+
Aa
-
like
comment

Cái giá phải trả cho cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế

Hạ Băng - 17/07/2023 16:54

Luận tội vụ án “chuyến bay giải cứu”, đại diện viện kiểm sát đề nghị mức án tử hình đối với bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên; Đồng thời kiến nghị xem xét trách nhiệm ông Tuyên trong giai đoạn 2 của vụ án.

Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế

Sau 5 ngày làm việc, phiên tòa xét xử đại án “chuyến bay giải cứu” kết thúc phần xét hỏi, chuyển sang tranh luận. Đại diện Viện KSND TP.Hà Nội đề nghị mức án đối với 54 bị cáo.

Cựu thư ký bị đề nghị tử hình, kiến nghị xem xét trách nhiệm thứ trưởng

Ở nhóm tội nhận hối lộ có 21 bị cáo là cựu lãnh đạo, cán bộ thuộc nhiều bộ, ngành, địa phương. Trong đó, 18 người bị truy tố với khung hình phạt 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình.

Cụ thể, bị cáo Nguyễn Quang Linh, cựu Trợ lý Phó thủ tướng thường trực, nhận hối lộ hơn 4,2 tỉ đồng, bị đề nghị mức án 7 – 8 năm tù.

Bị cáo Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nhận hối lộ 21,5 tỉ đồng, bị đề nghị mức án 12 – 13 năm tù.

Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), nhận hối lộ 25 tỉ đồng, bị đề nghị mức án 18 – 19 năm tù.

Bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, người nhận hối lộ nhiều nhất với 42,6 tỉ đồng, bị đề nghị mức án tử hình. Liên quan đến hành vi phạm tội của bị cáo Kiên, viện kiểm sát còn kiến nghị xem xét trách nhiệm của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên tại giai đoạn 2 vụ án.

Bị cáo Chử Xuân Dũng, cựu Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, nhận hối lộ hơn 2 tỉ đồng, bị đề nghị mức án 4 – 5 năm tù.

Bị cáo Trần Văn Tân, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nhận hối lộ 5 tỉ đồng, bị đề nghị mức án 8 – 9 năm tù…

Ở nhóm tội đưa hối lộ, 23 bị cáo là đại diện các doanh nghiệp liên quan trực tiếp đến việc tổ chức chuyến bay đưa công dân về nước.

Hai người đưa hối lộ nhiều nhất là Lê Hồng Sơn (cựu Tổng giám đốc Công ty Bluesky) và Nguyễn Thị Thanh Hằng (cựu Phó tổng giám đốc Công ty Bluesky), với số tiền “bôi trơn” lên tới hơn 100 tỉ đồng. Hai bị cáo này lần lượt bị đề nghị các mức án 10 – 11 năm tù và 11 – 12 năm tù.

21 bị cáo khác, người bị đề nghị thấp nhất là 18 tháng tù, cao nhất là đến 9 năm tù.

Ở nhóm tội môi giới hối lộ có 4 bị cáo. Trong đó, cựu thiếu tướng, cựu Phó giám đốc Công an TP.Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn bị đề nghị mức án 6 – 7 năm tù.

Ở nhóm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có 2 bị cáo. Trong đó, bị cáo Hoàng Văn Hưng, cựu Trưởng phòng 5 Cục An ninh điều tra Bộ Công an, cựu điều tra viên chính thụ lý vụ án, bị đề nghị mức án 19 – 20 năm tù…

Ở nhóm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ có 4 bị cáo. Trong đó, bị cáo Trần Việt Thái, cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia, bị đề nghị mức án 5 – 6 năm tù.

Dư luận đồng tình với mức án dành cho cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế

Cựu thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhận số tiền lớn nhấtvới 253 lần nhận “lót tay” 42,6 tỉ trong vụ “chuyến bay giải cứu”. Có thể nói đây là người nhận hối lộ số tiền kỷ lục lớn nhất trong vụ án này chỉ trong thời gian ngắn là 9 tháng.

Thời điểm đó, Bộ Y tế phân công Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên làm nhiệm vụ xem xét, duyệt ký văn bản trả lời Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan chức năng khi những nơi này xin ý kiến về chuyến bay giải cứu, chuyến bay combo và xin cho khách lẻ được về nước. Các cơ quan chức năng thông qua Phạm Trung Kiên để trình thứ trưởng xem xét, ký duyệt văn bản trả lời.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ, thư ký Phạm Trung Kiên đã yêu cầu đại diện các doanh nghiệp, cá nhân chi tiền từ 50 triệu đến 200 triệu một chuyến bay. Đối với chuyến bay combo, thư ký Kiên ra giá với doanh nghiệp phải “chung chi” từ 500.000 – 2 triệu đồng một khách. Với hình thức “đếm đầu người” cho khách lẻ, Kiên ra giá từ 7-15 triệu đồng/khách.

Theo dõi vụ án “chuyến bay giải cứu” có thể thấy vì lòng tham, cơ chế kiếm tiền dễ dàng nên các nhóm lợi ích đã câu kết với nhau, bỏ đi cả danh dự, liêm sỉ để trục lợi trên nỗi đau, khó khăn của người dân, đất nước.

Những hành vi phạm tội trong vụ án này đều có tình tiết tăng nặng cần phải áp dụng là lợi dụng tình trạng dịch bệnh để trục lợi. Do đó, cần áp dụng nghiêm túc các quy định của pháp luật để quyết định hình phạt thật nặng. Thậm chí cần xử lý theo quan điểm “mất một người nhưng cảnh tỉnh cả xã hội”, còn nếu không thì nhiều người vẫn chưa biết sợ, vẫn tham nhũng, trục lợi.

Và trước mắt là một án tử dành cho một cựu thư ký lộng hành, ngang ngược, vượt mặt cả thứ trưởng để thao túng móc ruột, ăn trên xương máu nhân dân.

Khi thông tin được công bố, dư luận đều đồng tình ủng hộ. Dư luận cho rằng, cần xử lý theo quan điểm “mất một người nhưng cảnh tỉnh cả xã hội”, còn nếu không thì nhiều người vẫn chưa biết sợ, vẫn tham nhũng, trục lợi.

Hạ Băng

Bài mới
Đọc nhiều