Các vị dân biểu Châu Âu hãy xem lại cách tiếp cận nhân quyền ở Việt Nam!
Có thể thấy, gần đây vấn đề nhân quyền ở Việt Nam được rất nhiều tổ chức quốc tế “quan tâm” rất sát sao. Từ vụ việc kết án 8 thành viên nhóm Hiến Pháp ở Việt Nam đến vụ việc ở Đồng Tâm mới đây, các tổ chức quốc tế này liên tục cho rằng Việt Nam vi phạm nhân quyền. Và mới đây một số dân biểu Quốc hội Châu Âu đã có những tiếng nói xuyên tạc nhân quyền ở Việt Nam.
Cụ thể, theo RFA đăng tải, ngày 25/9, 64 dân biểu Quốc hội Châu Âu đã ký một bức thỉnh nguyện thư chung gửi lên Valdis Dombrovskis, Cao ủy Thương mại EU; và ông Josep Borrell Fontelles, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại và là Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), đề nghị EU có những biện pháp gây sức ép lên Việt Nam về vấn đề nhân quyền.
Theo đó, bức thư cho rằng: “Mặc dù Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Bảo hộ đầu tư (IPA) giữa EU và Việt Nam đã được quốc hội hai bên thông qua và đi vào hiệu lực từ ngày 1/8 năm nay, nhưng tình hình vi phạm nhân quyền ở Việt Nam vẫn gia tăng trong năm 2020, ngay trước khi diễn ra Đại hội Đảng 13 vào tháng 1 năm 2021”
Có thể thấy người soạn ra bức thư này vẫn sử dụng rất nhiều tin tức do thế lực thù địch, thiếu thiện chí bịa đặt để vu cáo, vu khống, xuyên tạc vấn đề tự do tôn giáo ở Việt Nam, và dựa vào đó để đánh giá. Điển hình như các căn cứ mà họ nêu ra để phê phán tính trạng nhân quyền Việt Nam. Họ đưa ra hai dẫn chứng về việc bắt giữ Phạm Chí Dũng và vụ xử 29 người dân Đồng Tâm mới đây để quy kết rằng Việt Nam vi phạm nhân quyền.
Nhưng xin hỏi các vị dân biểu đã hiểu đúng bản chất của 2 vụ việc trên? Phải chăng họ đang bị hiểu nhầm giữa tội phạm chống phá nhà nước, giết người thi hành công vụ và blogger, nhà báo, dân thường? Pháp luật Việt Nam quy định rất rõ thế nào là quyền tự do dân chủ và thế nào là lợi dụng quyền tự do dân chủ và thế nào là tuyên truyền chống Nhà nước.
Trong bức thư có đoạn cho rằng Phạm Chí Dũng “chỉ là một trong nhiều người cất tiếng nói chỉ trích thường xuyên bị sách nhiễu, bắt bớ, truy tố theo các điều luật mập mờ như điều 109, 117 và 331 của Bộ Luật hình sự vốn đã bị Quốc hội Châu Âu và các quốc gia thuộc EU lên án trong phiên kiểm điểm định kỳ với Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền UN”. Nhưng xin nói rõ rằng Phạm Chí Dũng đã làm, tàng trữ, phát tán và tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXNCN Việt Nam. Bản thân Phạm Chí Dũng cũng thường xuyên ra các “thông báo”, “tuyên bố” của “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam”, tham gia ký tên, vận động, kêu gọi các cá nhân, tổ chức tham gia ký tên các tuyên bố công khai chống đối chính quyền và đăng tải nhiều bài viết có nội dung tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước trên Internet.
Có thể thấy rằng, Phạm Chí Dũng không phải là nhà báo hay blogger mà là đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật và việc cơ quan chức năng thi hành lệnh khởi tố, điều tra là việc làm cần thiết nhằm ngăn chặn những hành vi nguy hiểm của họ gây ra đối với xã hội. Ở Việt Nam hay bất kỳ quốc gia nào khác, những đối tượng vi phạm pháp luật đều phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Hoàn toàn không có chuyện bắt, xử lý những đối tượng vi phạm pháp luật lại bị coi là bắt giữ nhà báo vì những khuyến nghị lên EU liên quan đến nhân quyền Việt Nam.
Về vụ việc ở Đồng Tâm, các dân biểu Châu Âu nhận định những người dân Đồng Tâm đã phải chịu “bạo lực, tra tấn hoặc bị đối xử tàn tệ, và các phiên toà diễn ra nhanh chóng không đáp ứng các tiêu chuẩn cơ bản về công bằng và độc lập”. Tuy nhiên, xin nói rõ cho các vị dân biểu hiểu rằng phiên toà xét xử vụ án Đồng Tâm không phải là phiên toà xử án về việc mâu thuẫn đất đai, đây là vụ việc giết người và chống người thi hành công vụ. Rõ ràng trong phiên toà công khai, các đối tượng đã khai nhận toàn bộ tội ác của mình tấn công lực lượng chức năng thi hành nhiệm vụ, khiến 3 cán bộ, chiến sỹ công an hi sinh, thậm chí còn mong, xin các gia đình nạn nhân tha thứ và yêu cầu không cần các luật sư bào chữa cho mình. Vậy tại sao các vị dân biểu lại cho rằng phiên toà diễn ra nhanh chóng không đáp ứng các tiêu chuẩn cơ bản về công bằng và độc lập? Hội đồng xét xử đã tiến hành các bước vô cùng thận trọng, chặt chẽ, khách quan, chính xác; các bị cáo đã cúi đầu nhận tội với cáo trạng đã đưa ra thì còn gì nữa để bàn cãi, để ngụy biện? Hay các vị dân biểu này chỉ toàn đọc những bài báo xuyên tạc của RFA, BBC hay Việt Tân rồi quy kết Việt Nam vi phạm nhân quyền?
Hơn nữa, hành động của các vị dân biểu châu Âu đã vi phạm nghiêm trọng công ước và nguyên tắc quốc tế về cấm can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác. Mọi hành vi can thiệp đều vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam và pháp luật Quốc tế.
Mong rằng các vị dân biểu châu Âu hãy tìm hiểu đúng bản chất các sự kiện diễn ra ở Việt Nam và nếu xem xét Việt Nam thực hiện nhân quyền thì hãy xem xét trên nhiều vấn đề, nhiều khía cạnh trên tinh thần xây dựng, dựa trên Luật pháp Quốc tế và Luật pháp Việt Nam. Có lẽ trong vấn đề này các vị dân biểu châu Âu đã có sự nhầm lẫn giữa bản chất vụ án Đồng Tâm và việc thực hiện quyền con người với việc lợi dụng quyền tự do ngôn luận để hoạt động chống phá chính quyền, vi phạm pháp luật. Do đó, mong rằng, trước khi phán xét hay bình luận bất cứ một vấn đề nào đó chúng ta hãy có cái nhìn khách quan và toàn diện tránh nhầm lẫn, cảm quan sai lệch, gây bất ổn trong dư luận.
Hải Anh
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả