+
Aa
-
like
comment

Cách ly toàn xã hội 15 ngày, mỗi người chúng ta được gì và mất gì?

Bảo Trâm - 01/04/2020 17:03

Dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều người than trời than đất vì bị nghỉ việc không lương trong 15 ngày nhằm tránh dịch. Mất lương, mất sự tự do…nhưng những mất mát đó có là gì nếu dịch được đẩy lùi và tất cả chúng ta có được một sức khỏe dồi dào cho cả hành trình dài phía trước.

Trong chỉ thị ban hành sáng 31/3 về phòng chống Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cách ly trên toàn quốc, không tập trung quá 2 người nơi công cộng, từ 0h ngày 1/4 và kéo dài trong 15 ngày. Đây thật sự là biện pháp triệt để giúp cả nước vượt qua được cơn đại dịch này.

Kể từ khi Châu Âu bùng dịch, Việt Nam ảnh hưởng không nhỏ vì số ca nhiễm từ nguồn lây từ Châu Âu tăng nhanh một cách chóng mặt. Nhiều doanh nghiệp nhà nước, tư nhân đến những người dân bình thường đều bị ảnh hưởng.

Doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, cửa hàng không thể hoạt động khiến nhiều người rơi vào cảnh mất việc, nghỉ việc không lương trong vòng 2 tuần… nhưng tất cả là để đảm bảo được sức khỏe của chính bạn và người thân trong giai đoạn này.

Hàng quán buộc phải đóng cửa vì Covid-19

Bị buộc nghỉ không lương trong 2 tuần trong tổng số 52 tuần làm việc của cả năm, bạn chỉ mất đi 3.84% thu nhập so với năm cũ (2/52X100%=3.84%), ví dụ mỗi tháng bạn được nhận mức lương 10 triệu đồng, 1 năm là 120 triệu đồng thì thời điểm dịch bệnh này khiến bạn mất đi 5 triệu đồng. 5 triệu đồng nhưng đổi lại bạn có sức khỏe và thời gian chiêm nghiệm lại cuộc sống của chính mình.

Còn đối với những doanh nghiệp, mọi thứ không chỉ dừng lại ở 3.84% kia mà còn nhiều hệ lụy khôn lường mà chúng ta khó lòng biết được. Đơn cử như tiền mua vật liệu, chi phí vận hàng máy móc, nhân công, mặt bằng…. nhưng tất cả hàng hóa này đều bị lưu giữ lại.

Lẽ ra mỗi tháng thu về ít nhất 100-200 triệu đồng. Thời điểm dịch bệnh, doanh thu 50 triệu đồng có khi cũng là con số ước ao để duy trì doanh nghiệp. Tiền thu về ít nhưng các chi phí, thuế, lương, mặt bằng, điện nước, nợ ngân hàng….vẫn đè nặng lên vai các doanh nghiệp. Nhiều nơi, vì không thể trụ qua thời gian này mà tuyên bố phá sản.

Nghành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề nhất

Dịch Covid-19 có nguy cơ đẩy nền kinh tế thế giới vào một giai đoạn suy thoái trầm trọng nhất trong lịch sử hiện đại. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng không kém nhưng vì sự an toàn của người dân, miếng cơm manh áo của đồng bào, Chính phủ đã liên tục có nhiều chính sách, biện pháp hạn chế sự lây lan mặc cho những biện pháp đó tổn hại đến nền kinh tế nước nhà như thế nào.

Từ lúc Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, Chính phủ đã chi ra hàng trăm, nghìn tỷ để đối phó với dịch như: miễn phí cách ly, điều trị với toàn bộ người dân.

Nhận thấy tình trạng khó khăn của người dân vì dịch bệnh mà thất nghiệp, giảm thu nhập, trong cuộc họp Thường trực Chính phủ bàn về những nội dung gồm các kịch bản ứng phó dịch COVID-19, Chính phủ đã đưa ra các gói hỗ trợ lên đến 30.000 tỉ đồng.

Cụ thể, trong 3 tháng tới, những người nghèo, lao động không có hợp đồng hoặc thất nghiệp sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng. Người dân có hợp đồng lao động, việc làm nhưng bị nghỉ hoặc giảm thu nhập sẽ được nhà nước hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng.

Trước đó, Nhà nước cũng có những biện pháp để cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn do dịch Covid-19 như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ vay nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Bộ trưởng Bộ Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung từng cho biết Nhà nước sẽ làm hết sức mình, cho vay không lãi đến khi kinh tế ổn định để doanh nghiệp có thể vượt qua được giai đoạn khó khăn này.

Tất cả đã cho thấy nỗ lực của nhà nước như thế nào để giúp người dân, doanh nghiệp Việt Nam lèo lái qua cơn khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử vì dịch bệnh.

Với một nước đang phát triển, trang thiết bị y tế vẫn còn thiếu nhiều nhưng Việt Nam luôn tự hào vì chưa có ca tử vong nào vì dịch Covid-19, bằng bất cứ giá nào cũng phải đảm bảo an toàn tính mạng dân, cho đồng bào mình.

Có lẽ chúng ta mất đi nhiều thứ vì 2-3 tuần ở nhà chống dịch, mất đi một số lương trong quỹ lương hằng năm, nhưng nếu nhìn xa hơn đó có thể được xem là trải nghiệm giúp ta nhìn nhận lại cuộc sống, bản thân để thêm yêu quý sức khỏe, gia đình và đặc biệt là thêm yêu quý đất nước vì lợi ích người dân làm tất cả có một không hai này.

Khi bạn nhìn nhận mọi việc theo hướng khác, bạn sẽ hiểu ra ngoài những nỗi lo lắng, âu sầu vì dịch bệnh, bạn còn có cơ hội học hỏi thêm rất nhiều điều: những bữa ăn gia đình bao lâu ta quên mất, những cuốn sách dở dang vì những buổi tụ tập bạn bè và thứ đáng quý nhất chính là sức khỏe mà không số tiền nào có thể mua được.

Sức khỏe cũng chính là thứ mà Chính phủ, Nhà nước, các đội ngũ y tế, Bộ đội, công an đang ngày đêm cố sức chống dịch để gìn giữ cho mọi người và cả bạn nữa.

Nhà nước cung cấp lương thực cho khu cách ly Trúc Bạch

Chúng ta vẫn thường nói “sau cơn mưa trời lại sáng”, qua mùa dịch này mọi thứ sẽ lại được bắt đầu lại tươi sáng, rạng rỡ hơn bù đắp cho những mất mạng mà con virus chết người corona kia gây ra thôi.

Hôm qua, Văn phòng Trung ương Đảng vừa phát đi lời kêu gọi của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi đồng bào, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài: “Chung sức, đồng lòng để chiến thắng đại dịch COVID-19”.

Đúng vậy, tất cả chúng ta chỉ cần toàn dân một lòng, nghe theo hướng dẫn chỉ đạo của Bộ Y tế, Chính phủ thì chắc chắn cơn đại dịch sẽ qua đi nhanh chóng.

Chỉ là tự cách ly 15 ngày, chẳng có gì đáng sợ hết!

Bảo Trâm

Bài mới
Đọc nhiều