+
Aa
-
like
comment

Cách mạng 4.0, cơ hội để Việt Nam bứt phá

04/10/2019 05:59

Lần đầu tiên một diễn đàn về công nghệ đã quy tụ hàng nghìn doanh nghiệp, chuyên gia để định hình một cách rõ ràng nhất về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình cùng các đại biểu tham quan khu triển lãm tại diễn đàn /// Ảnh: Ngọc Thắng
Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình cùng các đại biểu tham quan khu triển lãm tại diễn đàn

Các ý kiến đều đi đến thống nhất, với đột phá từ chủ trương của Đảng, toàn xã hội quyết tâm hành động nắm lấy “cơ hội vàng” này, VN hoàn toàn có thể bứt phá, vươn tầm thế giới.

Những nội dung trên được thảo luận trực tiếp tại Diễn đàn cấp cao và triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 năm 2019 diễn ra ngày 3.10, do Ban Kinh tế T.Ư cùng nhiều bộ, ngành tổ chức.

Trước đó, cũng cần phải nhắc tới Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị – một nghị quyết mà theo Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình là toàn diện, tổng thể đầu tiên của Đảng về chủ trương, chính sách của VN tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (gọi tắt CMCN 4.0) được hệ thống chính trị và toàn xã hội đón nhận tích cực, nhiều chuyên gia quốc tế và trong nước đã đánh giá cao.

Cách mạng 4.0, cơ hội để Việt Nam bứt phá - ảnh 1
Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình trao đổi với các doanh nghiệp tại diễn đàn

“Bỏ tư duy cứ làm tốt 0.4 đi đã”

Cuộc cách mạng 4.0 có nhiều đặc trưng,  nhưng trong đó có điểm chắc chắn là nó sẽ diễn ra hết sức khó đo đếm trước, khó lường. Và vì thế, cần phải có được những con người sẵn sàng tận dụng được các thời cơ, tránh những rủi ro và đặc biệt là để sẵn sàng thích ứng, có những giải pháp linh hoạt với những thay đổi mà hôm nay chúng ta không lường được

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam

Trước câu hỏi của các doanh nghiệp về nội chung chính của nghị quyết, ông Nguyễn Văn Bình cho biết, cuộc CMCN 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống trên toàn thế giới. VN cũng không ngoại lệ, tuy nhiên với một xuất phát điểm còn thấp nên còn không ít khó khăn, thách thức. Từ đó làm xã hội nảy sinh nhiều tư tưởng, suy nghĩ khác nhau. Đặc biệt, có những tư tưởng bàng quan, thụ động, thậm chí hết sức tự ti cho rằng đây là một cuộc cách mạng của ai đó.

“Thậm chí có những ý kiến cho rằng, chúng ta làm tốt 0.4 đi đã, cớ gì mà nhanh chóng vội vàng làm 4.0. Bên cạnh đó cũng có những tư tưởng, suy nghĩ còn thể hiện sự chủ quan nóng vội, thậm chí duy ý chí, cái gì cũng nói đến 4.0, coi rằng 4.0 xử lý tất cả mọi việc mà không tính đến những mặt trái, những hệ lụy, những tác động tiêu cực mà cuộc cách mạng này có thể mang đến”, ông Bình nhấn mạnh và lưu ý, những ảnh hưởng đó là trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc phòng… Do đó, nghị quyết này của Đảng ra đời được đánh giá hết sức đúng lúc, thể hiện rõ trí tuệ, tầm nhìn bản lĩnh và khát vọng quyết tâm của toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội trong việc chủ động tích cực tham gia CMCN 4.0.

Có nhiều nội dung, tuy nhiên bao trùm hơn cả theo Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình là Đảng xác định việc chủ động tích cực tham gia CMCN 4.0 như một yêu cầu tất yếu khách quan; nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, đặc biệt quan trọng vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội gắn với quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu sắc của đất nước. “Tôi xin nhấn mạnh từ “quyết tâm” đổi mới tư duy, đổi mới hành động và coi việc đổi mới tư duy, đổi mới hành động là khâu đột phá để đất nước chúng ta có thể chủ động tích cực tham gia cuộc cách mạng 4.0”, ông Bình nói.

CMCN 4.0 không chỉ mang lại cơ hội mà cả thách thức, qua tiếp xúc với các học giả, ông Bình khẳng định, nhiều ý kiến ví đây là cơ hội vàng, chìa khóa vạn năng đối với các nước đang phát triển. Nếu tận dụng được, VN sẽ đi tắt đón đầu để bắt kịp, sánh cùng, đi cùng và ở một số khâu mà chúng ta có lợi thế thì phải cố gắng tạo sự bứt phá vươn lên. Bên cạnh đó, bản chất của cuộc cách mạng chính nằm ở thể chế, do vậy phải có sự thay đổi mạnh mẽ về thể chế. Đặc biệt cách tiếp cận mở, sáng tạo và mạnh dạn cho làm thí điểm.

