+
Aa
-
like
comment

Các nước ứng phó thế nào khi thiếu điện

Hạ Băng - 09/06/2023 11:02

Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh cắt điện hàng loạt và tăng nhập than, trong khi Đức hạn chế xuất khẩu điện và tận dụng điện hạt nhân.

Năm 2022, Ấn Độ trải qua cuộc khủng hoảng điện tồi tệ nhất 7 năm. Reuters trích số liệu từ chính phủ Ấn Độ cho biết nhu cầu điện tại đây tăng 13,2%, lên 135 tỷ kWh trong tháng 4. Việc này khiến nguồn cung điện thiếu 1,8% – mức nhiều nhất kể từ tháng 10/2015.

Lượng điện tiêu thụ tại bang Odisha – nơi có các nhà máy nhôm thép lớn nhất nước này – tăng hơn 30% trong giai đoạn tháng 10/2021 – tháng 3/2022. Mức tăng này gấp 10 trung bình cả nước. Việc thiếu điện khiến hàng loạt bang tại Ấn Độ, như Rajasthan, Gurajat, Tamil Nadu và Andhra Pradesh phải giới hạn việc sử dụng điện cho hoạt động công nghiệp, khiến các nhà máy phải đóng cửa nhiều giờ trong ngày.

Theo nền tảng khảo sát LocalCircles của Ấn Độ, gần một nửa trong 35.000 người tham gia trả lời cho biết chịu cảnh mất điện trong tháng 5. Chính quyền bang Goa đã phải mua bổ sung 120 MW điện từ bên ngoài để tránh quá tải.

Trên Times of India, giới phân tích chỉ ra nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này. Đó là nhu cầu điều hòa tăng cao do nắng nóng kỷ lục. Bên cạnh đó, đà phục hồi kinh tế sau khi nới lỏng phong tỏa khiến hoạt động công nghiệp tăng tốc. Mô hình làm việc mới, xuất hiện từ 2020 do đại dịch, khiến hàng triệu người Ấn Độ làm việc từ xa, kéo thời lượng sử dụng điện ban ngày lên cao.

Trong khi đó, dự trữ than tại các nhà máy nhiệt điện của Ấn Độ lại ở mức thấp nhất 9 năm. Điện than đóng góp gần 75% sản lượng điện hàng năm cho Ấn Độ. Bộ Năng lượng nước này giải thích rằng Công ty Đường sắt Ấn Độ (Indian Railways) không cung cấp đủ tàu chở than cho Công ty than Coal India.

Chủ một cửa hàng ở Thane (Ấn Độ) dùng điện thoại soi đèn khi mất điện.

Việc tăng tốc lắp đặt điện mặt trời 5 năm qua đã giúp Ấn Độ giảm thiếu hụt điện ban ngày. Tuy nhiên, thiếu điện than và thủy điện đang đe dọa nguồn cung buổi tối.

Giới chức Ấn Độ sau đó phải áp dụng hàng loạt biện pháp để giải quyết tình trạng thiếu điện. Họ đảo ngược chính sách giảm nhập khẩu than về 0. Thay vào đó, các nhà máy điện được yêu cầu tăng nhập khẩu than trong 3 năm.

Ấn Độ cũng kích hoạt một điều luật khẩn cấp để bắt đầu sản xuất điện tại tất cả nhà máy có than nhập khẩu. Nhiều nhà máy khi đó đang đóng cửa vì giá than quốc tế cao.

Coal India cũng phải chuyển hướng cung cấp than cho các nhà máy điện, thay vì bán cho các ngành không dùng điện. Indian Railways phải hủy nhiều tàu chở khách để dành đường ray cho tàu chở than. Ấn Độ cũng lên kế hoạch mở lại hơn 100 mỏ than trước đó đã đóng vì bị coi là không bền vững về kinh tế.

Năm nay, Ấn Độ tiếp tục đối mặt rủi ro thiếu điện, do chậm trễ trong việc bổ sung công suất điện than, thủy điện. “Tình hình có chút căng thẳng”, Công ty điện lực Ấn Độ (Grid-India) nhận định trong một báo cáo tháng 2. Khi đó, họ dự báo lượng tiêu thụ cao điểm vào buổi tối trong tháng 4 tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bộ Năng lượng Ấn Độ đã phải áp dụng hàng loạt biện pháp để tránh mất điện hè này. Theo đó, các nhà máy điện than được chỉ đạo đẩy nhanh việc bảo dưỡng. Than được cấp đủ cho các nhà máy điện than. India Railways cũng sẽ hợp tác nhường đường ray cho việc vận chuyển.

Các nhà máy điện khí sẽ được huy động để đáp ứng nhu cầu giờ cao điểm. Các nhà máy thủy điện được chỉ đạo tối ưu hóa sử dụng nước. 2.920 MW điện cũng sẽ được bổ sung thông qua các nhà máy điện than mới.

Một quốc gia châu Á khác là Bangladesh cũng đang trải qua cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất một thập kỷ. Lượng điện thiếu hụt trong tuần đầu tháng 6 lên đến 15% – gần gấp 3 tháng 5.

Số liệu của Công ty Điện lực Bangladesh cho thấy nước này đã cắt điện 114 ngày trong 5 tháng đầu năm nay, tương đương cả năm ngoái. Nhiều người dân và doanh nghiệp nhỏ phàn nàn rằng họ bị cắt điện không báo trước suốt 10-12 giờ.

