Cách nhận biết đường lưỡi bò và mưu đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc
Thời gian gần đây, Trung Quốc đang lợi dụng sự phổ biến văn hóa của mình để xuyên tạc, cài cắm luận điệu sai trái về biển Đông bằng nhiều thủ đoạn nham hiểm, tinh vi một cách công khai.
Luận điệu xuyên tạc của Trung Quốc
“Đường lưỡi bò” phi pháp là một trong những luận điệu xuyên tạc phổ biến nhất của Trung Quốc thời điểm gần đây. Luận điệu này được Trung Quốc đưa ra từ lâu trong quá khứ nhằm xuyên tạc về quyền chủ quyền, quyền tài phán của khu vực biển Đông với mưu đồ độc chiếm vùng biển này.
“Đường lưỡi bò” phi pháp mà Trung Quốc tự đưa ra trong quá khứ từng có 9 đoạn, ngày nay trong nhiều tài liệu của Trung Quốc thậm chí còn ghi chép là 10 đoạn – nghĩa là bản thân Trung Quốc cũng “tiền hậu bất nhất” trong việc xuyên tạc này – vì vốn dĩ mọi sự thêu dệt đều không dựa trên sự thực nên đã gây ra sự bất nhất nực cười này.
Về cơ bản, đường lưỡi bò là sự xuyên tạc trắng trợn của Trung Quốc về lãnh thổ trên biển, ảnh hưởng tới quyền lợi trực tiếp của nhiều quốc gia trong khu vực. Việc xuyên tạc của Trung Quốc thậm chí còn bẻ cong cả lịch sử, phủ nhận hòa toàn những cuộc thám hiểm, chinh phục đại dương trong quá khứ của nhiều quốc gia Đông Nam Á trong đó có cả Việt Nam.
Trong quá khứ, thủ đoạn của Trung Quốc chỉ đơn giản là tuyên truyền trong nước về đường lưỡi bò hay còn được gọi là đường 9 đoạn. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã bắt đầu “xuất ngoại” những thủ đoạn này ra nước ngoài qua nhiều con đường. Lợi dụng sự phổ biến văn hóa của mình trên thế giới – đặc biệt ở những quốc gia lân cận, sự xuất hiện của đường lưỡi bò đang ngày một trở nên rộng rãi, tinh vi hơn.
Những thủ đoạn nham hiểm
Giống như nhiều vấn đề khác liên quan tới quyền chủ quyền và lãnh thổ của một quốc gia, khi nhắc tới lĩnh vực này tất cả mọi người đều rất thận trọng . Vậy nên, Trung Quốc đã xử dụng những thủ đoạn tinh vi hơn nhiều để “xuất ngoại” đường lưỡi bò của mình ra nước ngoài thay vì mang lên những diễn đàn chính thống để tranh luận – nơi mà mọi luận điệu xuyên tạc thường dễ bị bóp nghẹt ngay lập tức bởi những dẫn chứng chính xác và có căn cứ.
Cụ thể, bằng sự phổ biến của các sản phẩm văn hóa cũng như các phương tiện, thiết bị điện tử của mình, Trung Quốc đã cài cắm hình ảnh của đường lưỡi bò vào rất nhiều sản phẩm. Đây có thể coi là chiến thuật “mưa dầm thấm lâu”, phổ biến các luận điệu xuyên tạc, sai trái một cách… càng rộng rãi càng tốt để lâu dần, nhiều người sẽ lầm tưởng những luận điệu này là sự thật đơn giản chỉ vì chúng quá phổ biến.
Bằng chứng của việc này là các phần mềm chỉ đường, bản đồ của Trung Quốc luôn có sự xuất hiện của đường lưỡi bò, thậm chí trên nhiều ứng dụng di động do Trung Quốc tự sản xuất, đường 9 đoạn cũng xuất hiện không ít lần kể cả ở phiên bản sử dụng ở nước ngoài. Mới đây nhất, những bản đồ chỉ đường trên xe hơi do Trung Quốc sản xuất dùng để xuất khẩu ra nước ngoài cũng có sự xuất hiện của đường lưỡi bò. Nếu không cảnh giác và tinh ý, người dùng bình thường khó có thể phát hiện hoặc để mắt tới sự sai trái này.
Đặc biệt hơn, đường lưỡi bò không chỉ xuất hiện trên các sản phẩm dành cho người lớn mà còn xuất hiện trong cả phim ảnh, thậm chí là phim hoạt hình dành cho trẻ nhỏ. Đây là một “chiến thuật” cực kỳ nham hiểm vì trẻ em vốn dĩ chưa thể có đủ kiến thức để tự vệ trước những luận điệu sai trái này và ngược lại – trẻ em có khả năng ghi nhớ rất tốt – về lâu về dài trong tương lai hậu quả sẽ không thể lường trước được nếu như những luận điệu xuyên tạc này của Trung Quốc tiếp cận được với trẻ em trên khắp thế giới.
“Chống độc” đường lưỡi bò
Trong lĩnh vực truyền thông ngày nay, về cơ bản có hai kiểu thông tin đó là thông tin chính thống (news – tin thật) và tin giả (fake news). Việc phân biệt tin chính thống và tin giả vẫn luôn là điều khiến nhiều quốc gia phải đau đầu do sự phát triển bùng nổ của mạng internet khiến cho các thông tin – dù là thật hay giả cũng sẽ có tốc độ lan truyền cực nhanh.
Việc phân biệt luận điệu xuyên tạc về đường lưỡi bò thậm chí còn trên cả việc phân biệt tin giả một bậc. Đơn giản là vì các phương tiện truyền thông chính thống của Trung Quốc cũng mặc định “đường lưỡi bò” là một sự thật hiển nhiên, khiến cho việc ngay cả tin chính thống của quốc gia này cũng có nhiều phần “không phải sự thật”.
Cách đơn giản nhất là người tiếp cận thông tin, những độc giả hay thậm chí là các học giả phải tự trang bị kiến thức và tự bảo vệ mình. Các cơ quan truyền thông, cơ quan kiểm duyệt phải tỉnh táo ở mức tối đa để tránh sự “bỏ lọt” những hình ảnh ảnh hay thông tin sai lệch về đường 9 đoạn của Trung Quốc lọt qua khâu kiểm duyệt, tiếp cận được đến độc giả.
Đặc biệt là ở lứa tuổi thanh thiếu niên – lứa tuổi luôn tìm tòi, tò mò với cái mới, với văn hóa của nước ngoài nhưng chưa đủ trình độ, chưa đủ sự chín chắn để phân biệt cái đúng – sai, chưa đủ khả năng có thể phát hiện ra những thủ đoạn “cài cắm” tinh vi của nước ngoài trên các phương tiện thông tin đại chúng. Về vấn đề này, nhà trường cũng như các phương tiện truyền thông chính thống sẽ đóng vai trò quan trọng nhất, đảm bảo các luận điệu sai trái phải bị bẻ gẫy, giúp giới trẻ có đủ kiến thức, trình độ lý luận để bẻ gãy mọi luận điệu xuyên tạc của nước ngoài.
(Theo Kiến Thức)