Các quốc gia đã làm gì để chống lại việc đầu cơ đất?
Bức xúc về đất đai không phải chỉ nước ta mới có, mà bất cứ đâu “đất chật người đông” cũng xảy ra. Chưa kể đến việc nhiều đại gia bất động sản châu Á làm giàu nhờ phân lô bán nền, người dân đua nhau mua đất để dành, qua đó đẩy giá nhà tăng nóng, điều này lại là điều phi thực tế tại nhiều quốc gia trên thế giới. Vậy các nước này có chính sách đánh thuế bất động sản như thế nào?
Đầu tiên, tại Mỹ, người mua bất động sản sẽ phải thanh toán nhiều loại thuế liên bang và tiểu bang. Thậm chí tại một số khu vực, người sở hữu nhà đất sẽ phải chi trả thêm một số loại thuế và phí khác, như thuế phát triển cơ sở hạ tầng hay phí hiệp hội dân cư… nhằm phát triển trường học, bệnh viện.
Thuế liên bang đồng nhất trên toàn bộ lãnh thổ nước Mỹ, trong khi thuế tiểu bang tùy từng khu vực. Ví dụ như ở bang California là 1% thuế trên tổng giá trị căn nhà tính theo giá mua, nhưng con số này lại ở Texas là 3%, tuy nhiên giá nhà ở đây lại rẻ hơn California.
Theo các chuyên gia, thuế đất tương đối cao cùng với sự quản lý nghiêm khắc khiến câu chuyện mua nhà để dành làm của cải tích trữ hay làm quỹ đất để phân lô bán nền là điều phi thực tế tại Mỹ. Nếu không đóng thuế, chủ sở hữu sẽ bị phạt, nếu không đóng phạt thì chính phủ sẽ đưa khoản nợ đó vào hồ sơ giao dịch để khấu trừ khi bán nhà.
Trong trường hợp người mua vay tiền ngân hàng, lãi suất tiền vay sẽ được khấu trừ vào lợi nhuận phát sinh từ khu đất, qua đó giảm số tiền đóng thuế của chủ sở hữu. Đây là một trong những lý do chính khiến nhiều đại gia bất động sản Mỹ như tỷ phú Donald Trump vay tiền ngân hàng dù họ không thiếu vốn.
Mỹ đã áp dụng thuế bất động sản được 226 năm, trong khi nhiều nước trên thế giới cũng làm tương tự để chống đầu cơ nhà đất. Giá nhà đất ở châu Âu chưa có thuế cũng ở mức khá cao, khiến nhiều người thu nhập trung bình khó có thể sở hữu căn nhà đầu tiên.
“Căn hộ rất đẹp. Nó rộng 60 m2, chủ mới thậm chí có thể sửa sang lại theo ý muốn. Nó có giá 11.758 USD cho mỗi m2 và đó là lý do tại sao rất nhiều người không thể mua. Thật đáng tiếc”, bà Barbora Merknerova, nhân viên tư vấn bất động sản, Praha, Cộng hòa Czech, cho hay.
Không chỉ vậy, để tránh lãng phí đền bù, các nước như Anh, Pháp, Mỹ không mở rộng lộ giới nội đô, mà xây dựng hẳn các cụm thành phố vệ tinh mới. Tiền mở rộng 1 con đường nội đô có thể xây được 10 con đường và hạ tầng cơ sở ở thành phố vệ tinh mới. Sau khi san lấp và trước khi xây đường, giá đất ở các khu đô thị mới sẽ tăng, nhà nước tổ chức bán đấu giá đất hay xây nhà chung cư bán giá cao để lấy vốn. Như vậy vừa phát triển được thành phố, vừa không phải bỏ vốn. Các khu đô thị mới như Nam Sài Gòn cũng đi theo hướng này, tại sao chúng ta không bắt chước mà vẫn bỏ tiền tỉ để đền bù giải toả nội đô?
Riêng ở Singapore là đánh thuế cao với hành vi đầu cơ, căn cứ vào thời gian giữa mua và bán: đất mua đi bán lại trong năm đầu tiên bị đánh thuế 100% trên giá trị chênh lệch mua bán, sau 2 năm thì mức thuế là 50%, sau 3 năm là 25% (giảm dần). Vì đất đai có giá thị trường, nên không thể khai thấp giá đất để trốn thuế. Như vậy nếu 1 người muốn đầu cơ đất thì phải 4 năm sau bán mới có lời. Rủi ro trong 4 năm sẽ nhiều, vì thế họ sẽ phải tính cách khác đầu tư, có lợi hơn cho họ, và cho nền kinh tế.
Để chống đầu cơ qua qui hoạch và giảm kinh phí đền bù giải toả, Trung Quốc chỉ giải toả 1 bên đường, và giải toả vượt quá lộ giới rất nhiều để lấy đất làm quỹ vốn. Sau khi giải toả mở đường, giá đất cạnh mặt đường mà nhà nước nắm giữ sẽ lên. Tất cả được bán đấu giá để lấy tiền xây dựng đường. Như vậy vừa có tiền xây đường, vừa có tiền đền bù, vừa chống những kẻ đầu cơ đợi con đường mở và nhà đất xung quanh lên giá, vừa đảm bảo trật tự mỹ quan đô thị.
Bảo Trâm