Cách hay cho người Sài Gòn né kẹt xe nhờ 400 camera giao thông gắn khắp nơi
Qua điện thoại, người Sài Gòn có thể ‘né’ kẹt xe nhờ quan sát hình ảnh từ 400 camera giao thông gắn khắp đường phố. Từ đó, mọi người có thể lựa chọn lộ trình di chuyển phù hợp, tránh gặp ùn ứ trên đường.
Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh (smartphone) có kết nối internet, người Sài Gòn có thể xem được tình hình giao thông từ những chiếc camera gắn khắp đường phố thông qua ứng dụng TTGT TP.HCM của Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM.
Ứng dụng này ra mắt vào tháng 1.2017 và được phát triển trên cả hai nền tảng iOS và Android. Ứng dụng cung cấp các nhóm thông tin gồm: tình trạng giao thông theo thời gian thực, tình trạng giao thông, mật độ giao thông, tốc độ lưu thông trên các tuyến đường trên địa bàn TP; thông tin về hình ảnh giao thông trực tuyến thông qua hệ thống hơn 400 camera giao thông của Sở GTVT; các thông tin cảnh báo khu vực đang xảy ra ùn tắc giao thông, thông tin các vị trí thi công công trình; thông tin các vị trí tổ chức phân luồng giao thông nhằm giúp cho người dân có những thông tin một cách trực quan và chính xác để từ đó có thể lựa chọn những lộ trình phù hợp.
‘Né’ kẹt xe nhờ quan sát camera
Trong số những tiện ích của ứng dụng TTGT TP.HCM, việc quan sát được 400 camera gắn khắp TP được người dùng cảm thấy thú vị nhất vì có thể chọn đường đi phù hợp theo thời điểm, tránh những điểm đang có sự cố giao thông, tai nạn để không bị lỡ việc.
Sáng 4.3, PV trải nghiệm ứng dụng này. Lộ trình di chuyển dự kiến của PV là từ Bến xe Miền Đông (Q.Bình Thạnh) đến chợ Bến Thành (Q.1). So với ngày đầu ra mắt, ứng dụng hiện nay đã chạy mượt hơn trên nền tảng Android, các hình ảnh từ camera được load tự động 18 giây một lần, hiếm khi gặp trục trặc.
Theo quan sát, lộ trình này chỉ gặp xe đông ở đoạn Vòng xoay Hàng Xanh (nếu đi theo hướng Đinh Bộ Lĩnh) hoặc khu vực Ngã tư Phú Nhuận (nếu đi hướng Hai Bà Trưng) vì trên bản đồ thể hiện có những vạch đỏ. Những đoạn đường khác vạch xanh, cam hoặc vàng thể hiện tình hình lưu thông ổn định.
Để chắc chắn hơn, PV chọn phần hiển thị camera. Tại Vòng xoay Hàng Xanh vào thời điểm quan sát có dòng phương tiện dừng đèn đỏ, sau đó hình ảnh load lại thì giao thông thông thoáng. Đây có lẽ là điều thường thấy tại TP từ sau tết Nguyên Đán tới nay, khi học sinh, sinh viên chưa đi học trở lại, người dân hiếm thấy khu vực nào xuất hiện tình trạng kẹt xe.
Chúng tôi cũng thử tương tự với các camera ở khu vực quận 1, quận 3, quận Tân Bình,… tất cả đều hiển thị kịp thời, nhanh chóng và hình ảnh tương đối rõ ràng.
Lãnh đạo một đội CSGT tại TP.HCM nhận xét, ứng dụng này sau thời gian được nâng cấp chạy khá ổn định trên cả hai nền tảng, CSGT cũng có thể tham khảo để bố trí lực lượng điều hòa giao thông.
“Đặc biệt, ứng dụng có thông báo những điểm đang có sự cố giao thông như xe chết máy, tai nạn, kẹt xe nên ngay lập tức chúng tôi tiếp cận được hiện trường để xử lý. Người dân trước khi ra đường vào giờ cao điểm cũng có thể tham khảo để chọn đường đi phù hợp”, vị CSGT nói.
Camera bắn tốc độ để ‘phạt nguội’
Ông Đoàn Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn (Sở GTVT TP.HCM) cho biết, hiện Sở GTVT đang quản lý 762 camera gắn trên đường phố. Tuy nhiên, Sở chỉ đưa lên cổng thông tin tại một thời điểm hình ảnh từ hơn 400 camera. Số hình ảnh từ các camera còn lại không được đưa lên là vì đó là các camera chuyên dụng, chuyên đo đếm lưu lượng, vận tốc để cơ quan chức năng có kịch bản điều khiển đèn tín hiệu giao thông cho phù hợp.
Ngoài ra, TP còn có 9 vị trí camera vừa có tính năng quan sát, vừa theo dõi được tốc độ ở các đoạn đường: Nguyễn Văn Linh, Quốc lộ 1, cầu Phú Mỹ, cầu vượt A Cát Lái, quốc lộ 22, hầm Thủ Thiêm,… Hệ thống camera được kết nối liên thông với CSGT để CSGT ra biên bản xử phạt qua hình ảnh (phạt nguội).
Ông Tấn cho biết, từ ngày ra mắt đến nay, ứng dụng đã được nâng cấp 4 lần để đáp ứng nhu cầu đa ứng dụng trên một nền tảng của người dùng như: tính năng tính nồng độ cồn (chỉ mang tính tham khảo). Hiện đã có hơn 200.000 lượt tải với hơn 2 triệu lượt truy cập.
“Ngoài ra, người dân có thể tra cứu các giấy phép lưu thông, phản ánh về sự cố hạ tầng kỹ thuật giao thông trên cổng thông tin này như: cây xanh ngã đổ, đường hư, camera mờ,… Tất cả đều được trung tâm tiếp nhận và phối hợp các đơn vị chủ quản để xử lý, thời gian tùy vào tính chất từng sự cố và đơn vị phụ trách”, ông Tấn chia sẻ.
Trả lời về việc đôi khi ứng dụng load hình ảnh từ camera chậm trễ, ông Tấn giải thích, việc chậm hay nhanh có nhiều yếu tố, trong đó tốc độ internet trên máy của người dùng là thường gặp nhất. Còn tất cả hình ảnh từ camera đều được truyền về trung tâm bằng một băng thông riêng, từ đó trung tâm đưa lên ứng dụng luôn đảm bảo chính xác về thời điểm, tạo điều kiện tối ưu nhất để người Sài Gòn né kẹt xe.
Vũ Phượng/ TNO