+
Aa
-
like
comment

Cách Trung Quốc từng bước đưa đồng nhân dân tệ chiếm lĩnh vị thế đồng USD

Bảo Trâm - 15/07/2023 07:48

Tỷ lệ sử dụng đồng Nhân dân tệ trong giao dịch xuyên biên giới của Trung Quốc đã tăng lên mức kỷ lục 48% trong thời gian qua, so với mức 47% của đồng USD.

Trung Quốc giảm USD, tăng giao dịch bằng nhân dân tệ. Ảnh: Xinhua

Hãng nghiên cứu thị trường Bloomberg Intelligence dẫn dữ liệu từ Cục Quản lý ngoại tệ nhà nước Trung Quốc cho biết tỷ lệ sử dụng đồng Nhân dân tệ trong giao dịch xuyên biên giới của Trung Quốc đã tăng lên mức kỷ lục 48%, từ mức gần 0% vào năm 2010. Trong khi đó, tỷ lệ này của đồng USD giảm từ 83% xuống còn 47% trong cùng giai đoạn.

Đây là lần đầu tiên đồng Nhân dân tệ vượt qua đồng USD trở thành đồng tiền được Trung Quốc sử dụng nhiều nhất trong giao dịch xuyên biên giới. Qua đó, đánh dấu cột mốc quan trong của nước này trong nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào đồng USD trong giao dịch ngoại thương.

Bloomberg Intelligence cho biết tỷ lệ trên được tính toán dựa trên khối lượng của tất cả các loại giao dịch, bao gồm giao dịch chứng khoán qua hệ thống kết nối giữa các sở giao dịch chứng khoán ở Trung Quốc đại lục và Hồng Kông (Trung Quốc). Khối lượng các giao dịch xuyên biên giới bao gồm cả giao dịch tài khoản vốn (capital account) và tài khoản vãng lai (current account).

Quốc tế hóa đồng nhân dân tệ

Vào tháng 3, nhân dân tệ đã trở thành đồng tiền được sử dụng rộng rãi nhất cho các giao dịch xuyên biên giới ở Trung Quốc, lần đầu tiên vượt qua đồng USD, mặc dù thị phần của đồng tiền này với tư cách là đồng tiền thanh toán toàn cầu vẫn còn nhỏ, ở mức 2,5% so với 39,4% đối với đồng USD và 35,8% đối với đồng euro, theo dữ liệu của hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.

Việc chuyển sang sử dụng đồng nhân dân tệ để thanh toán phần lớn giao dịch hàng hóa trị giá khoảng 88 tỉ USD kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraina đã đẩy nhanh nỗ lực của Trung Quốc nhằm quốc tế hóa đồng tiền của mình, gây thiệt hại cho đồng USD, mặc dù các biện pháp kiểm soát vốn chặt chẽ được cho là sẽ hạn chế vai trò toàn cầu của nhân dân tệ trong ngắn hạn.

Chi Lo – chiến lược gia đầu tư cao cấp tại BNP Paribas Asset Management ở Hong Kong (Trung Quốc) – dự đoán về “hiệu ứng quả cầu tuyết” dài hạn khi nhiều quốc gia tham gia “khối nhân dân tệ” để giảm rủi ro khi tiếp xúc với đồng USD, “đặc biệt là sau khi họ đã thấy những gì các biện pháp trừng phạt Nga của Mỹ có thể gây ra”.

“Đây là một sự phát triển dài hạn, kéo dài trong một hoặc hai, thậm chí ba thập kỷ tới. Hiện tại và trong vài năm tới, tôi nghĩ rằng nhân dân tệ sẽ chủ yếu được sử dụng cho giao dịch hàng hóa và năng lượng” – ông Chi Lo nói.

Bất chấp việc Bắc Kinh đã bắt đầu thúc đẩy quốc tế hóa đồng nhân dân tệ từ hơn một thập kỷ trước, đồng tiền này chỉ được sử dụng một cách rời rạc trong các giao dịch mua hàng hóa lớn của Trung Quốc do hầu hết giao dịch dầu mỏ, khí đốt, đồng và than trên toàn cầu đều được định giá dựa trên đồng USD.

