Các ngoại trưởng Đông Á bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông
Ngoại trưởng nhiều nước thành viên EAS sáng 2/8 bày tỏ quan ngại sâu sắc và phản đối các hành động o ép để đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông khi dự hội nghị ở Bangkok.
Đại diện nhiều nước tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Đông Á (EAS) lần thứ 9 diễn ra tại Bangkok, Thái Lan hôm nay cho rằng những hành vi quân sự hóa và đe dọa hoạt động kinh tế hợp pháp của các quốc gia ven biển đã làm xói mòn lòng tin, gây căng thẳng và tác động bất lợi đến môi trường hòa bình, ổn định chung ở khu vực, thông cáo của Bộ Ngoại giao cho hay.
Ngoại trưởng các nước tại EAS nhấn mạnh lại tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, không quân sự hóa, có hành động làm phức tạp tình hình, đơn phương thay đổi nguyên trạng, giải quyết hòa bình các tranh chấp theo luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.
Các ngoại trưởng cũng nhấn mạnh rằng mọi đòi hỏi chủ quyền cần phải dựa trên cơ sở pháp lý của luật pháp quốc tế, không đồng tình với các hành động o ép để khẳng định đòi hỏi chủ quyền.
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chia sẻ thêm về các hoạt động đơn phương vi phạm chủ quyền và lợi ích hợp pháp của các nước ven biển, đồng thời khẳng định Việt Nam có đầy đủ cơ sở lịch sử và pháp lý đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Phó thủ tướng nhấn mạnh lại lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông, kêu gọi tăng cường lòng tin, không quân sự hóa, kiềm chế, không có hành động làm phức tạp tình hình, gia tăng căng thẳng, không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực, tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, thực hiện nghiêm túc DOC và xây dựng COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Phó thủ tướng cho rằng cần đẩy mạnh hợp tác biển và kết nối, hai lĩnh vực các nước EAS có tiềm năng và phù hợp với mối quan tâm, nhu cầu hợp tác trong khu vực.
Trong hội nghị sáng nay, ngoại trưởng các nước EAS nhất trí về các văn kiện quan trọng và thống nhất thúc đẩy các hoạt động hợp tác trên những lĩnh vực ưu tiên.
EAS được thành lập năm 2005, là nơi lãnh đạo các nước thành viên thảo luận về những vấn đề chính trị và kinh tế mang tầm chiến lược. EAS có sự tham gia của ngoại trưởng 10 nước ASEAN cùng 8 quốc gia gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand.
Với ASEAN đóng vai trò trung tâm, EAS tăng cường cách tiếp cận đa phương, trật tự khu vực và thế giới dựa trên luật pháp quốc tế nhằm đóng góp thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.
(Theo VnExpress)