Cách mạng tháng Mười Nga: Cuộc nổi dậy ở Petrograd đã được chuẩn bị như thế nào?
Cuộc nổi dậy vũ trang ở Petrograd vừa là đảo chính, vừa là cách mạng, bởi sau đó, nước Nga lập tức tiến vào công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa.
Ngày 7/11 là ngày kỷ niệm Cách mạng Xã hội chủ nghĩa Tháng mười Vĩ đại (CMT10). Trả lời phỏng vấn của kênh Mir24, Tiến sĩ khoa học Lịch sử, Viện sĩ Học viện Khoa học tự nhiên Nga cho chúng ta biết thêm về cuộc nổi dậy vũ trang tại Petrograd (Saint Petersburg ngày nay) đã được chuẩn bị như thế nào.
Ở Nga có 2 học vị tiến sĩ tương đương Tiến sĩ (Kandidat) và Tiến sĩ khoa học (Doktor Nauk) ở Việt Nam.
Tương tự, về học hàm có cấp từ thấp lên cao gồm: Phó giáo sư (Dosent), Giáo sư (Professor), Phó viện sĩ (Korrespondent), Viện sĩ (Akademik).
Học vị và học hàm của ông Vladimir Lavrov xếp vào bậc cao nhất trong nghiên cứu khoa học ở Nga.
Sự kiện diễn ra ngày 7/11/1917 là một cuộc cách mạng hay đảo chính?
Cả hai. Về hình thức, đó là một cuộc đảo chính, một cuộc đột kích. Cuộc sống tại Petrograd khi đó vẫn diễn ra bình thường – các cửa hàng, nhà hàng vẫn mở, đồng thời chính quyền bị thay đổi cùng lúc, và không phải theo cách mà Lenin đã dự tính – đầu tiên là đấu tranh kinh tế, sau đó phát triển lên đấu tranh chính trị và cuối cùng là khởi nghĩa vũ trang. Trên thực tế, đó là một cuộc tấn công.
Nhưng đồng thời, nó cũng là một cuộc cách mạng, bởi vì sau CMT10, sự biến đổi sang Xã hội chủ nghĩa của nước Nga gần như ngay lập tức diễn ra. Trong tháng 10/1917 (lịch cũ), tất cả các ngân hàng đều được quốc hữu hóa. Cách mạng Tháng 10 không diễn ra chỉ trong tháng 10 như chúng ta vẫn nghĩ, nó là một quá trình kéo dài ít nhất đến tháng 7/1918 – trước khi Hiến pháp Xô viết đầu tiên được thảo. Tất nhiên đó là một cuộc cách mạng, và vẫn có thể gọi là một sự kiện “náo động đỏ”. Nhưng cần phải xem xét sự kiện không chỉ vào tháng 10/1917, mà là cả quá trình từ 2/1917 tới tháng 11/1920 – đó là sự kiện kết thúc 100 năm bất ổn xã hội, và kết thúc những xung đột nội bộ của nước Nga.
Trotsky và Parvus có vai trò gì trong việc chuẩn bị cho cuộc nổi dậy vũ trang?
Parvus chưa từng có mặt ở nước Nga, ông ta giúp Lenin trở về Nga từ Thụy Sĩ qua ngả Đức, đây cũng là 1 sự kiện chúng ta thường tranh luận. Sự trợ giúp được chuyển qua Parvus – qua Đan Mạch, qua công ty bình phong của Parvus, qua Thụy Điển.
Nhưng ông ta không tham gia vào cuộc nổi dậy vũ trang và không chấp nhận điều đó, còn vai trò của Trotsky khá quan trọng. Ông ta đã xây dựng lên Ủy ban quân sự cách mạng, là cơ quan đã khởi động cho cuộc nổi dậy vũ trang và giành chính quyền. Quá trình này thực tế diễn ra rất hòa bình – các chính ủy tới những trung tâm điện thoại, điện tín, nhà ga – họ chiếm quyền kiểm soát chúng mà không làm đổ một giọt máu nào.
Quá trình này được Trotsky, khi đó là Chủ tịch Xô viết Công nhân và Chiến sĩ Petrograd dẫn dắt. Ông ta cực kỳ nổi danh, thậm chí đã có lúc còn được biết đến nhiều hơn cả Lenin. Lenin đã vắng mặt trong thời gian khá dài – đầu tiên là bị lưu đày, sau đó là hoạt động bí mật từ tháng 7 tới tháng 10/1917. Trotsky được biết đến nhiều hơn. Trotsky mới là người bắt đầu Cuộc nổi dậy vũ trang tháng 10. Lenin tới Petrograd vào tháng 10, ông ở tại nhà của nhà thơ Konstantin Fofanov và đợi Trotsky gọi tới Smolny – trụ sở của những người Bolshevik. Khi không có tín hiệu của Trotsky, Lenin không thể tùy tiện đến vì khi đó lệnh truy nã Lenin của chính quyền Sa hoàng vẫn còn hiệu lực.
Vì sao Trotsky không gọi Lenin? Tôi nghĩ rằng ông ta muốn tự mình lãnh đạo cuộc nổi dậy giành chính quyền. Khi Lenin đến, cuộc nổi dậy đã có tới 2 lãnh đạo, và Lenin hành động còn quyết đoán hơn Trotsky.
