+
Aa
-
like
comment

Cái giá mà châu Âu phải trả khi “rời xa” Nga

Bảo Trâm - 07/04/2022 07:43

Theo Bloomberg, cái giá mà châu Âu phải trả khi giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga sẽ phải kéo dài và tốn kém. Bởi cuộc chiến ở Ukraine khiến thép, đồng và nhôm trở nên khan hiếm, đắt đỏ.

Gần đây, để giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga, châu Âu gấp rút đẩy mạnh dòng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và tăng cường sản xuất từ các nguồn tái tạo vào năm 2030.

Đức vừa cam kết xây 2 cổng LNG, Pháp muốn nối lại đàm phán với Tây Ban Nha về một đường ống kết nối nhiên liệu. Trong khi đó, Anh đang tìm cách mở rộng năng lượng tái tạo và hạt nhân.

Tuy nhiên, giá của các vật liệu cần thiết đang tăng mạnh. Giá thép, đồng và nhôm đều đạt kỷ lục trong vòng 12 tháng. Cùng kỳ, Chỉ số Hàng hóa Giao ngay Bloomberg tăng vọt 46%.

Chi phí tăng cao có thể cản trở các kế hoạch của châu Âu nhằm nâng gần gấp 3 công suất năng lượng mặt trời và gió trong thập kỷ này. Theo ước tính, kế hoạch trên có thể cần đến khoảng 52 triệu tấn thép.

“Cuộc chiến tác động tới kế hoạch đầu tư với quy mô lớn của mọi công ty, trong đó có chúng tôi”, ông Fred van Beers – CEO của SIF Holding NV, công ty sản xuất đế thép cho tua-bin gió – thừa nhận. “Nó làm đảo lộn mọi thứ”, ông nói thêm.

Trước khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine, khí đốt của Nga tương đối rẻ, dễ vận chuyển và có nguồn cung dồi dào. Cùng với đó, kế hoạch mở đường ống Nord Stream 2 tới Đức giúp châu Âu có thể giảm sản lượng năng lượng tại chỗ và bắt đầu đóng cửa các nhà máy than, lò phản ứng hạt nhân nhằm tập trung vào các nguồn sạch hơn.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Liên minh châu Âu (EU) đã nhập khẩu khoảng 155 tỷ m³ khí đốt từ Nga vào năm ngoái. Do xung đột, khối này muốn cắt giảm 2/3 nhập khẩu khí đốt Nga trong năm nay.

IEA cho biết khoảng 30 tỷ m³ có thể được thay thế bởi các nguồn cung khác gồm năng lượng tái tạo, hạt nhân và giảm tiêu dùng. Nhưng theo ông Grant Sporre – nhà phân tích của Bloomberg Intelligence, EU sẽ chịu tác động bởi giá những mặt hàng liên quan đến cơ sở hạ tầng tăng hơn 20% so với mức trước xung đột.

“Chi phí xây dựng sẽ đắt hơn dự định của chính phủ. Một số dự án có thể bị trì hoãn vì giá nguyên vật liệu tiếp tục tăng cao”, ông Sporre cảnh báo.

Ủy ban châu Âu có kế hoạch lắp đặt 290 gigawatt điện gió và 250 gigawatt năng lượng mặt trời. Theo giá thị trường ở thời điểm hiện tại, chỉ riêng chi phí thép đã lên tới 65 tỷ euro (72 tỷ USD).

Nga và Ukraine là một trong những nhà xuất khẩu thép tấm lớn nhất thế giới. Loại thép này được sử dụng trong xây dựng tua-bin và đường ống dẫn khí. Theo Rysted Energy AS, dù có các nguồn thay thế, chi phí vẫn cao hơn mức bình thường 50%.

Vấn đề nan giải là Trung Quốc đã phong tỏa trung tâm luyện thép Đường Sơn nhằm kiểm soát các đợt bùng phát dịch mới. “Chuỗi cung ứng của mọi sản phẩm thép ở châu Âu đang chứng kiến chi phí tăng cao”, ông James Ley – Phó chủ tịch cấp cao của Energy Metals tại Rystad – nhận định.

Hơn nữa, đồng cũng là một vật liệu quan trọng với độ dẫn điện cao, thường được dùng cho hệ thống dây điện và dây cáp. Để đáp ứng mục tiêu năm 2030, châu Âu cần khoảng 7,7 triệu tấn đồng. Theo Back of America, đợt tăng giá mạnh trong năm nay có thể đội thêm chi phí khoảng 7,6 tỷ USD.

Ngoài ra, nhôm cũng là vật liệu cần thiết cho các tấm pin mặt trời, tua-bin và lưới điện. Châu Âu đang thiếu hụt nghiêm trọng nhôm do sản lượng sụt giảm sau khi chi phí điện tăng cao làm giảm lợi nhuận của ngành luyện kim.

Nga là nhà sản xuất lớn nhất bên ngoài Trung Quốc. Lượng nhôm tinh luyện của Nga chiếm khoảng 5% sản lượng toàn cầu. Theo BloombergNEF, thị trường nhôm trở nên căng thẳng trong năm nay, đẩy giá tăng vọt lên mức kỷ lục vào tháng 3.

Giá leo thang bởi lo ngại về việc các lô hàng của Nga có thể chịu ảnh hưởng từ những lệnh trừng phạt.

“Thế giới vẫn có thể sống mà không cần tới nguồn cung từ phía Nga. Điều đó là chắc chắn. Nhưng chúng ta vẫn cần thời gian để điều chỉnh”, ông Andrew Forrest – nhà sáng lập Fortescue Group Metals – bình luận.

Sẽ cần nhiều lưới điện hơn nữa để cung cấp một lượng lớn năng lượng tái tạo đến những nơi cần điện. Theo BloombergNEF, vốn đầu tư cần thiết lên tới 1.500 tỷ USD từ năm 2020 đến năm 2050.

Nhưng đó không phải tất cả. Hà Lan đã cam kết xây dựng một kho nổi chứa và tái hóa khí (FSRU) vào tháng 3. Italy và Estonia cũng đang đẩy nhanh các kế hoạch.

Anh và Pháp đang lên kế hoạch mở rộng quy mô điện hạt nhân. Khoảng 230.000 tấn thép gia cố sẽ được sử dụng để xây dựng nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point C của Electricite de France SA ở Tây Nam nước Anh. Một lò phản ứng khác có cùng thiết kế hiện cũng được lên kế hoạch.

“Tất cả đều đang nói về việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng. Và mọi kế hoạch đều cần những nguyên liệu giống nhau”, ông Julian Kettle, Phó chủ tịch cấp cao về kim loại và khai thác tại Wood Mackenzie Ltd., nói với Bloomberg.

Bảo Trâm (Theo Bloomberg)

Bài mới
Đọc nhiều