+
Aa
-
like
comment

Các nước thu phí kẹt xe ra sao?

20/07/2020 09:25

Xung quanh chủ trương thu phí ôtô vào trung tâm TP.HCM đang thu hút sự quan tâm của dư luận, bạn đọc nước ngoài đã chia sẻ câu chuyện thu phí kẹt xe ở nước họ.

Các nước thu phí kẹt xe ra sao? - Ảnh 1.
Xe vào cửa ngõ TP.HCM chật kín như nêm – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Thụy Điển: Thu để làm đường

Thuế kẹt xe ở Thụy Điển nhằm cải thiện tình trạng kẹt xe ở Stockholm và Gothenburg. Ngoài ra, thuế này còn phục vụ mục đích môi trường.

Tiền thuế kẹt xe thu về ngân sách phải được sử dụng để mở rộng và cải thiện hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, không được phép chi tràn lan.

Chẳng hạn, thủ đô Stockholm đã cho xây dựng và mở rộng một mạng lưới đường chạy dành cho xe đạp để khuyến khích người dân sử dụng xe đạp nhiều hơn. Trong khi đó, TP Gothenburg thì nâng cấp hệ thống đường sắt.

Thuế kẹt xe ở Stockholm và Gothenburg thu vào các ngày trong tuần, từ 6 giờ sáng đến 19 giờ. Tùy vào thời điểm và tùy thuộc vào việc bạn ở Stockholm hay Gothenburg, khoản tiền phải đóng dao động từ 23.000 đồng (9 SEK Thụy Điển) đến 90.000 đồng (35 SEK).

Ngoài ra còn có hình thức thu theo ngày với mức thu cao nhất khoảng 154.000 đồng ở Gothenburg và 270.000 đồng ở Stockholm. Chính quyền không thu tiền vào thành phố trong hai ngày thứ bảy và chủ nhật, trước và trong các ngày lễ lớn và miễn phí toàn bộ tháng 7 hằng năm, tháng mùa hè.

Các thành phố lớn ở Thụy Điển đã khiến việc sở hữu và sử dụng xe hơi ngày càng tốn kém, với phí cầu đường, phí vào trung tâm, phí đậu xe đắt đỏ… Đó là một quyết định chính trị rõ ràng để gây bất lợi cho việc sử dụng xe hơi và thay vào đó, thúc đẩy việc sử dụng giao thông công cộng và xe đạp.

Nhiều thành phố trên thế giới dự kiến sẽ thu phí kẹt xe, chẳng hạn New York (Mỹ). Theo kế hoạch, vào năm 2021, chủ phương tiện phải trả một khoản phí lên đến 10 USD (khoảng 230.000 đồng) khi vào TP New York.

Phí được thu qua công nghệ E-ZPass, họ chỉ việc chạy qua và tiền được trừ vào tài khoản. Nếu người dùng không có thẻ E-ZPass, máy quay sẽ chụp hình biển số xe và gửi hóa đơn về địa chỉ của chủ xe.

Tôi cho rằng Việt Nam cần bàn bạc kỹ hơn, đặc biệt là cần trả lời câu hỏi tiền thuế thu được từ những phương tiện vào thành phố sẽ được sử dụng cho những mục đích gì. Người đóng thuế, phí có quyền được biết tiền thuế thu của họ được chi tiêu như thế nào.

LIVIA PODESTA (Thụy Điển)

Bài học của Singapore

Singapore là một hòn đảo nhỏ chỉ với 725km2 đất, bằng khoảng 1/3 của TP.HCM. Một hệ thống giao thông hiệu quả là điều cần thiết cho cơ sở hạ tầng của chúng tôi. Do diện tích đất nước có hạn, Chính phủ Singapore đã phát triển chương trình thu phí nhằm giảm tắc nghẽn giao thông đô thị.

Chương trình được triển khai từ năm 1975 đến 1998, thu phí các xe vào trung tâm Singapore, và được triển khai tại tất cả các con đường hướng vào khu vực thương mại trung tâm (CBD).

Đến tháng 9-1998, chương trình này được thay thế bằng đề án thu phí điện tử. Hệ thống thu phí điện tử (ERP) không cần các chốt thu phí trên đường nên tránh được việc xe cộ phải dừng hoặc đi chậm lại để đóng phí.

Theo đề án này, các cổng ERP được bố trí trên tất cả các con đường dẫn vào khu trung tâm, dọc theo đường cao tốc và các tuyến đường chính có lưu lượng lớn để hạn chế người đi lại trong giờ cao điểm. Các cổng ERP này có hệ thống cảm ứng và camera để chụp biển số xe. Tính đến năm 2020, có 93 cổng ERP tại Singapore.

Phí sử dụng đường sẽ được thu thông qua thẻ trả trước được gắn trong một thiết bị trên xe gọi là IU. Khi một chiếc xe có IU đi qua cổng ERP, phí sử dụng đường sẽ được trừ vào thẻ trong IU. Hệ thống cảm biến trên cổng giao tiếp với IU thông qua hệ thống liên lạc tầm ngắn chuyên dụng và số tiền bị trừ cũng sẽ hiển thị trên màn hình của IU.

Một IU có giá khoảng 2,5 triệu đồng và Singapore quy định bắt buộc đối với tất cả các phương tiện đã đăng ký ở nước này phải trang bị IU nếu muốn sử dụng phương tiện.

Mức phí cho việc đi qua một cổng ERP tùy thuộc vào địa điểm và thời gian, trong đó giờ cao điểm là có phí mắc nhất. Nếu chủ xe không có đủ tiền trong thẻ khi đi qua một cổng ERP sẽ nhận được giấy phạt qua đường bưu điện trong 2 tuần.

Người vi phạm sẽ phải đóng tiền ERP cùng với phí hành chính khoảng 160.000 đồng. Nghiêm trọng hơn, người vi phạm có thể bị phạt từ hơn 1 triệu đến 16 triệu đồng, hay ngồi tù 1 tháng, nếu không giải quyết trong 30 ngày.

DARREN CHUA (người Singapore)

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều