Cách hình thành tập đoàn kinh tế mạnh
Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV có rất nhiều ý kiến chất vấn và giải trình xoay quanh các vấn đề nóng của xã hội. Trong số đó, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội Hoàng Văn Cường có một đề xuất rất đáng chú ý về việc Chính phủ nên dành một phần đầu tư công để đặt hàng và hỗ trợ hình thành các tập đoàn kinh tế mạnh.
Đề xuất này được nêu ra trong phiên thảo luận kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022, dự kiến năm 2023. Theo đó, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị cần tập trung đầu tư dứt điểm các công trình hạ tầng đang dở dang, đồng thời hạn chế khởi công mới, dành một phần đầu tư công để đặt hàng, hỗ trợ hình thành các tập đoàn kinh tế mạnh, phát triển một số ngành trụ cột cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Trong đó có 3 lĩnh vực cần ưu tiên đặt hàng là đường sắt, vận tải biển, công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số quốc gia.
Các đề xuất này được đưa ra với lập luận rằng, trước hết cần hỗ trợ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn sau đại dịch, trong điều kiện Việt Nam có một thị trường nội địa rộng lớn, nhiều tiềm năng. Việc đi vay tiền rồi thuê các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện các công trình riêng lẻ sẽ để lại hậu quả không đồng bộ, thiếu khả năng kết nối và mãi chỉ phụ thuộc vào nhà cung cấp nước ngoài. Ý tưởng là nhờ Chính phủ ưu tiên đặt hàng và dành thị phần thì doanh nghiệp sẽ có điều kiện để mua lại các công nghệ của nước ngoài rồi xây dựng một nền công nghiệp hiện đại, đáp ứng các yêu cầu của đất nước. “Trên thế giới, các cường quốc kinh tế lớn đều phải dựa vào các trụ cột là các tập đoàn kinh tế mạnh.”
Về bản chất, đây là một ý tưởng rất hay, rất tâm huyết. Hàn Quốc có lẽ là quốc gia thành công nhất trong việc dùng vốn đầu tư công để tạo ra các tập đoàn nội địa hùng mạnh, gọi là chaebol. Từ đó, giúp thúc đẩy xuất khẩu và chấn hưng kinh tế quốc gia. Chắc chắn nhiều thế hệ lãnh đạo của Việt Nam cũng đã ấn tượng với cách làm này và đưa ra một số chính sách để thực thi. Tuy nhiên, mỗi quốc gia có một câu chuyện khác nhau và bối cảnh lịch sử cũng khác nhau. Trong thời điểm hiện tại, khi mà nền kinh tế Việt Nam mở cửa, giao lưu mạnh mẽ với thế giới thì ý tưởng dành một phần vốn đầu tư công để ưu ái, đặt hàng riêng các doanh nghiệp nội địa sẽ tạo ra rất nhiều thách thức.
Thứ nhất, việc sử dụng vốn đầu tư công để ưu tiên riêng cho doanh nghiệp nội, thay vì lựa chọn đấu thầu theo cơ chế thị trường để có được giải pháp dịch vụ và giá thành tốt nhất sẽ tạo ra sự lệch lạc, dễ nảy sinh tiêu cực, móc ngoặc. Nếu không quản lý tốt thì nguồn ngân sách này sẽ bị biến tướng thành công cụ để trục lợi cho những doanh nghiệp giỏi tạo quan hệ, và không còn ý nghĩa là thúc đẩy sự phát triển cho những doanh nghiệp có tiềm năng. Ngoài ra, việc phát triển doanh nghiệp thành tập đoàn mạnh cần rất nhiều thời gian cùng các yếu tố thuận lợi khác, và sẽ cần bao nhiêu vốn như vậy, trong khi cả nước đang có rất nhiều hạng mục cần chi tiêu.
Việc ưu ái riêng cho doanh nghiệp nội địa rồi từ đó doanh nghiệp có điều kiện đi mua công nghệ của nước ngoài cũng không hề đơn giản. Nó có thể tạo ra ấn tượng xấu với bạn bè quốc tế, gây khó cho quá trình đầu tư làm ăn ra nước ngoài của chính doanh nghiệp Việt. Trung Quốc với thị trường khổng lồ cùng nền kinh tế phát triển nhanh đã sử dụng giải pháp là yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài liên doanh, chuyển giao công nghệ cùng doanh nghiệp nội nếu muốn tiếp cận thị trường. Điều này từng rất phát huy hiệu quả, giúp Trung Quốc tạo ra được nhiều doanh nghiệp nội hùng mạnh, nhưng hiện nay cũng gặp rất nhiều khó khăn trong bối cảnh thế giới có sự cạnh tranh, phân cực gay gắt về địa chính trị.
Dù sao, đề xuất của đại biểu Hoàng Văn Cường đã đưa ra được các mục tiêu mà Việt Nam rất nên làm, đó là phải có các giải pháp để hỗ trợ hình thành các doanh nghiệp nội hùng mạnh, đảm bảo mục tiêu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Thứ hai là với các công trình lớn, trọng điểm của đất nước thì cần có giải pháp để sử dụng tốt hơn vốn đầu tư công, doanh nghiệp nội phải được tham gia để tránh chuyện phụ thuộc công nghệ về lâu về dài.
An Diễm