Cải cách mạnh mẽ, đưa phương án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam
Chiều nay, 28/10, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự thảo báo cáo trình Bộ Chính trị về tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 27-KL/TW về Chiến lược phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, đường sắt là một trong những ngành thuộc lĩnh vực kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội cần ưu tiên phát triển nhanh, đi thẳng vào hiện đại, bền vững. Giai đoạn đến 2030, tiếp tục nâng cấp để khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có (trong đó ưu tiên tuyến Bắc – Nam); đẩy nhanh tiến độ đầu tư các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh… Nghiên cứu, triển khai xây dựng mới các tuyến nối với các cảng biển, khu công nghiệp, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Tầm nhìn đến 2050, phấn đấu hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam; hiện đại hóa mạng lưới tuyến đường sắt hiện có đáp ứng chủ yếu về nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách địa phương; hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đường sắt kết nối các tỉnh Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, đường sắt xuyên Á, đường sắt kết nối các khu công nghiệp, cảng biển.
Bộ GTVT đề nghị Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương xem xét, ban hành Nghị quyết riêng về định hướng phát triển đường sắt. Trong đó, tiếp tục nhất quán quan điểm phát triển đã nêu tại Kết luận số 27 để định hướng Chính phủ triển khai thực hiện.
Các ý kiến tại cuộc họp đều cơ bản nhất trí với dự thảo báo cáo do Bộ Giao thông vận tải xây dựng, qua 10 năm, việc phát triển đường sắt đạt một số kết quả nhất định. Sản lượng vận tải có tăng trưởng. Tuy nhiên, việc đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho loại hình giao thông này chưa nhiều. Công nghiệp đường sắt chưa đáp ứng nhu cầu sửa chữa đường sắt hiện có và các dự án mới trong tương lai. Vốn đầu tư lớn, thời gian đầu tư dài, nên không có nhiều lợi thế thương mại so với đầu tư các lĩnh vực khác và cần có sự hỗ trợ rất lớn từ nhà nước. Các ý kiến nhất trí việc tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển đường sắt.
Mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết công tác phòng chống bão số 9 đã được triển khai quyết liệt, đã sơ tán 1,3 triệu dân. Vào gần bờ, cường độ bão có giảm nhưng vẫn ở mức rất nguy hiểm. Chúng ta đã triển khai mạnh mẽ các biện pháp bảo vệ tính mạng người dân, nên thiệt hại về người đã giảm hẳn so với các cơn bão mạnh trước đây.
Về vấn đề phát triển đường sắt, Thủ tướng nêu rõ, thực hiện Kết luận 27, hệ thống đường sắt đô thị Việt Nam có bước chuyển mình tốt. Công tác chuẩn bị đầu tư của ngành GTVT đã được chú ý hơn một bước.
Phát triển hệ thống đường sắt Việt Nam là rất cần thiết, do hệ thống đường sắt Việt Nam đã lạc hậu, phải được cải tạo, xây dựng mới để phát triển đất nước. Muốn như vậy, tại cuộc họp này, Thường trực Chính phủ quyết định yêu cầu công tác chuẩn bị đầu tư phải làm tốt, kỹ lưỡng, lấy ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học, của nhân dân để báo cáo cơ quan có thẩm quyền. Hệ thống đường sắt hiện có phải cải tạo nâng cấp như đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, hệ thống đường sắt đô thị tiếp tục xây dựng theo quy hoạch, trong đó có Hà Nội, TPHCM, hệ hống đường sắt nối Tây Nguyên với miền Trung và TPHCM, hệ thống đường sắt TPHCM với miền Tây Nam Bộ. Không gian mở rộng hệ thống đường sắt Việt Nam còn nhiều, một đất nước không thể không có hệ thống đường sắt, nhất là có bờ biển trải dài trên 3.000 km. Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh hệ thống đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.
Lưu ý một số nội dung trong báo cáo, Thủ tướng đặt vấn đề, “chọn công nghệ nào trong phát triển đường sắt Việt Nam”, cần có tư duy mới. Về suất đầu tư thì cần đưa ra các phương án để so sánh. Về nguồn lực đầu tư, một mặt giảm đầu tư công để bảo đảm an toàn tài chính quốc gia, mặt khác phải tìm nguồn lực để phát triển các công trình hạ tầng quan trọng của đất nước. Một số thì đầu tư theo hình thức PPP, một số thì đầu tư ngân sách Nhà nước. Chuẩn bị mặt bằng cho các dự án này một cách chủ động chứ không “nóng đâu phủi đó”. Chuẩn bị một bước về kết nối quốc tế.
Đề nghị tiếp tục hoàn thiện báo cáo để sớm báo cáo Bộ Chính trị, trình Quốc hội, Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển đường sắt đến năm 2030, tầm nhìn 2050 với tinh thần lớn là phải cải cách mạnh mẽ ngành đường sắt. Đưa ra phương án khả thi, cụ thể, đặc biệt là đối với đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, coi đây là xương sống của chiến lược, cùng với các nhánh đường sắt liên tỉnh, liên vùng, đô thị. Báo cáo cần đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp thực hiện tốt nhất để phát triển đường sắt Việt Nam, nhất là làm chủ công nghệ mới, những công trình cụ thể, phương án huy động vốn.
Các cơ quan của Bộ GTVT phải thấy nóng ruột chuyện này để làm sao thúc đẩy cuộc cách mạng về đường sắt này tốt hơn ở Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đức Tuân/VGP