Cách phát hiện F0 diễn biến nặng khi điều trị cách ly tại nhà
Theo các hướng dẫn y tế ở nhiều quốc gia, bệnh nhân Covid-19 khi điều trị tại nhà nên trang bị máy đo nồng độ oxy bão hòa trong máu để phát hiện sớm tình trạng chuyển biến nặng.
TS Thân Mạnh Hùng, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), khẳng định yếu tố quan trọng nhất trong việc theo dõi bệnh nhân Covid-19 là phát hiện được các triệu chứng lâm sàng sớm nhất thay vì chú trọng vào các mốc thời gian.
Trong thời gian đầu theo dõi các trường hợp nhiễm nCoV, những yếu tố cơ bản để đánh giá dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân, qua đó phát hiện triệu chứng lâm sàng bao gồm mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở và nồng độ oxy trong máu. Đây là những yếu tố bệnh nhân hoàn toàn có thể tự theo dõi thông qua quan sát hay một số trang thiết bị đơn giản.
Theo TS Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, Mỹ, Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím, tỷ lệ người bệnh bị trở nặng tỷ lệ thuận với độ tuổi, tăng nguy cơ ở người có bệnh nền (đái tháo đường, bệnh thận, bệnh phổi, bệnh ung thư…). Nam giới bị nặng nhiều hơn nữ.
Khi bệnh trở nặng, bệnh nhân Covid-19 rất cần sự hỗ trợ của nhân viên y tế và các thiết bị hỗ trợ chuyên nghiệp như máy trợ thở, máy lọc máu, thuốc đặc trị…
Các triệu chứng cảnh báo nguy hiểm và cần đi cấp cứu như:
– Cảm thấy rất khó thở.
– Đau dai dẳng hoặc cảm giác có áp lực trong lồng ngực.
– Không thể tỉnh táo.
– Da, môi hoặc móng tay màu nhợt nhạt, mất sức sống.
Ở từng giai đoạn dịch, dựa vào số lượng người nhiễm, khả năng của hệ thống y tế và ý thức cộng đồng, chúng ta cần linh hoạt trong việc điều trị để đạt được hiệu quả cao, an toàn nhất. Điều rất quan trọng là người dân cần thực hiện có trách nhiệm các quy định của Chính phủ, để đảm bảo lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội.
Ba bài tập thở cho F0 tại nhà
Theo hướng dẫn “Sổ tay sức khỏe Covid-19” được biên soạn bởi các giảng viên Đại học Y dược TP HCM, bài tập thở có tác dụng quan trọng với người bệnh Covid-19, giúp cải thiện tình trạng hô hấp bị suy giảm. Dưới đây là các bài tập thở:
Kiểu thở chúm môi
Mím môi và hít vào bằng mũi trong hai nhịp, giữ 3-5 giây nếu không khó thở sau khi hít vào. Chúm môi như đang thổi sáo và thở ra từ từ bằng miệng trong 4 nhịp.
Kiểu thở bụng
– Một tay đặt lên ngực, một tay đặt lên bụng để cảm nhận di động của ngực và bụng.
– Hít vào bằng mũi, mím môi, bụng phình ra, tay ở bụng nhô lên. Thở từ từ bằng miệng, môi chúm lại giống như thổi sáo, bụng xẹp xuống, tay ở bụng hạ xuống.
– Hít vào 1-2 nhịp thở ra 1-2-3-4 nhịp. Lúc thở ra gấp đôi lúc hít vào.
Kiểu thở ngực kết hợp tay
– Người bệnh đưa tay lên mở rộng lồng ngực kèm hít vào. Có thể giữ hơi thở lại khoảng 3-5 giây nếu như không gây khó thở.
– Đưa tay xuống kèm thở ra bằng phương pháp chúm môi.
Lưu ý trong quá trình tập thở khi hít vào và thở ra không cần gắng sức quá mức. Kết hợp động tác thở chúm môi với thở bụng hoặc thở ngực kết hợp tay vào trong một lần hít thở và nên luyện tập thường xuyên ít nhất ba lần/ngày, mỗi lần 5-10 phút. Hai động tác này có thể thực hiện trong cả lúc ngồi hoặc nằm.
Trâm Anh