+
Aa
-
like
comment

Cái giá của 3,3 triệu đồng là một mạng người

Hải Anh - 29/10/2020 17:56

Ba ngày vừa qua, dư luận xôn xao vụ việc nữ sinh Học viện Ngân hàng bị sát hại trên sông Nhuệ. Đọc lời khai của hai hung thủ, chúng ta không khỏi gai người. “Thấy H. van xin, Trung nhảy xuống dìm H. xuống nước. Không thấy em cử động nữa, Trung mới đẩy ra lòng sông”. Sau khi sát hại nạn nhân rồi đẩy thi thể ra lòng sông, Trung đã lấy chiếc xe đạp điện và điện thoại của Hiền bán được với giá 3,3 triệu đồng đem đi tiêu xài, mua ma túy để dùng. Hai đối tượng đều là những kẻ nghiện, hành sự khi vừa thực hiện một vụ ăn cắp trên địa bàn khác. Vậy là lại thêm một bi kịch nữa từ ma túy, ma túy không chỉ hủy hoại bản thân người sử dụng mà còn hủy hoại cả tính mạng của người khác. Ma tuý đã biến các đối tượng trên trở thành gì, ngoài những con quỷ mất hết tính người.

Một mạng người đổi lấy 3,3 triệu đồng

Chiều 27.10, Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án giết người liên quan đến việc nữ sinh Trần Thuý H. (18 tuổi, quê Thường Tín) mất tích và thi thể được tìm thấy sau 4 ngày gia đình nạn nhân trình báo. Cơ quan công an xác định, Nguyễn Xuân Trung (35 tuổi) và Nguyễn Văn Quân (37 tuổi) đều ở huyện Thường Tín và nghiện ma tuý là hai nghi phạm liên quan đến cái chết của nữ sinh H.

Chỉ vì 3,3 triệu đồng mà 2 kẻ nghiện ma tuý này đã ra tay sát hại nữ sinh Học viện Ngân hàng khi em chỉ vừa mới bước vào cánh cổng đại học với nhiều hoài bão, ước mơ.

Trung thừa nhận, khi thấy H. đứng nghe điện thoại nên nảy sinh ý định cướp tài sản. Hắn bàn với Quân rồi tự mình đến chỗ nữ sinh, đẩy ngã nạn nhân xuống bờ sông Nhuệ, từ phía sau. Trung dìm nạn nhân xuống nước dù nữ sinh cố xin “tha cho em”. Khi thấy cô gái bất tỉnh, hắn đẩy nạn nhân ra xa dòng nước. Sau đó, lấy điện thoại, xe đạp điện đi bán được tổng số tiền là 3,3 triệu đồng.

Chỉ mường tượng ra cảnh cháu bé sợ hãi van xin mà kẻ thủ ác nhẫn tâm không tha mà thấy căm giận. Có lẽ em nữ sinh mới 19 tuổi kia sẽ không phải chết một cách oan uổng, nếu như 2 đối tượng nghiện đó được ở đúng chỗ xưa nay: Trại cai nghiện. Chỉ vì số tiền 3,3 triệu đồng mà 2 kẻ nghiện ma tuý này đã ra tay sát hại nữ sinh Học viện Ngân hàng khi em chỉ vừa mới bước vào cánh cổng đại học với nhiều hoài bão, ước mơ.

Trước đó, rất nhiều thông tin về hậu quả thảm khốc do tác hại của các loại ma túy mang lại. Đó là xuống tay sát hại người thân, có hành vi gây nguy hiểm cho người khác. Biết bao bi kịch gia đình xảy ra ở khắp các vùng miền cả nước cũng bởi ma túy. Ma túy cũng là nguồn cơn đem đến thảm họa “tai bay vạ gió” cho bao gia đình. Đặc biệt là 2 vụ tai nạn giao thông thảm khốc tại Long An và Hải Dương khiến 12 người thiệt mạng đều do tài xế sử dụng ma túy rồi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Mỗi năm, nước ta có thêm hàng nghìn thanh, thiếu niên dấn thân vào ma tuý, tự tàn phá cuộc đời mình, hàng nghìn gia đình lâm vào bế tắc, khổ đau. Thực tế đã có quá nhiều vụ án dã man liên quan đến người nghiện ma túy. Mà đâu chỉ mình họ sử dụng, người nghiện có nhiều hành vi tiêu cực như tụ tập, rủ rê, lôi kéo người khác sử dụng ma túy; trốn tránh, bất hợp tác khi cai nghiện; cờ bạc, đánh chửi bố mẹ, vợ con, nhiễm thói hư, tật xấu cho những người gần gũi; gây thương tích, chống người thi hành công vụ, phá rối trật tự công cộng, trộm cắp, lừa đảo, tiếp tay, bảo kê cho mại dâm, làm lây truyền HIV…

Cần ngăn chặn những cái chết oan

Nếu chúng ta quản lý tốt tất cả những con nghiện, cách li khỏi xã hội thì những việc đau lòng như thế này sẽ ít xảy ra hơn rất nhiều. Rồi đây sẽ còn bao nhiêu người trẻ nữa sẽ bị dính vào con đường nghiện ngập, ngáo đá và gây ra những tội ác không ai ngờ tới? Làm gì để ngăn chặn những sự việc đau lòng vừa qua, làm gì để không còn những tính mạng oan ức chết vì những con nghiện ma tuý?

Có thể nói đây là cuộc chiến của cả cộng đồng, xã hội, song thiết nghĩ, các ngành chức năng, chính quyền địa phương có những biện pháp cụ thể quyết liệt hơn để quản lý, theo dõi người nghiện, đảm bảo an toàn cho cộng đồng. Do đó, đòi hỏi nêu cao trách nhiệm người đứng đầu và sự phối hợp của các ngành cũng như phân định trách nhiệm. Mặt khác, hết sức chú trọng khâu quản lý địa bàn; tổ chức tốt các hoạt động cai nghiện, quản lý người sau cai nghiện và cảm hóa, giáo dục người nghiện.

Mọi sự oán trách, hình phạt nào dành cho 2 kẻ sát nhân cũng không bao giờ bù đắp được cho gia đình em

Cùng với vai trò nòng cốt của cơ quan chức năng thì trách nhiệm với cộng đồng của người dân cần được phát huy hơn nữa. Khi người dân cùng tham gia tố giác tội phạm ma túy thì sẽ giúp ích cho cơ quan chức năng triệt phá, đem lại sự bình yên cho mỗi ngôi nhà, cho toàn xã hội.

Ngoài ra, chúng ta nên xem xét lại có nên coi người nghiện là bệnh nhân hay không? Trước đây, tội phạm ma tuý về cơ bản bị trấn áp, nghiện được coi là đối tượng cần xử lý, phải cưỡng chế đi cai nghiện bắt buộc. Cả xã hội lên án những người nghiện, vì thế mà tình trạng buôn bán ma túy được kiểm soát. Tuy nhiên, kể từ năm 2014, người nghiện trở thành bệnh nhân, chỉ bị xử phạt hành chính. Quy định này khiến số lượng người nghiện ma túy ở Việt Nam tăng cao đột biến, thậm chí, tình trạng sử dụng ma túy còn công khai ở các quán bar, karaoke… Hãy thử nghĩ xem, xử lý nhân đạo với người nghiện như hiện nay kết quả đạt được có tương xứng với những bất an, hậu quả về tính mạng những con người mà nhiều gia đình phải gánh chịu?

Phải hạn chế từ những mầm mống gây ra thảm họa bằng cách tạo môi trường xã hội lành mạnh, được quản lý tốt, không có những tụ điểm thuận lợi cho sử dụng ma túy; sự giáo dục, quan tâm của gia đình sẽ ngăn ngừa, giúp những bạn trẻ tránh xa cám dỗ của chất độc này. Đồng thời, phải nhân rộng cách làm của công an một số địa phương, như Hà Nội đưa ra các tiêu chí để xác định người có biểu hiện và nguy cơ bị “ngáo đá” để tập trung theo dõi, quản lý chặt chẽ và có biện pháp phòng ngừa… Có như vậy mới mong không còn người chết oan do ma túy.

Hải Anh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều