+
Aa
-
like
comment

Cách “chữa bệnh” của TP.HCM

Công Luân - 14/09/2022 09:30

TP.HCM đầu tháng 9 “sáng bóng” cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng từ sự hồi sinh thần kì sau 11 năm “đắp chiếu” của tòa nhà Saigon One Tower. Một điểm sáng từ cách làm mới cần được nói đến.

Hơn 10 năm nằm bất động khi dự án đang xây dở dang, cao ốc Saigon One Tower nằm ngay trên khu đất “vàng” quận 1 nay đã được “hồi sinh”.

Có lẽ, nếu ai đã gắn bó với TP.HCM chục năm đổ lại đây đều bất ngờ trước tấm áo mới của tòa nhà Saigon One Tower tọa lạc tại 34A Tôn Đức Thắng, Quận 1. Bởi nếu có dịp qua ngay trung tâm Quận 1 thì không ai không thắc mắc vì sao một tòa nhà bỏ hoang án ngữ giữa thành phố lâu đến vậy. 11 năm qua câu hỏi ấy không có hồi đáp. Chính vì vậy, việc hồi sinh tòa nhà lại càng đặc biệt và ý nghĩa hơn. Nó không chỉ giúp thay đổi mỹ quan thành phố mà tạo ra sự ủng hộ rất lớn của người dân. Một bức ghép giúp bức tranh thành phố về đêm thêm lung linh đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội là vậy!

Một gì đó mới mẻ, bứt phá đang được từng bước khắc họa trong lòng người dân thành phố. Không chỉ từ tòa nhà mà cả từ những quyết định rất hợp lòng dân. Thành phố không bắn pháo hoa dịp lễ 2/9, dừng dự án nhà hát Thủ Thiêm để tập trung nguồn lực đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Dù không đao to búa lớn, nhưng rõ ràng, mỗi chính sách được đưa ra đều được người dân đón nhận hồ hởi. Từ những điều đó để thấy rằng, chính quyền thành phố đang có một cách vận hành rất gần dân.

Tuy vậy, cũng cần phải nghiêm túc nhìn nhận rằng, bên cạnh đó cũng còn không ít mối lo cần giải quyết từ chính tiếng lòng của người dân.

Đầu tiên, phải kể đến là việc giải ngân các chính sách hỗ trợ dịch bệnh từ Chính phủ, sau đó là cơ sở hạ tầng, đường xá cầu cống còn ngập, dự án chống triều cường thiếu kinh phí. Cái quan trọng nữa là hệ thống y tế đang bị thiếu hụt nghiêm trọng, điều được bộc lộ rõ nhất sau dịch bệnh. Đây là vấn đề rất nguy cấp, bởi dịch bệnh đang có chiều hướng gia tăng và thực ra chính trong dân cũng đã tồn tại tâm lý chủ quan.

Hơn nữa, trong bối cảnh ấy, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM lại cho biết, trong 7 năm qua có tới 678 dự án chậm triển khai. Điều này không chỉ gây bức xúc trong dư luận mà còn gây thất thoát rất lớn đến ngân sách nhà nước và ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển chung của thành phố.

Rất nhiều việc đang cần giải quyết nhưng cơ quan chức năng cũng bị vướng vào hồ sơ của 678 dự án chậm tiến độ. Chính vì thế, ngay sau khi quyết định tạm dừng 2/678 dự án thì trong đầu tháng 9, lãnh đạo thành phố đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo xử lý các vấn đề tồn đọng nhằm xử lý dứt điểm, tháo gỡ khó khăn cụ thể.

Đây có thể coi là một cách làm hay, tập trung nguồn lực xử lý những vấn đề cần kíp và thực ra cũng là để quy kết trách nhiệm, tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”. Kết quả thì cũng cần phải chờ đợi, tuy nhiên niềm tin thì đã có sẵn. Hy vọng chính quyền thành phố lại tiếp túc ghi dấu ấn mới từ cách “chữa bệnh” này.

Công Luân

Bài mới
Đọc nhiều