Tuy nhiên, điều đó bắt đầu thay đổi vào năm ngoái khi khách hàng phương Tây cắt giảm mua hàng hóa của Nga trong bối cảnh Nga bị trừng phạt vì chiến dịch quân sự ở Ukraina. Trong khi đó, Trung Quốc đẩy mạnh mua dầu thô, than và nhôm giảm giá của Nga, tăng nhập khẩu hàng hóa từ Mátxcơva trong năm 2022 lên 52% về giá trị.

Điều đó đã giúp Trung Quốc tiết kiệm hàng tỉ USD khi nền kinh tế của nước này quay cuồng với các đợt đóng cửa do COVID-19, với lượng mua hàng sẵn sàng tăng trong năm nay khi nền kinh tế Trung Quốc phục hồi.

Trung Quốc mua hàng hóa của Nga bằng nhân dân tệ

Tổng số tiền thanh toán trên hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS) – giải pháp thay thế SWIFT của Trung Quốc – tăng 21,5% so với cùng kỳ lên 96,7 nghìn tỉ nhân dân tệ (14,02 nghìn tỉ USD) vào năm 2022, theo dữ liệu của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc.

Gần như tất cả lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc từ Nga – chủ yếu là dầu thô nhưng cũng có một lượng nhỏ dầu mazut – hiện được thanh toán bằng đồng nhân dân tệ. Trung Quốc nhập khẩu tổng cộng 60,3 tỉ USD dầu thô và dầu nhiên liệu từ Nga vào năm ngoái, theo hải quan Trung Quốc.

Trung Quốc triển khai mua hàng hóa của Nga bằng nhân dân tệ

Trên toàn cầu, việc sử dụng nhân dân tệ cũng đạt được đà tăng trưởng. Tháng trước, Argentina cho biết, sẽ bắt đầu thanh toán hàng nhập khẩu của Trung Quốc bằng nhân dân tệ để giảm bớt áp lực lên dự trữ USD của mình. Tháng 3, TotalEnergies của Pháp đã bán cho Trung Quốc lô hàng LNG thanh toán bằng đồng nhân dân tệ đầu tiên.

Sự thay đổi bắt đầu vào tháng 4.2022, sau khi các ngân hàng chủ chốt của Nga bị loại khỏi SWIFT do Mátxcơva bị trừng phạt vì chiến dịch quân sự ở Ukraina.

Thanh toán bằng đồng nhân dân tệ tăng sau lệnh cấm nhập khẩu do Mỹ áp đặt và khi châu Âu tăng cường hạn chế đối với các nhà xuất khẩu Nga trước khi áp đặt lệnh cấm vận thương mại, áp giá trần với dầu thô của Nga vào ngày 5.12.2022.

Một giám đốc điều hành thương mại cho biết, tất cả doanh số bán dầu của Nga cho Trung Quốc được thanh toán bằng đồng nhân dân tệ kể từ khi phương Tây áp giá trần.

Trung Quốc phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương nhưng cũng cảnh giác với việc bị đối mặt với cái gọi là các biện pháp trừng phạt thứ cấp.

Ngân hàng Trung ương Nga cho biết, tỉ lệ nhân dân tệ trong các khoản thanh toán nhập khẩu của Nga năm 2022 đã tăng từ 4% lên 23%.

Hồi tháng 4, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak tuyên bố Mátxcơva sẽ tiếp tục chấp nhận thanh toán nhiều hơn cho xuất khẩu năng lượng bằng đồng rúp và nhân dân tệ khi nước này giảm bớt đồng USD và đồng euro.

Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, 2/3 thương mại giữa Bắc Kinh và Mátxcơva hiện được thanh toán bằng đồng rúp hoặc nhân dân tệ.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi sang thanh toán bằng đồng nhân dân tệ không phải lúc nào cũng suôn sẻ.

Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc CNPC lo ngại việc nhập khẩu khí đốt từ Tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga có thể bị cắt giảm do các ngân hàng Trung Quốc như ICBC và Bank of China sợ bị trừng phạt thứ cấp.

Quan chức của Gazprom, Alexei Konivetsky, cho biết công ty đã phải đối mặt với sự gián đoạn trong các khoản thanh toán từ Trung Quốc vì “nhiều ngân hàng Trung Quốc sợ các lệnh trừng phạt thứ cấp khi làm việc với Gazprom”.

Bảo Trâm

Bài mới
Đọc nhiều