30 người trốn chạy, đề nghị cách ly cô lập Đà Nẵng, và những nơi tương tự
13g ngày 26-7, Đà Nẵng đã tái áp dụng biện pháp cách ly xã hội, học sinh được nghỉ học, người dân không tập trung quá 30 người nơi công cộng, dừng hoạt động lễ hội, tôn giáo, dịch vụ kinh doanh không cần thiết, dừng đón khách đến Đà Nẵng trong 14 ngày. Một kíp y bác sĩ hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy, cũng đã được cử đến Đà Nẵng hỗ trợ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid bởi bệnh nhân chuyển biến nhanh và nặng. Một cuộc chiến mới lại bắt đầu, sau khi gần 3 tháng Việt Nam không có ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.
Trong diễn biến dịch Covid-19 bùng phát trở lại, những ngày qua, Công an TP.Đà Nẵng liên tục phát hiện người Trung Quốc nhập cảnh trái phép, nhập cảnh lậu vào Việt Nam, dưới sự tiếp tay của người Việt trong nước. Cùng với việc, số người nhiễm Covid-19 tại Đà Nẵng đã lên con số 3, và có 1.079 trường hợp tiếp xúc trực tiếp (F1) và gián tiếp (F2) với bệnh nhân 416. Quảng Ngãi cũng đã có ca nhiễm Covid-19 do đi từ Đà Nẵng về.
Đáng lo ngại nhất là, hôm nay, 27-7, Bác sĩ Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, có 30 người bỏ trốn khỏi Bệnh viện Đà Nẵng và lãnh đạo bệnh viện đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng phối hợp chỉ đạo việc giám sát các trường hợp này.
Câu hỏi đặt ra là, phải chăng nên cách ly cô lập Đà Nẵng, và thực hiện tương tự với những nơi khác, nếu như trường hợp diễn ra như ở Đà Nẵng?
Tốc độ lây lan của virus Corona quá khủng khiếp, nó không biết chọn để lây cho người giàu hay người nghèo, càng không thể có chuyện dùng tiền để mua sự sống, mua lấy sự ưu tiên khi cả cộng đồng đã bị lây nhiễm. Trong diễn biến hiện tại, những địa phương sát Đà Nẵng như Thừa Thiên Huế cũng đã kích hoạt 23 đội phản ứng nhanh chống dịch bệnh. Cả guồng máy chống dịch từ Trung ương đến địa phương, ngay cả đầu tàu kinh tế cả nước như TP.HCM cũng họp khẩn, cùng vào cuộc, lãnh đạo các cấp chính quyền đều phải căng mắt ra mà theo dõi sát sao, chỉ đạo từng phút giây, ứng phó với dịch bệnh.
Có câu sóng sau cao hơn sóng trước, trận đánh giặc – chống Covid-19 lần hai này có thể bùng phát bất cứ lúc nào, đặc biệt là khi ca nhiễm trong cộng đồng đã đến con số 4. Với tình hình căng thẳng đã và đang diễn ra tại Đà Nẵng, những ngày tới diễn biến sẽ càng nóng hơn, và nếu dịch bệnh xảy ra trong cục bộ, cơ quan chức năng nên tính tới việc cô lập địa phương này hoặc vài địa phương lân cận.
Trong điều kiện hiện nay, kinh tế đất nước đang phục hồi, đời sống nhân dân đang trở lại, không thể để dịch bệnh xảy ra ở một điểm, làm ảnh hưởng đến cả nước.
Thái Thanh