Cái chết của một tên trùm là hồi kết của cuộc chiến chống khủng bố?
Ngày 2/8, truyền thông phương Tây chấn động với thông tin lãnh đạo Al-Qaeda Ayman al-Zawahiri bị Mỹ triệt hạ thành công bằng một chiếc máy bay không người lái. Sự kiện trên được đích thân Tổng thống Mỹ Joe Biden xác nhận trong một tuyên bố tại Nhà Trắng. Đây là một thành tựu mới của cuộc chiến chống khủng bố do chính nước Mỹ phát động và dẫn dắt. Nhưng câu hỏi được nhiều người quan tâm lúc này là: Cái chết của al-Zawahiri ấy có thực sự chấm dứt hay làm thay đổi về căn bản cuộc chiến chống khủng bố hay không?
Hơn hai thập kỷ đã trôi qua kể từ ngày 11/9/2001, cuộc chiến chống khủng bố do chính quyền Mỹ phát động và triển khai trên quy mô toàn cầu đã tiêu tốn hơn 8.000 tỷ USD, với gần 900.000 binh sĩ và hàng triệu thường dân thiệt mạng. Có thể nói, sau hơn 20 năm, cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ đã thu về một kết quả khả quan và cái chết của al-Zawahiri chính là một sự tổng kết không thể hoàn hảo hơn cho thực tế ấy. Nó cho thấy, mặc dù trải qua đến 4 đời tổng thống, với những mục tiêu và chiến lược phát triển có khác nhau, nhưng cam kết lâu dài và bền bỉ cho cuộc chiến chống khủng bố đã được chính quyền Washington thực hiện bài bản, có hệ thống. Chống khủng bố vẫn luôn thường trực trong quan niệm về an ninh của Mỹ, vẫn luôn được ưu tiên bên cạnh các mục tiêu an ninh khác.
Trước mắt, sự kiện Ayman al-Zawahiri bị CIA tiêu diệt là một thành tựu mới nhất từ cuộc chiến chống khủng bố, sau cái chết của Osama bin Laden và sự suy thoái của các nhóm cực đoan như ISIS, Al-Qaeda những năm qua. Chưa kể, sự kiện lần này còn cho thấy những tiến bộ vượt bậc của khoa học – công nghệ Mỹ, với những máy bay không người lái và thiết bị định vị vệ tinh có độ chính xác cao. Ngày nay, vũ khí công nghệ cao đã hoàn toàn thay thế con người trong cuộc chiến, góp phần quan trọng vào việc giảm thiểu thương vong về người và tiết kiệm chi phí nhằm duy trì một cuộc chiến chắc chắn sẽ còn kéo dài. Ngoài ra, cái chết của trùm khủng bố có khả năng lấy lại uy tín cho chính quyền Tổng thống Joe Biden khi những thất bại về chính sách an sinh và kinh tế đã khiến tỷ lệ ủng hộ ông xuống thấp nhất kể từ năm 2020. Củng cố lá phiếu cho phe Dân chủ trong Quốc hội trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới trở nên khả quan hơn rất nhiều khi al-Zawahiri bị triệt hạ.
Tuy nhiên, theo nhận định của một số chuyên gia, cái chết của trùm khủng bố al-Zawahiri, nhiều khả năng cũng sẽ tạo ra khó khăn cho cuộc chiến chống khủng bố trong thời gian tới. Đầu tiên, khả năng các cuộc tấn công khủng bố gia tăng trong những ngày sắp tới cũng rất có thể xảy ra. Bởi Al-Qaeda và các nhóm cực đoan khác lợi dụng cái chết của al-Zawahiri để kêu gọi, củng cố quyết tâm chống lại phương Tây. Không những thế, cái chết của al-Zawahiri đã để lại một “khoảng trống” về tư tưởng cho chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Bởi không chỉ Al-Qaeda mà nhiều nhóm Hồi giáo cực đoan khác, ngay khi ra đời và phát triển, đã mang đầy đủ dấu ấn tư tưởng và tham vọng của al-Zawahiri. Cái chết của al-Zawahiri là cơ hội cho các nhóm cực đoan khác trỗi dậy và diễn đạt lại, cách tân tư tưởng của ông theo một hướng khác. Đây là một thực tế đã và đang diễn ra, kể cả trước khi al-Zawahiri bị triệt hạ. Chẳng qua, cái chết của ông ta là một thời cơ để quá trình ấy được đẩy lên nhanh hơn trong thời gian tới.
Ở một diễn biến khác, sự kiện lần này là một trong những minh chứng sống động cho bản chất và ý nghĩa của cuộc chiến chống khủng bố, về những giới hạn mà chống khủng bố được diễn đạt trong mắt chính giới Mỹ. Hết lần này đến lần khác, chủ quyền quốc gia của các nước bị xâm phạm nghiêm trọng, thậm chí bị can thiệp đến mức thô bạo cho mục tiêu chống khủng bố của Mỹ và thế giới phương Tây. Từ Iraq đến Lybia, từ Pakistan đến Lebanon và gần nhất có Afghanistan. Những quốc gia không chỉ đối mặt với bạo lực từ các vụ khủng bố hằng ngày, hằng giờ, mà còn phải chịu đựng “bạo lực” từ chính trị cường quốc. Sự áp đặt và xâm phạm dưới chiêu bài khủng bố, dân chủ, nhân quyền, chưa bao giờ thôi ám ảnh thân phận nhiều nước trên thế giới. Và một lần nữa, sự kiện al-Zawahiri bị triệt hạ càng cho thấy tính chất đáng quan ngại của diễn ngôn chống khủng bố.
Nước Mỹ sẽ không bao giờ cho phép một thảm hoạ tương tự ngày 11/9 có cơ hội xảy ra một lần nữa và cái chết của al-Zawahiri là một trong số những thành tựu quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố mà họ đã triển khai. Tuy nhiên, trong thời gian tới, cơ hội và thách thức cũng sẽ đến cùng một lúc. Cuộc chiến chống khủng bố hãy còn dài, nó chưa bao giờ kết thúc, kể cả những thủ lĩnh đầu sỏ của chủ nghĩa khủng bố đều bị tiêu diệt. Suy cho cùng, khủng bố đến từ tư tưởng. Hệ tư tưởng mâu thuẫn vẫn còn, cơ sơ vật chất – tinh thần cho sự tồn tại vẫn còn thì khủng bố thật khó bị xoá sổ trên thế giới này.
Đăng Võ