+
Aa
-
like
comment

Cách mạng 4.0 con đường xây dựng đội ngũ cán bộ của Việt Nam

01/10/2019 17:14

Trong xu thế phát triển triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng 4.0, nền kinh tế tri thức, kinh tế số, sự bùng nổ của khoa học – công nghệ và sự cạnh tranh sức mạnh tổng hợp giữa các quốc gia diễn ra quyết liệt, việc xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Khi tình hình khu vực và thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế tri thức, sự phát triển thông tin truyền thông toàn cầu, chiến tranh mạng… sẽ đòi hỏi một thế hệ cán bộ “thực sự tiêu biểu về chính trị, tư tưởng, phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ và đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế”.

cong-nghiep4-0

Đội ngũ cán bộ cần hiện thực hóa tư duy thành hành động mang tính thuyết phục cao, có khả năng truyền cảm hứng và đặc biệt phải biết cách dùng người, nhất là các chuyên gia giỏi, có uy tín, được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng… Phải biết nắm bắt, quan sát toàn diện những diễn biến của thời cuộc, biết lắng nghe tiếng nói chung của hàng triệu nhân dân. Hơn ai hết, họ phải là những tấm gương mẫu mực về đạo đức và tài năng.

Những lời phát biểu rất trung thực, thẳng thắn, đầy sức thuyết phục của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong những năm qua, cùng với bài báo súc tích của Ủy viên Bộ Chính trị – Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đăng ngày 28/5/2018 về 5 quan điểm của Đảng chỉ đạo xây dựng đội ngũ cán bộ và đổi mới công tác cán bộ, cho thấy đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng, là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Quả thật, thời đại công nghiệp 4.0 đòi hỏi nghiêm cẩn, cấp bách đội ngũ cán bộ, những người giữ cương vị chủ chốt, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược do Trung ương quản lý phải đủ đức, tài ngang tầm nhiệm vụ.

Khi xây dựng đội ngũ cán bộ trong thời đại 4.0 thì việc lấy đạo đức làm gốc vẫn là yếu tố quan trọng nhất. Không có đức không thể thành người tốt, tin cậy. Nhưng phải “vừa hồng vừa chuyên”. Có đức mà không có tài không thể làm nên việc lớn. Ngược lại, có tài mà không có đức, sẽ không lãnh đạo được nhân dân, thậm chí còn gây tội lỗi có hại cho Đảng, đất nước và nhân dân. Đồng thời, đức và tài phải ngang tầm chức trách, nhiệm vụ. Nếu không, sẽ không mang lại hiệu quả lãnh đạo cao của Đảng, không đưa được đất nước phát triển nhanh, mạnh, bền vững.

Sinh thời, hầu như trọn đời mình, Bác Hồ kính yêu đặc biệt quan tâm công tác đào luyện cán bộ, coi trọng nhân tài.

Bác căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”. “Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Vì vậy, Đảng phải nuôi dạy cán bộ như làm vườn vun trồng những cây cối quý báu nhất. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người cho công việc chung của chúng ta”. “Vấn đề cán bộ là một vấn đề rất trọng yếu, rất cần kíp. Cách đối với cán bộ là một điều trọng yếu trong sự tổ chức công việc. Cách đối với cán bộ có khéo, có đúng thì mới thực hiện được nguyên tắc: “Vấn đề cán bộ quyết định mọi việc”. “Cán bộ tốt, việc gì cũng xong””.

Đã hơn 70 năm trôi qua, nhưng những lời căn dặn của Bác vẫn giữ nguyên giá trị thời sự nóng bỏng cho hôm nay, là kim chỉ nam cho hành động của Đảng ta trong kỷ nguyên cách mạng 4.0 và lâu dài về sau.

Cũng chưa có quãng thời gian nào như sau Đại hội toàn quốc khóa XII, vào giữa tháng 5/2018, Đảng đã tổ chức Hội nghị Trung ương 7, bàn bạc rất kỹ càng, thấu đáo, toàn diện chuyên đề về công tác cán bộ trong thời kỳ mới.

Để xây dựng đội ngũ cán bộ, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0, Đảng Cộng sản Việt Nam xác định cần đổi mới tất cả các khâu của công tác cán bộ: từ tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, điều động, luân chuyển, kiểm tra, đánh giá,…Qua quá trình đào tạo, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đã đạt được những kết quả tích cực. Sự tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ của đất nước có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ cán bộ, công chức.