Nhân viên một nhà hàng ở Dhaka (Bangladesh) thắp nến làm việc khi mất điện.

Bangladesh thiếu điện do nhu cầu tăng cao trong thời tiết nắng nóng. Trong khi đó, quốc gia này đang chật vật nhập khẩu nhiên liệu vì dự trữ ngoại hối giảm và nội tệ mất giá. Một cơn bão hồi tháng trước cũng làm gián đoạn nguồn cung khí đốt cho các nhà máy điện ở đây. Khí đốt đóng góp nửa sản lượng điện hàng năm cho Bangladesh.

Từ cuối tháng 5, nhà máy điện Payra tại miền nam Bangladesh đã phải dừng hai tổ máy vì thiếu than. Bộ trưởng Năng lượng và Tài nguyên Bangladesh Nasrul Hamid cho biết trên Reuters rằng các tổ máy này sẽ hoạt động trở lại vào tuần cuối tháng 6. “Không có cách nào khác là phải đối mặt với sự thiếu hụt này”, ông nói.

Tháng trước, Chủ tịch hãng khí đốt quốc gia Bangladesh Petrobangla Zanendra Nath Sarker cũng cho biết trên Reuters rằng cảng Summit LNG terminal sẽ tăng nhập khẩu khí hóa lỏng (LNG) thêm 70%. Một cảng khác là Moheshkhali LNG cũng sẽ sớm khôi phục hoạt động.

Theo Thủ tướng Sheikh Hasina, chính phủ đã ký thỏa thuận mua nhiên liệu từ Qatar và Oman, đồng thời áp dụng các biện pháp để tăng nhập than. Còn hiện tại, một quan chức Bangladesh thừa nhận trên Reuters rằng: “Chỉ có mưa mới xoa dịu được tình trạng căng thẳng, vì nhu cầu điện sẽ giảm khi trời mưa”.

Năm ngoái, hạn hán tồi tệ nhất nhiều thập kỷ khiến nhiều đoạn sông Trường Giang (Trung Quốc) cạn nước, làm giảm sản lượng của các nhà máy thủy điện. Bên cạnh đó, nắng nóng khiến nhu cầu tiêu thụ điện tại Trung Quốc tăng cao.

Việc này buộc giới chức Tứ Xuyên đóng cửa các nhà máy trong nhiều tuần. Hoạt động công nghiệp cũng bị hạn chế nhiều tháng ở Vân Nam. Giang Tô, An Huy, Chiết Giang và Thượng Hải đều phải hạn chế tiêu thụ điện, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và kinh doanh.

Giới chức Trung Quốc khi đó cam kết sẽ không để tái diễn tình trạng cắt điện diện rộng. Đến cuối năm ngoái, Tứ Xuyên thông báo sẽ xây nhiều nhà máy điện khí mới và thêm đường dây truyền tải kết nối tỉnh này với các lưới điện lân cận. Tại Quảng Đông, giới chức cũng phê duyệt xây các nhà máy điện than mới với công suất 18 GW.

Các phản ứng này được đánh giá là nhanh so với nhiều nơi khác, theo hai nhà phân tích Mike Thomas và David Fishman của hãng tư vấn Lantau Group (Hong Kong, Trung Quốc). Họ giải thích rằng với nhiều công ty điện, bổ sung công suất quy mô lớn sẽ làm tăng chi phí và rủi ro.

Cả hai lấy ví dụ về trường hợp của bang California và Texas (Mỹ). Theo đó, lưới điện của hai bang này thiếu hụt vài năm gần đây do nhu cầu tăng cao và thời tiết khắc nghiệt. Tuy nhiên, cả California và Texas đều chưa có thay đổi lớn về cách quản trị rủi ro thời tiết và đảm bảo nguồn cung bền vững.

Nhiều điểm trên sông Rhine cạn nước hồi tháng 8/2022.

Đợt hạn hán năm ngoái, cùng tác động từ xung đột Nga – Ukaraine, cũng khiến Đức đứng trước nguy cơ thiếu điện. Khí đốt tự nhiên – phần lớn đến từ Nga – đóng góp 15% sản lượng điện của nước này năm 2021. Vì thế, để đảm bảo đủ điện trong bối cảnh Nga giảm cung cấp khí đốt, họ đã phải tái khởi động các nhà máy điện than, bất chấp mục tiêu về khí hậu.

Đức cũng cân nhắc giảm xuất khẩu điện cho các quốc gia láng giềng ở châu Âu mùa đông năm ngoái, đề phòng nguy cơ thiếu điện trong nước. Bên cạnh đó, Berlin còn gia hạn hoạt động tại các nhà máy điện hạt nhân cho tới giữa tháng 4/2023, thay vì cuối năm 2022 như kế hoạch ban đầu.

Để tiết kiệm điện, thành phố Augsburg ngừng vận hành hoặc hạn chế giờ hoạt động của nhiều đài phun nước. Munich công bố “khoản thưởng năng lượng” trị giá 100 euro cho các hộ gia đình cắt giảm 20% lượng tiêu thụ hàng năm. Các công ty điện lực phát động cuộc thi tiết kiệm năng lượng cho khách hàng vào mùa thu.

Dù vậy, nhờ mùa đông ấm hơn bình thường và lượng LNG nhập khẩu lớn, Đức không gặp quá nhiều vấn đề về năng lượng. Giữa tháng 4, họ đã cho dừng các nhà máy điện hạt nhân đúng thời hạn.

Hạ Băng

Bài mới
Đọc nhiều