+
Aa
-
like
comment

Cải biên hệ thống liên lạc, ‘chim ăn thịt’ F-22 sẽ sớm thống trị bầu trời

03/08/2020 06:59

Tiêm kích F-22 của Mỹ sở hữu một khả năng tuyệt vời: phát hiện đầu tiên, bắn đầu tiên và hạ gục đầu tiên.

F-22 được chế tạo với mục đích chiếm ưu thế trên không và trong nhiều trường hợp, thiết lập hành lang an toàn cho các máy bay kém hơn về khả năng tàng hình và cơ động để tiến hành tấn công.

Hiện nay, không quân Mỹ đang có nhu cầu mua thêm F-22 cùng nhiều khí tài quân sự khác để gia tăng lợi thế. Tuy vậy, việc chế tạo thêm nhiều chiếc F-22 không phải là điều có thể thực hiện được trong một sớm một chiều.

Link-16 giúp F-22 trở nên lợi hại hơn

Bộ tư lệnh không quân Mỹ đang nỗ lực làm việc để giúp F-22 Raptor có thể hoạt động tốt hơn vào năm 2030 và kéo dài sứ mệnh cho đến năm 2060. Để thực hiện mục tiêu này, không quân Mỹ đang xem xét nâng cấp về mọi mặt cho máy bay chiến đấu F-22 Raptor, trong đó có việc tích hợp hệ thống thông tin liên lạc cấp chiến thuật Link-16.

Không quân Mỹ đã phối hợp với tập đoàn Lockheed lên kế hoạch lắp hệ thống Link-16 cho 189 chiếc F-22, cho phép các lực lượng của Mỹ và đồng minh trao đổi dữ liệu và thông tin tốt hơn.

Cải biên hệ thống liên lạc, 'chim ăn thịt' F-22 sẽ sớm thống trị bầu trời
Ảnh: The Drive.

Link-16 là hệ thống truyền tải thông tin hình ảnh, âm thanh và tín hiệu số, cho phép xử lý dữ liệu tình báo, nhận dạng tình huống, xác định tọa độ mục tiêu để tấn công, tổ chức tác chiến và truyền lệnh trực tiếp tới từng thiết bị phòng thủ hay tấn công. Sở hữu hệ thống này, F-22 có thể tiếp nhận và sau đó gửi thông tin đến các tiêm kích F-35, F-16, F-15 mà không cần phụ thuộc vào việc giao tiếp bằng giọng nói. Một quan chức của tập đoàn Lockheed cho biết, Link-16 có thể đảm bảo mạng lưới tác chiến giữa các máy bay tấn công trong trường hợp mã hóa radio bị tấn công, vô hiệu hóa hoặc bị kẻ thù xâm phạm.

Điều này đồng nghĩa với việc nếu F-22 phải đối mặt với máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 hoặc hệ thống phòng không tiên tiến của đối phương, trong hoàn cảnh không thể liên lạc qua radio, phi công có thể vẫn gửi thông tin cảnh báo hoặc các dữ liệu cảm biến tới máy bay khác.

Hệ thống Link-16 đã được sử dụng cho máy bay, tàu chiến và hệ thống phòng không nhưng lại chưa được áp dụng với tiêm kích F-22. Các phi công điều khiển những chiếc Raptor có thể liên lạc với nhau mà không cần sử dụng lời thoại thông qua hệ thống dữ liệu có tích bảo mật cao được thiết kế riêng cho dòng máy bay này. Nhưng để giao tiếp với phi công lái một chiếc F-16 gần đó, họ phải mở một kênh radio và nói chuyện. Đây là một nhược điểm lớn khi vận hành F-22.

Hiện nay, không quân Mỹ mong muốn cải thiện tính năng của F-22 để giúp nó  có khả năng tương tác tốt hơn. F-22 Raptor, với năng lực tàng hình ưu việt và các cảm biến mạnh mẽ sẽ giúp chỉ dẫn những lực lượng khác trong chiến đấu, một khi nó có thể giao tiếp mà không cần dùng lời nói.

Phóng viên Shaun Waterman của tạp chí không quân dẫn lời ông Orlando Sanchez, phụ trách chương trình F-22 của Lockheed Martin cho biết.

“Khả năng truyền tải dữ liệu của Link-16 giúp F-22 kết hợp đồng bộ với các hoạt động trên không của liên quân và đóng vai trò như một tiền vệ, cho phép máy bay này chia sẻ thông tin về cuộc chiến trên không với các máy bay khác”.

Kế hoạch nâng cấp đầy tham vọng

Không quân Mỹ từ lâu đã muốn giải quyết vấn đề liên kết và chia sẻ dữ liệu của Raptor nhưng bị cản trở bởi các thủ tục trong hợp đồng mua bán vũ khí. Năm 2017, lực lượng này cuối cùng đã tìm ra cách đẩy nhanh quá trình nâng cấp, ông Waterman giải thích.

“Sự chậm trễ trong nỗ lực hiện đại hóa F-22 đã đe dọa vị thế của máy bay này trước các đối thủ cạnh tranh, vì vậy không quân đã quyết định thay đổi cách thức nhằm nâng cấp Raptor”.

Đối với họ việc tích hợp Link-16 cho F-22 trở thành ưu tiên hàng đầu, ông Waterman cho biết.

Vào năm 2018, văn phòng phụ trách chương trình F-22 đã áp dụng quyền mua sắm vũ khí mới theo điều khoản 804 của Đạo luật Ủy quyền quốc phòng để yêu cầu Lockheed Martin soạn thảo hợp đồng nâng cấp năng lực của F-22 Raptor có tên gọi RACR.

Trong năm tài chính 2019, RACR được tài trợ 140 triệu USD. Kế hoạch nâng cấp cho phép không quân và Lockheed lắp đặt Link-16 trên phi đội Raptor bắt đầu từ năm 2020. Với sự xuất hiện của hệ thống này, các phi công của F-22 sẽ có thêm một số khả năng mới.

Hiện tại, không quân Mỹ cũng đang trong giai đoạn thiết kế các cảm biến mới cho F-22 Raptor, nâng cấp phần mềm, điều chỉnh phần cứng, ăng ten và cải tiến liên kết dữ liệu cho phép F-22 kết nối tốt hơn với tiêm kích F-35.  Cả hai tiêm kích này có thể sử dụng công nghệ tàng hình để xâm nhập không phận của đối phương và phá hủy các hệ thống phòng không.

F-22 Raptor được ra mắt vào tháng 12/2005, dài 18,9m, cao 5,10m, có sải cánh 13,6m, trọng lượng rỗng 19,7 tấn, trọng lượng cất cánh tối đa 38 tấn. Tiêm kích này đã thực hiện một số cuộc tấn công đầu tiên do Mỹ dẫn đầu chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq và Syria vào năm 2014. Sau đó, F-22 bắt đầu chuyển sang nhiệm vụ hỗ trợ các cuộc tấn công trên mặt đất.

Nếu mọi việc diễn ra thuận lợi và tập đoàn Lockheed Martin thực sự thành công trong việc tích hợp hệ thống thông tin liên lạc cấp chiến thuật Link-16 cho tiêm kích F-22 Raptor, năm 2020 có thể là năm đầy hứa hẹn với tiêm kích này để trở thành máy bay chiến đấu tốt nhất thế giới, có thể giúp các lực lượng xung quanh nó hoạt động hiệu quả hơn. Với việc không quân Mỹ đang xem xét cho tiêm kích F-15C Eagle của Boeing nghỉ hưu, F-22 Raptor dự kiến sẽ trở thành chiến đấu cơ uy lực nhất trong kho vũ khí của lực lượng này.

Ngọc Minh/VOV

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều