phim trong nước” hay dùng khổ nhục kế, kể khổ để kéo khán giả đến rạp. Một bộ phim dù hình ảnh thiếu đầu tư, nội dung chưa hấp dẫn nhưng nếu cho khán giả thấy được sự nghiêm túc và chân thành từ người viết kịch bản đến ekip làm phim thì chắc chắn sẽ không bao giờ bị khán giả quay lưng.
Rất tiếc, điều đó 100% không xuất hiện trong bộ phim Cậu Vàng.
Cậu Vàng trong nguyên tác tiếng Việt của Nam Cao là giống chó Việt Nam – giống chó nào thì cụ Nam Cao không nói nhưng chắc chắn nó là chó Việt Nam, có bản năng, tập tính chó Việt, ăn uống dễ dàng, thứ gì cũng có thể ăn được, có bộ lông màu vàng, ánh mắt biết nói. Trong buổi casting diễn viên chó, rõ ràng có rất nhiều giống chó Việt Nam được đưa đến ứng tuyển nhưng không hiểu vì sao chúng vẫn buộc phải “nhường chỗ” cho chó Shiba đến từ Nhật, thậm chí dù đã vấp phải sự phản đối của khán giả và đoàn làm phim đã có buổi casting thứ 2 nhưng mục đích của buổi casting lại là để tuyển chó ta đóng thế cho Cậu Vàng Shiba trong những cảnh nguy hiểm.
Hiển nhiên có lẽ đoàn làm phim phải nhớ thời điểm Nam Cao kể về Lão Hạc chính là những năm phát xít Nhật đô hộ, buộc dân ta nhổ lúa trồng đay, 2 triệu người chết đói vì thế, Lão Hạc trong cơn cùng cực phải bán Cậu Vàng. Việc đưa 1 con chó Nhật vào phim nói về người nông dân dưới ách thống trị của phát xít Nhật bị bức bách đến mức phải tự sát cho dù có đạt yêu cầu về diễn xuất, nghệ thuật nhưng về đạo đức làm phim, về sự trung thành với nguyên tác đoàn làm phim đã không đạt được, tạo nên sự thất vọng trong lòng khán giả.
Trong quá trình truyền thông quảng cáo phim, fanpage Cậu Vàng đã đánh ngay 1 đòn chí tử khi gọi những người phản đối phim là “ngu dốt”, “dân trí thấp”, nhờ vậy mà sự phẫn nộ của dư luận bị đẩy lên cao trào và thực sự dù admin fanpage Cậu Vàng đã bị “sa thải” ngay lập tức cũng không thể khiến dư luận hài lòng, bộ phim “chết” trong lòng khán giả từ đây!
Và gần đây nhất, khi phim đã công chiếu, có lẽ điều duy nhất kéo được khán giả đến với phim chính là sự yêu mến của khán giả với Nam Cao, muốn được xem đứa con tinh thần của Nam Cao qua màn ảnh lớn thì ngay lập tức một diễn viên thủ vai bà Ba vợ Bá Kiến đã bóp chết nốt sự níu kéo mong manh này, thẳng thừng tuyên bố rằng Lão Hạc do Nam Cao bịa ra, cậu Vàng và các câu chuyện xung quanh không có thật. Hỡi ôi, bao nhiêu người yêu thích Nam Cao, bao nhiêu giáo viên dạy văn trước khi cho học sinh đọc tác phẩm thì luôn giới thiệu về tác giả, tác phẩm, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm chết lặng. Nam Cao là nhà văn hiện thực, những gì ông viết xuất phát từ quá trình quan sát thực tế, chiêm nghiệm đời sống và rất gần gũi trong cuộc sống thực tế của ông đã bị gọi là “bịa ra, không có thật”. Người yêu mến Nam Cao chắc hẳn rất phẫn nộ về bình luận của diễn viên này.
Tất cả những gì xoay quanh bộ phim này, từ khâu chuẩn bị đến khi bẩm máy, quảng cáo, khởi chiếu đến kịch bản, diễn viên hay lối hành xử của đoàn làm phim bên lề bộ phim có “rất nhiều vấn đề” thậm chí là sự coi thường, xúc phạm khán giả, coi thường cả tác giả và giá trị truyền đạt của tác phẩm khiến cho bộ phim bị chỉ trích thậm tệ, bị tẩy chay mặc dù trước đó ý tưởng làm phim để tri ân một nghệ sỹ đã qua đời rất được hoan nghênh. Đây sẽ là một bài học “đau đớn” cho những người làm phim trong nước trong tương lai!!!
Người Việt không quay lưng với phim Việt, họ có quyền đòi hỏi sự chỉn chu từ người làm phim!
Hồng Nhung
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả