+
Aa
-
like
comment

Các nhà đầu tư đừng cố đoán đáy chứng khoán

20/05/2022 07:47

Các chuyên gia nhận định thời điểm này, nhà đầu tư nên nhìn vào nội tại của doanh nghiệp thay vì quá chăm chú vào sự biến động của thị trường cũng như nền kinh tế thế giới. 

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), kết phiên giao dịch ngày 19-5, chỉ số VN-Index ở mức 1.241,6 điểm, tăng 0,07% so với phiên trước, giá trị giao dịch tiếp tục ở mức thấp, chỉ đạt 12.794 tỉ đồng. Trên nhiều diễn đàn, nhà đầu tư vẫn tranh luận xung quanh việc thị trường đã tạo đáy sau cú sụt hơn 20% vừa qua hay chưa? Đến lúc đầu tư trở lại được chưa? Đó cũng là câu hỏi được nhiều nhà đầu tư gửi đến các diễn giả của hội nghị đầu tư chủ đề “Đồng tiền thông minh” do Tạp chí Forbes Việt Nam tổ chức, chiều 19-5 tại TP HCM.

Không quá lo lạm phát, trái phiếu doanh nghiệp 

TS Lê Anh Tuấn – Giám đốc hoạch định chiến lược đầu tư, Quỹ Dragon Capital – phân tích việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tục phát đi tín hiệu sẽ siết chính sách tiền tệ bằng những lần tăng lãi suất cơ bản để kiểm soát lạm phát, sẽ ảnh hưởng đến các lớp tài sản của nhà đầu tư và thị trường tài chính.

Bức tranh kinh tế của Mỹ hiện tại, cùng với tình hình kiểm soát dịch ở Trung Quốc và cuộc xung đột Nga và Ukraine sẽ tác động nhất định tới kinh tế Việt Nam. Thông thường, lạm phát tăng mạnh không chỉ chứng khoán mà bất động sản cũng rất tiêu cực, nhưng ở Việt Nam, lạm phát lại đang được kiểm soát tốt ở mức khoảng 2,6% dù giá xăng dầu tăng cao, tác động từ tình hình địa chính trị quốc tế. “Nếu giá dầu vẫn duy trì ở mức khoảng 120 USD/thùng trong năm nay sẽ tác động đáng kể lên lạm phát nhưng cấu thành xăng dầu ở Việt Nam có tới 44% là thuế, phí các loại nên nhà nước có thể điều tiết để kiểm soát lạm phát. Quan trọng là giá cả hàng hóa thiết yếu ở Việt Nam như gạo, thịt heo… vẫn bình ổn và dự trữ ngoại hối đủ sức ổn định chính sách tiền tệ, tỉ giá” – TS Lê Anh Tuấn nói.

Không nên đoán đáy chứng khoán - Ảnh 1.
Nhà đầu tư vẫn tranh luận xung quanh việc thị trường đã tạo đáy sau cú sụt hơn 20% vừa qua hay chưa?.

Một trong những vấn đề được thị trường quan tâm thời gian qua là việc siết trái phiếu doanh nghiệp (DN) sau những sự vụ trên thị trường, có thể tác động tới thị trường bất động sản, lan tỏa tới ngành ngân hàng. Dù vậy, một số chuyên gia cho rằng con số 50 tỉ USD trái phiếu DN đã được phát hành có thể là khá lớn. Nhưng nếu phân tích kỹ sẽ thấy rủi ro đối với thị trường và hệ thống ngân hàng là thấp, không đáng lo. “Ngay cả với lãi suất, trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng cao và nhanh hơn cả tốc độ tăng huy động vốn khiến áp lực tăng lãi suất nhiều hơn. Nhưng nếu nhìn mặt bằng chung lãi suất sẽ không điều chỉnh quá mạnh, chỉ khoảng 0,5-0,7 điểm % trong năm nay” – TS Lê Anh Tuấn nhận định.

Ông Lê Chí Phúc, Tổng Giám đốc Quỹ Đầu tư SGI, cho hay bản thân theo dõi ngành ngân hàng rất lâu, cả giai đoạn khủng hoảng trước đây và thấy rằng các ngân hàng đã có những chuyển biến về cơ bản, chất lượng tài sản, tăng trưởng lợi nhuận đều rất tốt. Các ngân hàng đang tận dụng sự tốt lên của nền kinh tế nên dù quy mô tăng trưởng tín dụng vài năm qua chỉ ở mức 13%-15% thì lợi nhuận nhiều ngân hàng vẫn tăng trưởng 20%-30%. “Dù nợ xấu sau giai đoạn Covid-19 có thể tăng nhưng áp lực sẽ không quá lớn và các ngân hàng còn nhiều dư địa phát triển, với sự phân hóa mạnh. Do đó, để tham gia trở lại TTCK thời điểm này, cần nhìn nhiều hơn vào nền kinh tế, đồng thời nhìn vào DN và ngành nghề đó có triển vọng phát triển hay không” – ông Lê Chí Phúc nêu.

