+
Aa
-
like
comment

Cách nữ quái dàn dựng 22 vụ lừa đảo, chiếm đoạt của FE Credit 602 triệu đồng

Hạ Băng - 08/04/2023 08:45

Ngày 5/4, bị cáo Thanh, 44 tuổi và đồng phạm Phạm Thị Thanh Nga, 39 tuổi, cùng trú quận Nam Từ Liêm, bị TAND Hà Nội tuyên phạt lần lượt 13 năm 6 tháng 11 năm 6 tháng tù về 2 tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức.

Ngô Thị Ngọc Lan (đứng), Nguyễn Thị Thanh Thanh (ngồi, thứ ba từ phải) cùng các bị cáo tại toà. Ảnh: Danh Lam

Liên quan vụ án, 9 đồng phạm của họ bị tuyên phạt 1-9 năm tù. Đánh giá hành vi của các bị cáo, HĐXX cho rằng đây là vụ án đồng phạm giản đơn song đã xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước trong thời gian dài.

Nhà chức trách xác định, khoảng tháng 8/2018, Công ty Tài chính FE Credit hỗ trợ vay vốn không cần hóa đơn tiền điện, đăng ký xe. Khách chỉ cần có điện thoại thông minh, sim điện thoại, email thư điện tử và bản chụp hai mặt CMND.

Người dùng tải ứng dụng $nap của FE Credit về điện thoại di động, chụp ảnh chân dung hiện tại của bên vay (vào mặt) và thực hiện các thao tác theo hướng dẫn để tạo hợp đồng vay tiền.

Nếu hồ sơ được duyệt cho vay, phía FE Credit sẽ nhắn tin đến số điện thoại hoặc gửi vào email ghi trên hợp đồng để báo mã số bí mật hoặc nhắn tin báo đã giải ngân vào tài khoản. Để rút được tiền, bên vay cần mang CMND và điện thoại có tin nhắn báo mã số bí mật đến bưu điện hoặc ngân hàng, làm thủ tục rút tiền. Số tiền vay cụ thể sẽ được quyết định căn cứ nhiều điều kiện, khoảng 5-35 triệu đồng.

VKS cáo buộc Thanh đã lợi dụng chính sách trên, kết hợp với người phụ nữ tên Lan (chưa xác định được nhân thân) bạc nhau về việc làm giả CMND và sim rác để làm thủ tục gửi hồ sơ vay qua ứng dụng của FE Credit. Theo phân công, Lan dùng ảnh chân dung thực tế của bất kỳ người nào, chèn vào các file ảnh hai mặt CMND có sẵn, rồi gửi lên hệ thống của FE Credit.

Sau khi FE Credit đồng ý giải ngân và gửi tin nhắn, Thanh và Lan thuê người đi rút tiền. Họ dùng ảnh của người đi rút tiền để làm giả bản cứng chứng minh nhân dân khi xuất trình tại các bưu cục bưu điện và ngân hàng.

Nhà chức trách cáo buộc, sau Kiếm tiền rủng rỉnh từ lừa đảomột thời gian “cộng tác”, Thanh mua lại máy tính chứa các file ảnh CMND giả của Lan để hoạt động độc lập.

Kiếm tiền rủng rỉnh từ lừa đảo

Qua quan hệ xã hội, Thanh gặp Nga và rủ cùng tham gia lừa đảo FE Credit theo các thủ đoạn trên. Thanh nói cho Nga biết các bước lập hồ sơ xin vay tiền của FE Credit, giá thuê người “vào mặt”, thuê người đi rút tiền…

Cụ thể, phải trả cho người “vào mặt” một triệu đồng/hồ sơ được giải ngân; 2 triệu đồng cho người rút tiền/lần rút được tiền; chi làm giả CMND 2,5 triệu đồng/chiếc. Ngoài ra, có chi phí đi lại rút tiền, chi phí mua sim điện thoại… Sau khi trừ chi phí nêu trên, số tiền thu được, Thanh và Nga sẽ chia nhau.

Theo phân công, Thanh làm giả file mềm và bản cứng CMND giả, chuẩn bị sim điện thoại. Nga tìm thuê người đi rút tiền. Việc lập tài khoản online và hộp thư điện tử, Thanh và Nga sẽ cùng làm.

Những người được Nga thuê “vào mặt” để gửi lên hệ thống vay vốn và tham gia rút tiền gồm các bị cáo Nguyễn Hồng Phương, Nguyễn Ánh Tuyết, Nguyễn Thị Vân Anh, Trần Thị Yến và Nguyễn Kiều Hưng.

Thanh và đồng phạm đã rút tiền tại nhiều bưu cục và các chi nhánh ngân hàng khắp 6 tỉnh Hoà Bình, Nam Định, Hưng Yên, Hà Nội, Thanh Hoá và Ninh Bình.

Trong vụ cuối cùng diễn ra ngày 11/6/2019, Thanh và Nga thuê bị cáo Hồng Phương cầm theo CMND giả, bản cứng, đến bưu cục VietNamPost tại huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định rút 33 triệu đồng. Cùng ngày, họ cũng thuê bị cáo Vân Anh cầm CMND giả đến một ngân hàng tại TP Nam Định rút 17,4 triệu đồng.

Rút xong hơn 50 triệu đồng, nhóm Thanh cùng nhau về Hà Nội nhưng bị Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) phát hiện. Tại nhà riêng của Thanh, cơ quan điều tra thu thêm 3 sổ hộ khẩu giả và 7 giấy CMND giả “chưa kịp sử dụng”.

Tang vật vụ án

Trong 31 ngày phạm tội, Thanh, Nga và các đồng phạm đã làm giả 36 CMND, trong đó 22 bản mềm và 14 bản cứng, để lừa trót lọt 22 vụ, chiếm đoạt của FE Credit tổng 602 triệu đồng, tức trung bình gần 20 triệu đồng mỗi ngày. Các vụ lừa đảo diễn ra cách nhau 1-3 ngày, song có những ngày, nhóm Thanh thực hiện liền 3 vụ.

Về người làm giả các bản cứng CMND phục vụ 22 vụ lừa đảo trên, công an cho hay, Thanh đã nhờ bị cáo Yến tìm người làm giả. Yến thuê Phạm Hồng Tiến (trú huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá).

Tiến hiện vắng mặt tại địa phương. Ngoài lời khai của Yến, không có tài liệu chứng cứ nào khác. Ngoài ra, người phụ nữ tên Lan, “cộng tác” lừa đảo với Thanh trước đó, cũng chưa xác định được nhân thân lai lịch. Cơ quan điều tra do đó cho hay, đã tách hồ sơ liên quan Tiến và Lan để xác minh, xử lý sau.

Cùng thủ đoạn làm giả CMND, một “nữ quái” khác bị TAND xét xử trong cùng vụ án là cựu nhân viên ngân hàng VPbank, Ngô Thị Ngọc Lan, 29 tuổi. Lan cũng là đồng phạm của Nga, cùng nhau lừa đảo 3 ngân hàng và công ty tín dụng bằng các giấy tờ giả.

Bản án xác định Lan lợi dụng vị trí làm việc, lấy cắp thông tin khách hàng đủ điều kiện, gồm bản sao CNMD, sổ hộ khẩu, bảo hiểm y tế… Lan sau đó cùng đồng phạm thuê làm giả giấy tờ trên, tìm người đóng giả khách đi đăng ký mở thẻ, thuê máy POS để rút tiền mặt qua thẻ tín dụng.

Các “khách” được ngân hàng phát hành thẻ tín dụng hạn mức 100-200 triệu đồng, hoặc được cho vay tín chấp 100-300 triệu đồng. Với thủ đoạn này, trong 6 tháng đầu năm 2019, nhóm Lan thực hiện 7 vụ lừa đảo, chiếm đoạt 1,36 tỷ đồng.

Trong vụ án, Nga tham gia đóng giả khách hàng, chụp ảnh của mình để làm giả CMND, giúp Lan chiếm đoạt 188 triệu đồng của một ngân hàng khác, được trả công 5 triệu đồng.

Hạ Băng

Bài mới
Đọc nhiều