+
Aa
-
like
comment

Các thế lực thù địch sẽ bớt “khua môi múa mép” về thể chế dân chủ

sông trà - 10/01/2021 11:12

Dân chủ hay không dân chủ không phụ thuộc vào số lượng các đảng chính trị, vào việc có áp dụng hay không áp dụng chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Và thực tiễn sinh động thực hành dân chủ ở Việt Nam là minh chứng rõ ràng nhất để bác bỏ luận điệu của chúng. Hẳn các thế lực thù địch cũng sẽ bớt “khua môi múa mép” về thể chế dân chủ như bấy lâu nay chúng thường ca ngợi.

Mặt trái của nền dân chủ đang “đạt đỉnh”?

Một trong những sản phẩm của nền dân chủ là hàng triệu tiếng nói bất đồng có thể vang dậy bất cứ lúc nào, người Mỹ chấp nhận điều này và thậm chí biến nó thành “chuẩn mực” cho “miền đất hứa” Hoa Kỳ.

Những người ủng hộ Tổng thống Trump biểu tình ở điện Capitol khiến cho các nhà quan sát chính trị lo ngại về nền dân chủ Mỹ

Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử Tổng thống năm nay, những tranh giành quyền lực, kèn cựa đảng phái suốt 2 tháng qua đã trưng ra hình ảnh một nước Mỹ bệ rạc về mặt xã hội và già cỗi về mặt luật pháp, thể chế. Nhiều diễn biến trong nền chính trị xứ Cờ hoa dường như nằm ngoài sư tiên liệu của bản Hiến pháp trứ danh được viết cách đây hơn 2 thế kỷ.

Đỉnh điểm là phiên họp lưỡng viện diễn ra ngày 6/1 (giờ Mỹ), hàng nghìn người “ủng hộ Trump” đã vây kín điện Capitol, xông vào phòng họp yêu cầu “xem xét lại phiếu bầu đại cử tri” và tuyên bố “không bao giờ nhượng bộ”. Cuộc biểu tình diễn ra nhằm ngăn Thượng viện và Hạ viện Mỹ phê chuẩn kết quả cuộc bầu cử tổng thống 2020 với chiến thắng thuộc về Tổng thống đắc cử Joe Biden. Luật pháp Mỹ bó tay trước tình cảnh “trăm năm có một” này.

Nếu xem lực lượng “ủng hộ Tổng thống Trump” – những cư dân đến từ nhiều tiểu bang khác nhau – là đại diện tiêu biểu cho nền dân chủ Mỹ thì Hiến pháp phải ra tay bảo vệ họ, đồng thời không thể coi lời cáo buộc của Tổng thống là vô nghĩa.

Còn nếu cho rằng đó là lực lượng quá khích, phản tiến bộ, chống lại Nhà nước thì tại sao cảnh sát, lực lượng vệ binh không thể dẹp loạn? Đây là mâu thuẫn muôn đời của nền dân chủ Mỹ nói riêng và phương Tây nói chung.

Nếu phe Cộng Hòa chụp mũ những ai bất đồng ý kiến là “chủ nghĩa xã hội” thì “công bằng xã hội” – chủ trương của đảng Dân Chủ – không đáng để bảo vệ hay sao? Nếu ông Trump kêu gọi “nước Mỹ trên hết”, chống Trung Quốc tới cùng, đơn phương hóa thì quan điểm ôn hòa, toàn cầu gắn kết của Biden không có ý nghĩa?

Những biểu hiện vừa qua tại Mỹ không cho thấy hình ảnh nào là biểu tượng của nền dân chủ mà đó là “cá nhân làm chủ”, “tổ chức làm chủ”. Bởi chỉ vài người có ảnh hưởng đã quậy tưng bừng…

Các cựu Tổng thống Mỹ cáo buộc ông Trump kích động bạo lực. Ông Barack Obama đã lên tiếng cáo buộc Tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump kích động bạo lực tại Đồi Capitol. Cựu Tổng thống đã gọi vụ tấn công của người biểu tình vào Quốc hội Mỹ là “rất đáng xấu hổ” nhưng “không hề bất ngờ”. Cùng quan điểm, cựu Tổng thống Bill Clinton chỉ trích cuộc bạo loạn là “vụ tấn công chưa từng có tiền lệ”, cáo buộc ông Trump kích động bạo lực.

Ngoài nước Mỹ, các nước có thể chế dân chủ tương tự như Mỹ cũng dõi theo từng động thái trên chính trường Mỹ. Và nhiều nước đã bày tỏ sự lo ngại nhất định với những gì đang xảy ra tại Mỹ, nơi được cho là “miền đất hứa” của cái gọi là “tự do”, “dân chủ”.

Chẳng hạn, Thủ tướng nước láng giềng Canada Justin Trudeau bày tỏ “vô cùng lo lắng” khi hàng nghìn người ủng hộ Tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump tấn công Đồi Capitol, gọi đây là cuộc “tấn công vào nền dân chủ”.

Từ Đức, Ngoại trưởng Heiko Maas kêu gọi những người biểu tình “ngừng dẫm đạp lên nền dân chủ”. Ông Maas cũng liên hệ những gì đang diễn ra tại Mỹ với quá khứ đen tối tại Đức thời phát-xít khi cho rằng, “những lời nói hận thù đã biến thành hành động bạo lực – trên các bậc thang của Quốc hội Đức – Reichstag và bây giờ là tại đồi Capitol”.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết, “việc phải chứng kiến những gì diễn ra tại Washington là một cú sốc”. Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU Josep Borrell cũng lên tiếng cho rằng, “đây là một cuộc tấn công chưa từng thấy vào nền dân chủ Mỹ”..v..v.

Không chỉ tại Mỹ, ở nhiều quốc gia châu Âu, khái niệm dân chủ đã vượt ra khỏi khuôn khổ của nó. Vấn đề không chỉ ở người biểu tình dưới đường phố, mà nguyên nhân xuất phát từ trong chính sách của các chính phủ như Pháp, Anh, Italia…

Nhà lãnh tụ Xô Viết V.I.Lênin từng tổng kết: “… Chế độ dân chủ càng phát triển, thì trong trường hợp có sự chia rẽ về chính trị sâu sắc và nguy hiểm cho giai cấp tư sản, nó càng tiến gần đến tàn sát hay nội chiến.” Qua thể chế bầu cử ở các nước tư bản phương Tây, chúng ta cũng thấy rất rõ rằng, tiền bạc ngày càng trở thành yếu tố quyết định trong đời sống chính trị và làm hoen ố nền dân chủ của nó. Từ trước đến nay, cả pháp luật và văn hóa tư sản hầu hết đều bảo vệ và đề cao người giàu. Người giàu được coi là những phần tử ưu tú, còn người nghèo bị khinh rẻ, bị coi là gánh nặng, là nguồn gốc của những tệ nạn xã hội và tội phạm.

Luật pháp sản sinh sau khi nhà nước ra đời, mục đích để điều chỉnh các quan hệ xã hội, và nếu luật pháp không phát huy được vai trò cốt yếu của nó tức là nền tư pháp ấy, thể chế ấy có vấn đề. Phải chăng, Thực tế đang diễn ra ở Mỹ đã cho thấy những mặt trái của nền dân chủ đang “đạt đỉnh”?

Các thế lực thù địch sẽ bớt “khua môi múa mép” về thể chế dân chủ

Nhân danh các chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền”, “đa nguyên, đa đảng” để kích động, gây chia rẽ, hận thù chỉ là thủ đoạn phục vụ mưu đồ chống nhân dân và dân tộc, làm chệch hướng xã hội chủ nghĩa của các lực lượng thù địch muốn xoá bỏ Đảng Cộng sản và chủ nghĩa xã hội.

Từ nhiều năm qua, các thế lực thù địch ráo riết thực hiện chiến lược “diễn biến hoà bình” nhằm chống phá chủ nghĩa xã hội và phong trào cách mạng thế giới. Đối với Việt Nam, những giọng điệu “diễn biến hoà bình” thường lớn tiếng rêu rao chế độ một Đảng Cộng sản cầm quyền đang thủ tiêu dân chủ?

Chúng tiến hành bằng nhiều phương cách, trong đó mạng xã hội đã được lợi dụng triệt để. Trên nhiều kênh thông tin, các thế lực thù địch, phản động xuyên tạc cho rằng chế độ nhất nguyên chính trị, một Đảng cầm quyền ở Việt Nam là “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, dẫn đến ở Việt Nam không có dân chủ hoặc dân chủ hình thức. Đặc biệt, chiêu bài “tự do ngôn luận, dân chủ nhân quyền” được “nhai đi nhai lại” không biết mỏi.

Có điều, những tác giả của luận điệu sai trái này đã cố tình làm ngơ trước các vấn đề đã được đúc kết thành giáo khoa sơ đẳng về dân chủ, đồng thời trắng trợn vu khống Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Với mong muốn đạt tới một nền dân chủ đích thực thì phải thi hành chế độ đa đảng.

Cũng có một điều các thế lực thù địch cố tình làm ngơ đó là ở Việt Nam cũng đã có lúc có nhiều đảng, nhưng những đảng khác đã không vượt qua được những thử thách gay gắt của cuộc đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân chủ, sứ mệnh lịch sử của dân tộc ta chỉ do Đảng Cộng sản Việt Nam gánh vác.

Và lịch sử cũng đã chứng minh rằng ngoài Đảng Cộng sản, không một đảng phái hoặc một lực lượng chính trị nào có thể đưa ra được cương lĩnh, đường lối đúng đắn cho cách mạng Việt Nam, có thể đồng thời giải quyết hai mục tiêu dân tộc và dân chủ, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Nói cách khác, dân chủ hay không dân chủ không phụ thuộc vào số lượng các đảng chính trị, vào việc có áp dụng hay không áp dụng chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Trong thực tế, nhà nước nói riêng và xã hội nói chung đều phải do một đảng lãnh đạo. Có hay không có dân chủ, dân chủ được thực hiện ở trình độ cao hay thấp, tất cả phụ thuộc vào bản chất của đảng cầm quyền, chứ không phụ thuộc vào số lượng nhiều hay ít các đảng phái chính trị.

Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là nền dân chủ cho toàn thể quần chúng lao động, do đó, nó không chấp nhận sự chia rẽ xã hội, không thể tạo ra những lực lượng đối lập, đối kháng trong xã hội, nhất là trên lĩnh vực tư tưởng và chính trị.

Cùng với thực tế đang diễn ra ở chính trường Mỹ, một lần nữa xin nhắc lại, luật pháp sản sinh sau khi nhà nước ra đời, mục đích để điều chỉnh các quan hệ xã hội. Vì vậy, nếu luật pháp không phát huy được vai trò cốt yếu của nó tức là nền tư pháp ấy, thể chế ấy có vấn đề.

Chính thực tiễn sinh động thực hành dân chủ ở Việt Nam là minh chứng rõ ràng nhất để bác bỏ luận điệu của chúng. Hẳn các thế lực thù địch cũng sẽ bớt “khua môi múa mép” về thể chế dân chủ như bấy lâu nay chúng thường ca ngợi.

Sông Trà

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.

Bài mới
Đọc nhiều