+
Aa
-
like
comment

Cách bày mâm ngũ quả dịp Tết Nguyên đán 2020 đem lại nhiều may mắn

Hoài Nam - 22/01/2020 07:00

Bày mâm ngũ quả trên bàn thờ là một phong tục truyền thống và lễ nghi quan trọng trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc, nhằm dâng lên tổ tiên những sản vật của đất trời và giúp gia chủ cầu may mắn, bình an. Tuy nhiên không phải ai cũng biết bày biện đúng cách.

Ý nghĩa của mâm ngũ quả và phong tục mỗi vùng miền

Mâm ngũ quả. (Ảnh: Nguyễn Hoa)

Dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đang đến gần và nhiều gia đình đang chuẩn bị bày biện mâm ngũ quả trên bàn thờ, nhằm thực hiện các nghi lễ cúng Tết truyền thống cũng như mong muốn mọi sự như ý, bình an.

Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách bày biện mâm ngũ quả sao cho đúng với phong tục, bởi mâm ngũ quả thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, lòng thành kính đối với các bậc tổ tiên, đồng thời là biểu tượng cho thành quả sau một năm lao động miệt mài của những người nông dân, đến khi thời điểm thích hợp, lựa những thứ tốt nhất dâng lên gia tiên, do đó cần bày biện một cách chính xác.

Về lý thuyết gọi là mâm ngũ quả nhưng thực tế trên mâm có những loại quả gì và số lượng bao nhiêu, lại tùy thuộc vào phong tục địa phương cũng như sản vật nơi đó. Người miền Bắc thường bày mâm ngũ quả gồm các loại quả phổ biến: Chuối xanh, bưởi, phật thủ, quất, đu đủ, thanh long hoặc táo. Khi bày mâm, người Bắc thường chọn số lượng quả là số lẻ, không chọn số chẵn.

Miền Nam thường sử dụng 5 loại quả chính như: Xoài, dừa, mãng cầu xiêm, sung, đu đủ. Ngoài ra còn có dưa hấu tượng trưng cho lòng trung trực, nghĩa khí của người phương Nam. Điều đặc biệt người miền Nam lại tuyệt đối kị quả chuối, bởi theo quan niệm của họ, từ “chúi” thể hiện sự khó khăn, không may mắn.

Trong khi đó, người miền Trung không quá cầu kì hay thiên về hình thức của mâm ngũ quả nên chủ yếu “sao cũng được”, cốt là thành tâm và kính bái đối với tổ tiên. Mâm ngũ quả bao gồm chuối, mãng cầu, sung, dưa hấu, dứa, đu đủ, xoài,.. và một số loại quả khác tùy theo mỗi nhà. Do đó mà cách bày trí cũng đơn giản tùy thuộc vào thẩm mỹ của mỗi người.

Mâm ngũ quả miền Bắc

Mâm ngũ quả ngày Tết của người miền Bắc

Người miền Bắc bày mâm ngũ quả theo thuyết Ngũ hành trong văn hóa phương Đông là vạn vật dung hòa cùng trời đất. Vì thế, mâm ngũ quả cũng phải phối theo 5 màu: Kim màu trắng, Mộc màu xanh, Thủy màu đen, Hỏa màu đỏ, Thổ màu vàng. Cách bài trí, sắp xếp màu sắc từng loại quả xen kẽ với nhau để đẹp mắt, hợp phong thủy ngày Tết. Tuy không câu nệ nhiều hay ít, nhưng mọi người đều sắm đủ lễ, đủ loại, hoa quả phải thuận theo ý nghĩa để bày cúng.

Mâm ngũ quả miền Bắc thường có 5 loại: Chuối, bưởi, đào, hồng, quýt.

Cách trình bày truyền thống là: Chuối ở dưới cùng, đỡ lấy toàn bộ các loại quả khác. Chính giữa là quả bưởi hoặc phật thủ vàng. Các loại quả bày xung quanh. Những chỗ còn trống cài xen kẽ quýt vàng, táo xanh, hoặc những quả ớt chín đỏ.

Do hoa quả, trái cây ngày càng đa dạng nên mâm ngũ quả ngày càng phong phú hơn, người ta cũng không câu nệ cứng nhắc “ngũ quả” nữa mà có thể là bát, cửu, thập quả, thêm chùm nho mọng, thêm táo xanh, ớt đỏ, hồng xiêm… Dù bày biện nhiều loại quả hơn nhưng người ta vẫn gọi là “mâm ngũ quả”.

Mâm ngũ quả miền Trung

Mâm ngũ quả ngày Tết của người miền Trung

Khúc ruột miền Trung nghèo khó, đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt, ít hoa quả nên người dân nơi đây cũng không quá câu nệ hình thức, ý nghĩa mâm ngũ quả ngày Tết, chủ yếu là có gì cúng nấy, thành tâm dâng kính tổ tiên. Bởi thế, mâm ngũ quả mỗi nhà lại khác nhau, quả gì cũng được, miễn là tươi ngon.

Các loại quả thường thấy là: Thanh long, chuối, dưa hấu, mãng cầu, dứa, sung, cam, quýt…

Mâm ngũ quả miền Nam

Mâm ngũ quả ngày Tết của người miền Nam

Người miền Nam bày mâm ngũ quả theo mong muốn “Cầu sung vừa đủ xài” ước mong năm mới đủ đầy, sung túc, tương ứng với 5 loại quả: Mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài. Ngoài ra, còn có thêm quả thơm (dứa) với mong muốn con cháu đầy nhà và một cặp dưa hấu xanh vỏ đỏ lòng để cầu may mắn.

Mâm ngũ quả của người miền Nam thể hiện rõ tính bình dị, dân dã và hóm hỉnh. Mỗi người một cuộc sống và mong muốn khác nhau, biết là nào là “đủ”, nhưng ai cũng chỉ cần đủ mà thôi.

Người miền Nam kỵ cúng một số loại quả, vì theo phát âm tên gọi mang ý nghĩa không tốt, như:

Chuối: Chúi nhủi, làm ăn không phất lên được.

Lê, táo (bom): Lê lết, đổ bể, dễ thất bại.

Cam, quýt: Quýt làm cam chịu.

Mâm ngũ quả ngày Tết là nét văn hóa đặc trưng của người Việt, dù có khác nhau giữa các vùng miền nhưng trên hết đều thể hiện sự thành kính hướng về nguồn cội, tổ tiên và ước mong một năm mới an khang, hạnh phúc và đủ đầy.

Ý nghĩa của từng loại quả trên mâm ngũ quả ngày Tết

Chuối: Tượng trưng cho con cháu sum vầy, quây quần, đầm ấm, hứng lấy may mắn, bao bọc vàchở che.

Phật thủ: Bàn tay phật che chở cho cả gia đình. Bưởi: Mong muốn an khang, thịnh vượng.

Quả lê hoặc dưa lê: Tượng trưng cho sự thành đạt, thăng tiến.

Cam, quýt: Tượng trưng cho sự thành đạt.

Lê: Vị ngọt thanh, ngụ ý việc gì cũng trơn tru, suôn sẻ.

Lựu: Nhiều hạt, tượng trưng cho con đàn cháu đống.

Đào: Thể hiện sự thăng tiến.

Táo: Phú quý, giàu sang.

Thanh long : Rồng mây hội tụ, thể hiện sự phát tài phát lộc.

Dưa hấu: Căng tròn, mát lành, hứa hẹn sự ngọt ngào, may mắn.

Quả trứng gà: Lộc trời cho.

Sung: Gắn với biểu tượng sung mãn, sức khỏe và tiền bạc.

Đu đủ: Thịnh vượng, đủ đầy.

Xoài (phát âm giống như “xài”): Cầu mong cho việc tiêu xài không thiếu thốn.

Hoài Nam

Bài mới
Đọc nhiều