Sẵn sàng chủ động với CMCN 4.0, không chủ quan nhưng cũng không tự ti, theo ông Bình chỉ khi nào toàn xã hội quyết liệt đồng tình tham gia thì cuộc cách mạng này mới thành công. Nhưng nếu thiếu vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước sẽ hết sức chệch choạc. “Do vậy phải có sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước nhưng với tinh thần đổi mới như tôi đã nói ở trên sẽ làm cho quá trình chủ động tích cực tham gia cách mạng 4.0 của đất nước chúng ta mới thực sự lành mạnh, mới thực sự đúng đắn, và thực sự rút ngắn được thời gian”, ông Bình khép lại phần trả lời để nhường lại cho Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng tiếp tục câu hỏi thứ hai.

Phải đi nhanh và đi đầu

Từ trước đến nay chúng ta vẫn có tư duy quản lý theo lối mòn, cái gì chúng ta chưa quản lý được hoặc không quản lý được thì chúng ta cấm. Như vậy làm gì còn đổi mới sáng tạo và nói đến cùng sẽ không thể có CMCN 4.0. Nếu chúng ta vẫn tiếp tục với cách tư duy như thế để quản lý kinh tế và quản lý xã hội thì khi cuộc cách mạng 4.0 sẽ tràn qua, chúng ta sẽ là người bị bỏ rơi ở phía sau

Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, cơ hội để VN bứt phá trong cuộc CMCN 4.0 nằm ở nòng cốt chuyển đổi số. “Đây là một cuộc cách mạng vĩ đại của loài người. Và đây là lần đầu tiên loài người bước vào một thế giới khác. Sẽ xuất hiện kinh tế số và xã hội số. Và chỉ lúc này thì các công nghệ số mới phát huy hết sức mạnh của nó. Cả sức mạnh xây dựng và sức mạnh hủy diệt”, ông Hùng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Bộ TT-TT cũng cho rằng, VN có lợi thế của các nước đi sau, vì sự chuyển đổi nhận thức này không phụ thuộc vào cơ sở vật chất mà một nước đang sở hữu. Các nước đi sau ít gánh nặng của quá khứ, cả về hạ tầng vật chất và thể chế, cả về năng lực cạnh tranh của thời cách mạng 2.0 và 3.0. Những gánh nặng quá khứ này có thể lại là cản trở cho cách mạng 4.0, vì 4.0 cần năng lực cạnh tranh mới, hạ tầng mới, thể chế mới. Tuy nhiên, những thay đổi này mang tính toàn diện, đến từng doanh nghiệp, từng tổ chức, đến từng người dân, đến mọi lĩnh vực. VN muốn thay đổi thứ hạng trên thế giới thì phải đi nhanh và đi đầu để có lợi thế cạnh tranh.

“Vậy ai sẽ là hạt nhân của quá trình chuyển đổi này? Đó chính là hàng trăm nghìn doanh nghiệp công nghệ số, ICT của VN. Và cũng chính chuyển đổi số sẽ thúc đẩy Make In Vietnam để từ đây đi ra toàn cầu”, ông Hùng nói và lưu ý thêm, nếu 100% người VN có điện thoại thông minh cũng sẽ là một yếu tố quan trọng thúc đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia. Phương án sớm tắt sóng công nghệ 2G đã được Bộ TT-TT nghiên cứu.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, người từng có nhiều năm kinh nghiệm “thực chiến” và quản lý lĩnh vực công nghệ, gói gọn trong hai vấn đề khi được doanh nghiệp hỏi về việc triển khai của Chính phủ. Thứ nhất, dù có cách mạng 4.0 hay không thì vẫn phải quyết tâm làm.

“Một điều quan trọng mà Chính phủ, Thủ tướng rất mong muốn là làm quyết liệt hơn nhưng thiết thực, đúng vào những thứ đang cần. Không cần quá “đao to búa lớn”, không cần tranh luận nhiều về các khái niệm mà cần làm nhiều từ những hành động rất cụ thể như đã làm trong 1 năm vừa qua”, ông Đam nói và lưu ý cần phải quyết tâm tiếp tục làm tốt hơn nữa việc cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, theo như Chính phủ đã nêu rõ trong các Nghị quyết 01, 02 ban hành hồi đầu năm nay.

Việc quan trọng thứ hai cần phải được làm tốt, theo Phó thủ tướng chính là vấn đề nhân lực, con người. “Cuộc cách mạng 4.0 có nhiều đặc trưng, nhưng trong đó có điểm chắc chắn là nó sẽ diễn ra hết sức khó đo đếm trước, khó lường. Và vì thế, cần phải có được những con người sẵn sàng tận dụng được các thời cơ, tránh những rủi ro và đặc biệt là để sẵn sàng thích ứng, có những giải pháp linh hoạt với những thay đổi mà hôm nay chúng ta không lường được”, Phó thủ tướng khẳng định.

(Theo Thanh Niên)

Bài mới
Đọc nhiều