Cải cách hành chính: Bộ GTVT cuối bảng, Quảng Ninh dẫn đầu
Chỉ số cải cách hành chính và chỉ số hài lòng năm 2019, cho thấy Bộ Giao thông vận tải tiếp tục đứng cuối bảng, trong khi đó Quảng Ninh tiếp tục bảo vệ vị trí đầu bảng trong số 63 tỉnh, thành.
Đó là thông tin được công bố tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc công bố chỉ số cải cách hành chính và chỉ số hài lòng năm 2019, diễn ra sáng nay 19-5.
Hà Nội tăng ngoạn mục về chỉ số PAPI
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ được công bố tại hội nghị, với nhóm các bộ, Ngân hàng nhà nước Việt Nam tiếp tục dẫn đầu với kết quả 95,4%. Ngoài ra Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp cũng đạt trên 90%.
Ngoài 3 đơn vị thuộc nhóm có chỉ số cải cách hành chính trên 90%, 14 bộ còn lại có chỉ số cải cách hành chính từ trên 80% đến dưới 90%. Trong nhóm này, Bộ Giao thông vận tải có chỉ số thấp nhất, đạt 80,53%.
Năm 2018, Bộ Giao thông vận tải cũng đứng cuối bảng với chỉ số 75,13%. Đáng chú ý, Bộ Giao thông vận tải từng thuộc nhóm có chỉ số cải cách hành chính cao năm 2016, đạt 84,02%, xếp thứ tư trong nhóm bộ, cơ quan ngang bộ.
Chỉ số cải cách hành chính năm trung bình năm 2019 của 17 bộ, cơ quan ngang bộ đạt 85,63%, tăng 2,95% so với năm 2018. 16 bộ, cơ quan ngang bộ đều có chỉ số tăng hơn năm 2018, ngoại trừ Bộ Công thương bị giảm.
Kết quả chỉ số cải cách hành chính năm 2019 của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cũng có nhiều điểm đáng chú ý.
Dẫn đầu các tỉnh, thành năm nay là tỉnh Quảng Ninh, với kết quả đạt chỉ số 90,09%. Quảng Ninh ba năm liên tiếp giữ vị trí dẫn đầu này.
Thứ hạng thứ 2 thuộc về Hà Nội, giống như kết quả năm 2018. Hà Nội năm 2019 đã có sự tăng trưởng vượt bậc về chỉ số PAPI (chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam) so với năm 2018, từ thứ hạng 29 vươn lên vị trí số 2.
TP.HCM xếp vị trí thứ 7. Đặc biệt, năm 2019, TP.HCM tăng tới 10 bậc về chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) so với năm 2018, từ thứ hạng thứ 60 vươn tới thứ hạng 50 năm 2019.
Các tỉnh Phú Yên, Quảng Ngãi, Vĩnh Long, Bến Tre thuộc nhóm có chỉ số cải cách hành chính năm 2019 thấp nhất, đạt trên 70%.
Tuy vậy, 62/63 tỉnh, thành đã có chỉ số cải cách hành chính năm 2019 tăng so với năm 2018.
Phải biết xin lỗi dân
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, thay mặt Chính phủ và Ban chỉ đạo cải cách hành chính của chính phủ, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình biểu dương sự cố gắng của các bộ, ban ngành trung ương và các tỉnh, thành phố trong cải cách hành chính năm qua và biểu dương sự phối hợp có hiệu quả của các cơ quan liên quan trong triển khai chỉ số cải cách hành chính.
Tuy vậy, Phó thủ tướng cũng nhắc nhở những hạn chế yếu kém cần khắc phục, đặc biệt là hạn chế trong việc thực hiện xin lỗi dân khi trễ hẹn trả kết quả dịch vụ công.
Vì vậy, nhiệm vụ đầu tiên mà Phó thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo thực hiện là phải coi nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ đột phá làm đòn bẩy cho phát triển kinh tế xã hội. Do đó, các đơn vị cần hoàn thiện quy chế làm việc làm sao người dân, doanh nghiệp đến được hướng dẫn tận tình, quy trình ngắn gọn, có thời hạn trả hồ sơ. Nếu trễ hẹn phải có lý do và phải xin lỗi chứ không phải chỉ hẹn người dân trở lại sau.
Phó thủ tướng chỉ đạo cần tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khơi thông nguồn lực, tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi; sắp xếp tinh gọn bộ máy, kiện toàn chức năng nhiệm vụ của các các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công…
Phó thủ tướng cũng lưu ý khi thực thi việc hợp nhất các cơ quan chuyên môn này phải căn cứ vào thực tế để có đánh giá, hướng dẫn phù hợp, không máy móc, cơ học, phù hợp với tình hình thực tế.
Các đơn vị phấn đấu hoàn thành mục tiêu tinh giản biên chế 10% cho giai đoạn 2015-2021 theo nghị quyết số 39, đẩy mạnh phân cấp gắn với nâng cao năng lực quản lý, điều hành của các cấp, các ngành, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu.
Ngoài ra, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo cần tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức, tăng cường xử lý có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
“Phải làm sao tạo sự chuyển biến thật sự trong bộ máy công quyền nhà nước, cán bộ công chức, viên chức thật sự là người công bộc, không có sự nhũng nhiễu, không có việc người dân, doanh nghiệp phải chi phí ngoài luồng. Có như vậy mới huy động tốt nguồn lực trong dân, tạo phong trào khởi nghiệp tốt”, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình nói.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, trong số những người dân tổ chức bị trả kết quả trễ hẹn, có trên 42% nhận được thông báo của cơ quan về sự trễ hẹn trả kết quả dịch vụ; và trên 27% nhận được xin lỗi của cơ quan vì sự trễ hẹn.
Như vậy có 57,37% người dân, tổ chức bị trễ hẹn trả kết quả mà không nhận được thông báo của cơ quan; và có tới 72,88% người dân, tổ chức bị trễ hẹn trả kết quả nhưng không được xin lỗi.
Trong 63 tỉnh, có tỉnh thực hiện thông báo, xin lỗi về việc trễ hẹn trả kết quả đạt tỉ lệ 100%, tuy nhiên cũng có tỉnh không thực hiện thông báo, xin lỗi đến bất kỳ trường hợp trễ hẹn nào.
THIÊN ĐIỂU/TT