Cái chết của Luna có thể là “điều tốt” cho mọi người
Cái chết của đồng tiền ảo Luna có lẽ lại là một “điều tốt” cho mọi người, ngay cả khi điều đó gây ra những thiệt hại tài chính khổng lồ cho hàng triệu người dùng.
Trình làng vào năm 2018, dự án blockchain Terra của Do Kwon mang những tham vọng to lớn: Tạo ra hệ sinh thái tiền ảo tự vận động dựa trên quy luật cung cầu. Theo ý tưởng của Do Kwon, quy luật cung cầu giữa đồng tiền ảo ổn định (stablecoin) UST và đồng token Luna cùng hàng trăm ứng dụng ăn theo sẽ giúp UST duy trì tỉ giá với đồng USD.
Từ khi ra đời, Luna nhanh chóng được giới đầu tư tiền ảo săn đón, giá trị tăng lên nhanh chóng từ 1 USD/Luna lên đến hơn 120 USD/Luna vào cuối năm 2021. Đáng chú ý, đây cũng là thời điểm đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Việt Nam. Giãn cách xã hội kéo dài, mất nguồn thu nhập, kinh tế khó khăn… khiến nhiều người Việt tìm đến tiền ảo với hy vọng kiếm tiền dễ dàng, nhanh chóng.
Quả thực, đã có một bộ phận người dùng tiền ảo thu được khoản lợi lớn. Những giai thoại về “tài khoản nhân 10, 20…” nhờ vào Luna nhanh chóng khiến nhiều người lao vào cuộc chơi. Thế nhưng, trong số đó có bao nhiêu người thực chất chỉ là những “con thiêu thân” thiếu kiến thức lẫn kinh nghiệm đầu tư? Đã có rất nhiều người trẻ, làm công ăn lương và chưa từng bỏ vốn vào bất kỳ một hoạt động đầu tư, kinh doanh nào đã tự vỗ ngực gọi mình là các “nhà đầu tư tiền ảo”. Họ mua bởi có người người nói mua và bán cũng chỉ vì tin đồn nào đó. Ngay cả khi “ăn may”, thì thực tế đó vẫn không thay đổi. Thứ duy nhất những cuộc “ăn may” mang lại là tiếp thêm ảo tưởng cho các nhà đầu tư “gà mờ”…
Giữa tháng 5/2022, một lượng lớn UST bất ngờ bị bán tháo bởi tin đồn rằng tỉ suất lợi nhuận sẽ thay đổi từ cố định 20% sang thả nổi, kéo theo sức mua Luna tăng đột biến. Cơn bát nháo thị trường khiến cơ chế tự cân bằng của hệ sinh thái mất tác dụng và cả hai đồng tiền ảo đều sụp đổ. Đến nay, đồng Luna đã rớt giá khoảng… 1 triệu lần. Khi mà ngay cả các “cá mập” như Changpeng Zhao của Binance hay tỷ phú Michael Novogratz cũng mất hàng tỷ USD vì Luna, thì có thể hiểu số lượng những nhà đầu tư nhỏ bị “lùa gà” lớn đến mức nào, nhất là khi Việt Nam là thị trường tiền ảo lớn thứ 5 thế giới.
Anh Trần Minh Trí, người có thâm niên đầu tư tiền mã hóa hơn 10 năm, nhận định: “Về bản chất, thị trường tiền ảo cũng là cuộc chơi ‘zero sum’ (tổng bằng không), tiền từ người này chạy qua túi người kia. Terra lại muốn tạo nên hệ sinh thái khép kín, dòng vốn luân chuyển bên trong, tức là ‘zero sum trong zerro sum’. Tuy nhiên, nhà đầu tư hoàn toàn có thể thoát vốn khỏi hệ thống để chuyển sang các coin khác và tạo ra lỗ hổng cho hệ thống Terra. Vụ sụp đổ vừa rồi là minh chứng, người ta tháo chạy khỏi Luna, UST và cả hệ thống sụp đổ. Hơn nữa, cam kết lợi nhuận 20% là quá sức ảo tưởng, nếu không nói là bất thường. Ngay cả các tập đoàn lớn, dự án ‘khủng’ còn không dám đưa ra một con số như vậy, chứ đừng nói một startup mới hai, ba năm như Terra.”
Nhưng cũng như câu chuyện “ông già mất ngựa”, sự sụp đổ của Luna chưa hẳn là một điều xấu. Dù cay đắng, bài học của nó đã khiến rất nhiều người thức tỉnh khỏi ảo tưởng có được đồng tiền dễ dàng và nhanh chóng. Lòng tin vào Luna (và tiền ảo nói chung) bị suy giảm, cũng có nghĩa nhà đầu tư đã trở nên tỉnh táo, khôn ngoan và thận trọng hơn. Sẽ chẳng có điều gì là dễ dàng, nếu chúng ta không tự trang bị cho mình một vốn kiến thức đầy đủ và một bản lĩnh vững vàng trước sóng gió của thương – chiến trường.
Đến nay, nhà sáng lập Do Kwon vẫn tiếp tục nỗ lực giải cứu dự án của mình bằng chiến dịch “Luna 2.0”. Nhưng bất chấp những lời trấn an và những mô hình đẹp đẽ thì về bản chất, nó vẫn là hành động phát hành một mã tiền ảo khác, một chiến thuật “bình mới rượu cũ”. Liệu Luna 2.0 sẽ tái sinh từ tro tàn như các nhà đầu tư đang ôm nợ kỳ vọng, hay tiếp tục bổ sung thêm thành viên cho đội quân “xa bờ” của nó, câu trả lời sẽ đến rất sớm. Và cũng như quá khứ, sự tái sinh của nó chưa chắc là điều tốt và tiếp tục sụp đổ cũng chưa hẳn là viễn cảnh tồi tệ.
Hạnh Văn