Nên chọn doanh nghiệp tốt để đầu tư 

Theo ông Lê Chí Phúc, việc phán đoán những xu hướng và chu kỳ vĩ mô là điều vô cùng khó, nhất là đoán đáy TTCK. Ngay cả với những quỹ đầu tư, định chế hàng đầu thế giới cũng có sự khác biệt. Nhiều quỹ đầu tư lớn cho rằng chu kỳ kinh tế của thế giới, nhất là Mỹ đang quá nóng và FED phải thắt chặt nhanh để “làm nguội” áp lực lạm phát nhưng họ cũng kỳ vọng quá trình làm nguội này không quá lớn. Nhưng cũng có ý kiến nói rằng việc thắt chặt chính sách của FED sẽ làm cho chu kỳ kinh tế đi nhanh hơn và trong kịch bản này, TTCK có thể giảm sâu hơn. Do đó, các nhà đầu tư cần chú ý vào TTCK Việt Nam và nội tại của DN, thay vì “soi” kỹ bối cảnh thế giới.

Cụ thể, nhiều DN niêm yết trên sàn trong năm nay vẫn có mức tăng trưởng tích cực khoảng 20%, cao hơn mức tăng trung bình 10 năm qua. Và mức này chưa dừng lại khi nhiều DN có những kế hoạch dài hơi, rất tham vọng. “Trong suốt 10-15 năm qua, có thể nói thị trường đang hội tụ những DN xuất sắc của nền kinh tế, với mức hiệu quả kinh doanh khoảng 15%-20%, cao hơn hẳn mặt bằng chung nền kinh tế. Vì vậy, nhà đầu tư có thể cần tìm kiếm những DN có sự vượt trội để yên tâm rót vốn” – ông Lê Chí Phúc nói.

Ở góc nhìn khác, ông Lã Giang Trung, Tổng giám đốc Passion Investment, nhận định dòng tiền chảy vào chứng khoán vừa qua sụt giảm trong bối cảnh nhà nước hướng dòng vốn vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, khi lạm phát tăng cao, lãi suất trên thế giới tăng thì dòng tiền đầu cơ sẽ rút khỏi cổ phiếu ngành chứng khoán, bất động sản… đi vào một số nhóm ngành, như: tài chính, ngân hàng nhưng xét trên giá trị sổ sách thì nhóm này lại không còn rẻ. Hay các nhóm cổ phiếu trong rổ VN30 như công nghệ, bán lẻ… thì mức định giá hiện tại chưa phải hấp dẫn nên dòng tiền vẫn đang dè dặt đứng ngoài thị trường.

“Tay to” là ai?

Về câu hỏi “tay to” trên thị trường là ai?, các chuyên gia cho rằng câu hỏi này “quá khó”. Bởi với thanh khoản lên tới cả tỉ USD trên thị trường mỗi ngày như hiện tại, rất khó để một số đối tượng “điều khiển” hay gọi nôm na là “thao túng”. Nhưng dòng tiền dẫn dắt là có, như giai đoạn vừa qua, dòng tiền của nhà đầu tư F0 thật sự tác động tới thị trường, thay thế nhà đầu tư nước ngoài từ châu Á.

Thực tế, giai đoạn 2018-2019, giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 18%-19% tổng khối lượng giao dịch trên thị trường nhưng đến cuối năm 2021 và đầu 2022 thì chỉ còn tỉ trọng khoảng 5%-6%, nhưng bắt đầu mua ròng trở lại những phiên gần đây. TS Lê Anh Tuấn cho hay năm 2021, khối ngoại bán ròng khoảng 1 tỉ USD trên TTCK nhưng đầu năm đến nay chỉ bán 50 triệu USD. Còn trong 3 năm qua, họ đã bán ròng khoảng 4-5 tỉ USD ở thị trường Việt Nam. “Với quy mô thanh khoản thị trường hiện tại, vai trò của khối ngoại không quá lớn nhưng nếu xét trong một vài năm tới khi chứng khoán Việt Nam thăng hạng thì dòng vốn ngoại sẽ chảy vào nhiều hơn” – TS Lê Anh Tuấn nói.

Trâm Anh 

Bài mới
Đọc nhiều