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu thảo luận là các giải pháp về quy hoạch, đào tạo, chiến lược thu hút, bố trí, thu hút sử dụng cán bộ, công chức chất lượng cao. Để sẵn sàng tiếp nhận và ứng phó với những tác động sâu sắc của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, điều quan trọng đối với công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ là “kiến thức – khả năng sáng tạo và bản chất đạo đức cách mạng”. Trong làn sóng mới của công nghiệp hóa và hiện đại hóa, việc đào tạo và bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ lãnh đạo – quản lý chủ chốt phải coi tiêu chuẩn sự am hiểu về đường lối, chính sách của Đảng, coi quan điểm lập trường chính trị và đạo đức nhân phẩm là ưu tiên và coi kiến thức, khả năng đổi mới, sáng tạo, sự cố gắng nỗ lực và phong cách làm là quan trọng.

Rõ ràng, “chúng ta nói Chính phủ điện tử, Chính phủ 4.0 là phải có con người 4.0. Nếu chúng ta đưa ra mục tiêu như thế thì cán bộ, công chức, viên chức phải có tiêu chuẩn 4.0 mới được vào đây. Chúng ta xây dựng thể chế nào, công nghệ nào có người đó” . Một việc cấp thiết hàng đầu là cần đổi mới phương thức đào tạo để cho “ra lò” những cán bộ có đầy đủ kĩ năng, nghiệp vụ chuyên môn của kỷ nguyên số là điều được đặt lên hàng đầu.

Để đáp ứng nhu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì phải xây dựng được một ý thức công vụ của từng cán bộ, công chức gắn với mục tiêu phát triển của địa phương và quốc gia; biết xử lý nhanh thông tin, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin.

Muốn xây dựng đội ngũ cán bộ chất lượng cao, đầu tiên là phải khơi dậy được trí tuệ của đội ngũ cán bộ với khát vọng cống hiến, xả thân vì sự phát triển của đất nước, dân tộc và không thể không có đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên một cách đúng nghĩa.

Trong cách mạng 4.0, cán bộ không chỉ nắm vững lý luận chính trị, chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mà phải có tư duy sáng tạo, vận dụng lý luận vào thực tiễn một cách hiệu quả, tiếp nhận và vận dụng thành quả khoa học công nghệ của nhân loại vào phát triển đất nước.

Cán bộ phải là những người có tầm nhìn xa trông rộng, nhất là trong thời đại 4.0, nếu không nhanh, không linh hoạt tiếp cận với những cái mới thì sẽ rất nhanh chóng bị đẩy lùi về sau. Muốn nhìn xa để khỏi buồn gần trong thời đại ngày nay phải có ngoại ngữ, phải am hiểu công nghệ thông tin, biết ứng dụng kết nối và lan tỏa, phải đi nhiều để tổng kết thực tiễn, dũng cảm so sánh với bạn bè quốc tế, từ đó định vị đúng mình, xem mình là ai? Mình đang ở đâu? Và mình phải làm gì để sánh vai với các cường quốc 5 châu – Phải hiểu: Một cán bộ quyết đoán là một cán bộ đoán được tương lai để quyết đúng. Đó chính là tiêu chuẩn trí tuệ.

Một cán bộ có tài là một cán bộ luôn tìm cách tiếp cận, giao việc để phát hiện đúng nhân tài, đào tạo, quản lý, sử dụng và bảo vệ nhân tài, phải sử dụng người được việc, chứ không phải người được lòng. Bởi suy đến cùng người có tài là người biết tập hợp mọi cái tài của người khác. Không tập hợp được người tài cũng đồng nghĩa là người bất tài. Tập hợp được người tài là tiêu chuẩn cao nhất, cần nhất của người lãnh đạo.

Tuy nhiên, thực tế có thể thấy đội ngũ cán bộ, công chức vẫn chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đặt ra, số lượng đông nhưng không mạnh, năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế, thái độ phục vụ chưa chuẩn mực…

Bên cạnh đó, công tác quan tâm bồi dưỡng, đào tạo cán bộ một cách có hệ thống nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Tình trạng cán bộ có kinh nghiệm về chuyên môn, nghiệp vụ, về ngoại ngữ, về nghiên cứu khoa học và những người có thể sử dụng, ứng dụng kỹ thuật mới vào trong sản xuất, kinh doanh và vào trong cuộc sống vẫn còn có số lượng rất hạn chế.

Cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra cho nước ta phải có những quyết sách mang tính đột phá về nhân lực để giải bài toán cho tăng trưởng và phát triển ở hiện tại và tương lai. Bên cạnh việc đón đầu ứng dụng các thành tựu công nghệ mới nhất để xây dựng hạ tầng đô thị thông minh trên nền tảng công nghệ số, công nghệ thông minh, thì xây dựng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực, cán bộ cho hệ thống chính trị là một nhiệm vụ ưu tiên.

Đinh Lực

Bài mới
Đọc nhiều