Vì sao người Đức lại giúp những người Bolsheviks?
Người Đức đang bị thua trong cuộc chiến (Thế chiến I). Parvus đã tới gặp các đặc vụ Đức và đề nghị phá sập nước Nga từ bên trong. Các lãnh đạo Đức đã chấp nhận đề nghị của Parvus và Parvus nêu ra rằng, Lenin là người có khả năng thành công nhất cho điều này. Đây là thực tế.
Có phải Trotsky đã tạo ra Ủy ban quân sự cách mạng mà không có sự tham gia của Lenin không?
Tôi nghĩ rằng không cần Lenin thì Trotsky vẫn chiếm được Cung điện Mùa đông. Cuộc đột kích đó không diễn ra như trên phim “Tháng 10” hay “Những quả chuông đỏ” mô tả – không có ai chạy qua Quảng trường Cung điện cả. Những người Bolshevik không liều chết chạy thẳng vào họng súng máy. Cung điện Mùa Đông không phải là 1 pháo đài. Những cánh cửa phía sông Neva vẫn mở. Những người chiếm cung điện đơn giản là đi vào qua những cánh cửa đó. Lúc đầu, số người xông vào còn ít, họ bị khống chế, nhưng khi có quá nhiều người xông vào được, họ đã chiếm giữ cung điện thành công. Số người chết không nhiều, chỉ khoảng 6 – 7 người.
Lenin có thể cũng đã kêu gọi binh sĩ từ Helsinki – đây là một phần khá là không rõ ràng của cuộc nổi dậy. Ai đã tham gia vào phần này? Tất nhiên đó có thể là người Nga, có thể là người Phần Lan, cũng có thể là những người theo chủ nghĩa dân tộc Phần Lan muốn nhân cơ hội tuyên bố độc lập cho Phần Lan. Đó cũng có thể là người Đức – cũng có những tài liệu thu được tại sở chỉ huy quân Đức đề cập đến việc khuyên những lính Đức bị bắt làm tù binh ở Nga nên ủng hộ đảng Bolshevik khi họ bắt đầu giành quyền lực.
Trên lãnh thổ Nga khi đó tất nhiên cũng có những đặc vụ chuyên nghiệp của Đức. Rất nhiều sĩ quan quân đội Sa hoàng của hạm đội Baltic đã bị sát hại rất gọn gàng, trong khi những người Bolshevik đang nổi dậy cùng lắm chỉ có thể bắn vài phát súng.
Liệu chính phủ lâm thời của Kerensky có cơ hội duy trì quyền lực dựa vào vũ lực cho đến khi họp quốc hội không?
Kerensky đã có cơ hội duy trì quyền lực, nhưng không phải nhờ quân đội. Trotsky nói rằng nếu như chính phủ lâm thời (Chính phủ tư sản thành lập sau Cách mạng Tháng 2) giao đất cho nông dân thì đã không xảy ra Cách mạng tháng 10. Nhưng tại sao những người dân chủ tư sản không tiến hành các chương trình cải cách của họ, bao gồm giao lại đất cho nông dân? Chiến tranh đang diễn ra, họ sợ cái gì? Nếu như đất được giao thì đội quân nông dân đã giải tán. Họ đã bị mất sự ủng hộ của nông dân và binh lính. Đó là một sai lầm rất lớn.
Kerensky còn gây mất lòng cả người Cossack, cấm họ tiến hành các nghi lễ tôn giáo. Đáng lẽ ông ta có thể điều động được một lực lượng lớn hơn nhiều để bảo vệ cung điện mùa Đông. Có lúc tôi cảm thấy ông ta chủ động chuyển gaio quyền lực.
Trong thời kỳ Xô Viết, người ta giải thích điều này bằng cách cho rằng Kerensky đã quá mệt mỏi, nhưng như thế là chưa đủ, vì đó không phải là hành động phục vụ lợi ích cho ông ta. Nhưng nếu chúng ta cứ coi như đây là lời giải thích đầy đủ, thì cũng có những bí ẩn trong quá trình chuyển giao quyền lực. Khả năng cao là ông ta phải chuyển giao nó cho Trotsky chứ không phải Lenin. Trong khi Lenin đã biến mất trong một thời gian dài, còn Trotsky là lãnh đạo của Xô Viết Petrograd.
Trong ngày diễn ra Cách mạng Tháng 10, báo New York Times đã xuất bản với một tấm ảnh lớn của Trotsky, viết rằng chính quyền do Trotsky đứng đầu đã thành lập. Đó có thể là một sai lầm báo chí đơn thuần, nhưng cũng có thể là tờ báo này đã được các đặc vụ Mỹ báo rằng một cuộc chuyển giao quyền lực như vậy đã được tiến hành.
Có vẻ rằng còn rất nhiều điều chưa sáng tỏ (về cuộc Cách mạng này). Chỉ có phần nổi của tảng băng chìm đã được biết đến, trong khi phần chìm lớn hơn nhiều vẫn còn là bí ẩn.
Thành Nhân/Mir24