‘Cách ly xã hội nghiêm túc sẽ mở ra cơ hội phục hồi kinh tế nhanh’
Chuyên gia cho rằng nếu thực hiện nghiêm cách ly xã hội trong giai đoạn này, bệnh dịch sẽ sớm được kiểm soát, mở ra tương lai phục hồi kinh tế khi các hoạt động trở về bình thường.
“Khởi động thời kỳ khắc phục khó khăn” được coi là một dấu mốc mới mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa thông báo trong cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 8/4. Nhiều chuyên gia đánh giá Việt Nam đang ở giai đoạn quyết định chống dịch, cũng là giai đoạn quan trọng để tính đến phục hồi kinh tế sau dịch.
Sáng nay (10/4), Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc với các địa phương, trong đó một trong những nội dung trọng tâm là phục hồi kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
Các chuyên gia cho rằng, muốn phục hồi kinh tế nhanh thì phải kiểm soát được dịch bệnh. Song song là các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp cầm cự và kích thích kinh tế.
Muốn phục hồi thì phải bảo toàn “Cái cây phải giữ được bộ rễ thì sau này mưa xuống mới phát triển được”, đó là câu ví von mà TS Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, chia sẻ để nói về việc cấp bách mà Chính phủ cần làm lúc này là cứu các doanh nghiệp không bị phá sản, sụp đổ.
Theo ông, muốn phục hồi kinh tế sau dịch thì nhiệm vụ quan trọng nhất bây giờ phải là bảo toàn được các doanh nghiệp.
“Hạn chết thấp nhất số doanh nghiệp chết, sụp đổ lúc này. Giữ được họ thì qua dịch mới có thể phục hồi”, ông nói.
TS Trần Du Lịch cho rằng dịch Covid-19 đang gây ra sự gãy đổ của chuỗi sản xuất và lưu thông, khiến nhiều doanh nghiệp, nhất là nhỏ và vừa, đứng trước nguy cơ gãy đổ. Ông đánh giá cao Chính phủ đã đưa ra một số biện pháp kịp thời trong giai đoạn “bảo toàn” này để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp.
“Hạn chết thấp nhất số doanh nghiệp chết, sụp đổ lúc này. Giữ được họ thì qua dịch mới có thể phục hồi được”
Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng
Điển hình như Chỉ thị 11 của Thủ tướng giúp tháo gỡ khó khăn toàn diện cho doanh nghiệp. Ngoài ra, Nghị định 41 vừa được ký ban hành cũng sẽ giúp giãn thuế, tiền thuê đất cho khoảng 98% doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh trên cả nước. Điều này là rất kịp thời để tránh các doanh nghiệp gặp khủng hoảng về dòng tiền, dẫn đến phá sản.
Đồng tình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM Trần Hoàng Ngân cho rằng không chỉ giữ được doanh nghiệp trong lúc này, mà còn cần phải giữ được lực lượng lao động. Ông phân tích, nếu các doanh nghiệp gặp khó khăn sẽ dẫn đến chảy máu chất xám, người lao động nghỉ việc. Sau đó, dịch bệnh qua đi, doanh nghiệp muốn tăng nhanh sản xuất mà không có nguồn lao động thì cũng rất khó khăn.
Ông nhắc đến gói an sinh xã hội 62.000 tỷ mà Chính phủ chuẩn bị ban hành sẽ giải quyết khó khăn phần nào cho hàng chục triệu lao động, đối tượng chính sách trong xã hội. Gói này cũng là “một mũi tên bắn trúng 2 đích” khi giúp duy trì tổng cầu cho nền kinh tế, giúp các doanh nghiệp cũng có thể duy trì được sản xuất ở mức độ nhất định.
Vị đại biểu Quốc hội mong muốn trong thời gian này, doanh nghiệp tận dụng thời cơ để cơ cấu lại chính mình, sắp xếp bộ máy, tổ chức, rà soát khoản chi không cần thiết, hoạch định chiến lược phát triển, bồi dưỡng trình độ nghiệp vụ cho người lao động từ xa, viết lại phần mềm quản lý…
Tăng trưởng phụ thuộc vào thời gian cách ly xã hội TS Trần Du Lịch cho rằng kết quả tăng trưởng năm 2020 sẽ phụ thuộc lớn vào những nỗ lực của Chính phủ từ nay đến cuối năm. Ông nhấn mạnh giải ngân đầu tư công đang là một trong những kênh hiệu quả và quan trọng nhất giúp kích thích nền kinh tế sau dịch. Vốn đầu tư những công trình trọng điểm sẽ có sức lan tỏa lớn đến cộng đồng doanh nghiệp.
Đồng tình, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân dẫn ra việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 8/4 đã làm việc với lãnh đạo Đồng Nai để thúc giải ngân vốn đầu tư các dự án trọng điểm tại đây, trong đó nổi bật là dự án sân bay Long Thành. Có thể nói Đồng Nai đang là một trong những tỉnh “gánh” áp lực giải ngân vốn đầu tư lớn nhất hiện nay.
Hiện tại, các khoản vốn đầu tư công chưa giải ngân, vốn ODA, vốn các công trình trọng điểm là khoảng 700.000 tỷ đồng (30 tỷ USD). Đây được coi là số tiền khổng lồ có thể kích thích kinh tế.
Ông Trần Hoàng Ngân cũng cho rằng sau khi dịch kết thúc, chính sách tiền tệ là động lực quan trọng nhất giúp phục hồi. Chính sách sẽ hỗ trợ kiểm soát cung tiền cho nền kinh tế với lãi suất thấp. Để tránh nợ xấu, thì cần cho vay những ngành, lĩnh vực đem lại tăng trưởng bền vững, giúp ổn định kinh tế vĩ mô.
TS Trần Du Lịch thì nhấn mạnh tăng trưởng phụ thuộc lớn vào cách ly xã hội. Nếu cách ly càng dài thì sức chịu đựng của nền kinh tế càng kém đi. Do đó, Việt Nam cần thực hiện nghiêm việc cách ly xã hội, tạo điều kiện kiểm soát dịch bệnh.
“Phải chuẩn bị một tâm thế “sống chung với dịch bệnh”, thực hiện “kinh doanh an toàn”
Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI
Khi dịch bệnh đã được kiểm soát, hoạt động kinh tế bình thường trở lại giúp phục hồi nhanh và sẽ cao hơn.
“‘Cách ly xã hội nghiêm túc sẽ mở ra cơ hội phục hồi kinh tế nhanh, tạo niềm tin cho doanh nghiệp khi phục hồi”, ông nói.
Một cách cẩn trọng hơn, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng không ai biết được bao giờ dịch bệnh sẽ qua đi khi vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Ông đề xuất Chính phủ phải chuẩn bị một tâm thế “sống chung với dịch bệnh”, thực hiện “kinh doanh an toàn”, nghĩa là kinh doanh trong điều kiện bảo đảm các yêu cầu giãn cách xã hội phải là giải pháp của các doanh nghiệp và nền kinh tế trong thời đại dịch.
Hiếu Công/ZN