+
Aa
-
like
comment

Tân Hoàng Minh đã tạo giá ảo hơn 10.000 tỷ đồng cho 9 lô trái phiếu ra sao

Đông Duy - 23/11/2023 10:13

Ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh, bị cáo buộc tổ chức “chạy dòng tiền khống” để tạo giá trị ảo cho 9 lô trái phiếu, lừa hơn 6.600 nhà đầu tư.

Ông chủ Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng.
Ông chủ Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng.

Ngày 21/11, ông Đỗ Anh Dũng cùng con trai Đỗ Hoàng Việt (Phó tổng giám đốc Tân Hoàng Minh) và 13 người bị VKSND Tối cao truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo khoản 4 điều 174 Bộ luật Hình sự.

Theo cáo trạng, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh thành lập từ năm 1993, vốn điều lệ 10.000 tỷ đồng do ông Dũng là Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc. Để phục vụ hoạt động kinh doanh, ông Dũng còn thành lập 45 công ty chân rết với các xương sống là Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty CP đầu tư và dịch vụ khách sạn Soleil và Công ty Cung điện Mùa Đông.

Các doanh nghiệp này đều do ông Dũng lập mới hoặc mua lại cổ phần, vốn góp rồi chỉ định người nhà đứng tên vốn góp, sở hữu cổ phần. Về mặt pháp lý, 45 công ty thuộc hệ sinh thái Tân Hoàng Minh đều hạch toán tài chính, kê khai báo cáo thuế độc lập nhưng bản chất đều do ông Dũng điều hành, nhà chức trách cáo buộc.

Năm 2021, Tập đoàn Tân Hoàng Minh gặp nhiều khó khăn nên để có chi phí vận hành bộ máy, hoạt động kinh doanh, trả các khoản nợ cũ, ông Dũng đã chỉ đạo con trai là Đỗ Hoàng Việt tìm phương án huy động vốn. Chốt lại, Tân Hoàng Minh chọn huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, loại hình không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản bảo đảm để tạo niềm tin với khách hàng.

Do pháp nhân 3 công ty là Ngôi Sao Việt, Soleil, Cung Điện Mùa Đông không đủ điều kiện để phát hành trái phiếu nên Việt chỉ đạo cấp dưới chỉnh sửa báo cáo tài chính theo hướng không đúng với thực tế. Từ đó cả 3 pháp nhân thuộc Tân Hoàng Minh đều có báo cáo tài chính của các năm trước từ thua lỗ thành có lãi.

Ông Dũng còn chọn loại trái phiếu có tài sản bảo đảm để người mua tin rằng mục đích phát hành trái phiếu là để đầu tư vào những dự án có thật.

Nhằm hợp thức hóa việc này, ông chủ Tân Hoàng Minh bị cáo buộc đã thông đồng với các công ty thẩm định giá để ban hành chứng thư thẩm định dưới 3 dạng: quyền tài sản phát sinh, hình thành trong tương lai từ các hợp đồng đặt cọc, quyền sử dụng đất và cổ phần. Tổng tài sản bảo đảm được thẩm định là 13.300 tỷ đồng.

Từ đây, 9 lô trái phiếu được Tân Hoàng Minh tung ra thị trường với trị giá 10.030 tỷ đồng. Theo quảng cáo, mục đích phát hành các lô trái phiếu này để đầu tư dự án, góp vốn hợp đồng đặt cọc hợp tác kinh doanh…

Thu hút nhà đầu tư trái phiếu bằng lãi suất cao

Một điểm thu hút nhà đầu tư là lãi suất của các lô trái phiếu này khá cao, từ 11,5 đến 12%/năm. Hồi đó vào giữa năm 2021, khi Covid-19 vẫn căng thẳng nên mức lãi suất trái phiếu Tân Hoàng Minh đưa ra cao hơn nhiều so với mặt bằng chung gửi tiết kiệm ở Ngân hàng.

Thời điểm này, lãi suất gửi tiết kiệm ở Ngân hàng Oceanbank cao nhất với cũng chỉ với 8,2%/năm, tiếp theo là ACB mức 7,4%/năm và Teachcombank 7,1%/năm. Các nhà băng khác lãi suất huy động ở kỳ hạn một năm đa số dưới 6%.

Những nhà đầu tư khai rằng do tin tưởng vào các gói trái phiếu được phát hành đúng pháp luật, có dòng tiền đầu tư thật vào dự án, báo cáo tài chính trung thực, Tân Hoàng Minh là công ty lớn có thương hiệu nên mới hợp đồng đầu tư trái phiếu.

Hai phó tổng giám đốc Tân Hoàng Minh Trần Hồng Sơn (trái) và Nguyễn Mạnh Hùng.
Hai phó tổng giám đốc Tân Hoàng Minh Trần Hồng Sơn (trái) và Nguyễn Mạnh Hùng.

Để Tân Hoàng Minh trở thành trái chủ sơ cấp, từ 5/7/2021 đến 4/3/2022, ông Dũng đã ủy quyền cho các cá nhân dưới quyền ký hợp đồng giả cách mua lại các gói trái phiếu đã phát hành. Sau đó, nhóm bị can lại chuyển nhượng trái phiếu và cho tổ chức chạy dòng tiền từ Tân Hoàng Minh sang các công ty phát hành rồi lại chuyển tiếp cho khách hàng.

Tổng cộng, Tân Hoàng Minh huy động được gần 14.000 tỷ đồng của người mua trái phiếu. Trong đó 9 gói trái phiếu có kỳ hạn 2-5 năm nhưng các bị can đã chia nhỏ kỳ hạn thành tuần, tháng để bán trái phiếu và sử dụng tiền từ chính nguồn thu trái phiếu.

Bởi vậy, tính đến thời điểm khởi tố vụ án, ông Dũng và đồng phạm bị cáo buộc đã chiếm đoạt 8.600 tỷ đồng của 6.630 nhà đầu tư. Tiền chiếm đoạt, ông Dũng dùng để trả nợ quá hạn cho ngân hàng, mua cổ phần hợp tác đầu tư, đặt cọc khu đô thị mới Thủ Thiêm, đầu tư chứng khoán và từ thiện. Hiện ông Dũng đã nộp lại toàn bộ số tiền chiếm đoạt để khắc phục hậu quả.

Trong vụ án này, VKS nhận thấy rằng ông Dũng là chủ mưu, chỉ đạo toàn bộ hoạt động sai phạm. Quá trình điều tra, các bị can đã thành khẩn khai báo, thừa nhận hành vi sai phạm.

Đông Duy

Bài mới
Đọc nhiều