+
Aa
-
like
comment

Các kịch bản cho cuộc chiến pháp lý giữa Trump – Biden về kết quả bầu cử

05/11/2020 16:16

Cử tri Mỹ có thể phải chứng kiến một cuộc chiến pháp lý kéo dài và căng thẳng giữa 2 ứng viên Donald Trump và Joe Biden nếu ông Biden giành đủ 270 phiếu cử tri để đắc cử tổng thống.

Các kịch bản cho cuộc chiến pháp lý giữa Trump - Biden về kết quả bầu cử - 1
Hai ứng viên tổng thống Mỹ (Ảnh: Getty)

Bầu cử tổng thống Mỹ chưa thể khép lại khi kết quả chưa ngã ngũ, thậm chí phía trước còn là một cuộc chiến pháp lý dai dẳng với việc Tổng thống Donald Trump tuyên bố đề nghị Tòa án Tối cao can thiệp và đã đâm đơn kiện các bang chiến trường nhằm ngăn chặn việc kiểm phiếu sau bầu cử.

Theo các hãng tin Aljazeera và Guardian, dưới đây là những kịch bản nếu xảy ra một cuộc chiến pháp lý liên quan đến kết quả bầu cử.

Đệ đơn lên Tòa án Tối cao

Kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy cuộc chạy đua sít sao giữa Tổng thống Donald Trump và ứng viên Joe Biden. Ông Biden hiện giành 264 phiếu đại cử tri, ông Trump giành 214 phiếu. Cuộc đua tiếp tục gay cấn khi 3 bang chiến trường và 2 bang khác tiếp tục kiểm phiếu.

Chiến dịch của Tổng thống Trump đã đâm đơn kiện lên tòa án tại các bang Michigan, Pennsylvania và Georgia vì cho rằng việc các bang này tiếp tục kiểm phiếu bầu qua thư sau ngày bầu cử là phạm luật. Ông Trump cũng tuyên bố sẽ đề nghị Tòa án Tối cao can thiệp để ngăn các bang tiếp tục kiểm phiếu sau bầu cử.

Các kịch bản cho cuộc chiến pháp lý giữa Trump - Biden về kết quả bầu cử - 2
Tòa án Tối cao Mỹ (Ảnh: Wikipedia)

Một kết quả sít sao có thể kéo theo các vụ kiện liên quan đến việc bỏ phiếu hoặc kiểm phiếu ở các bang chiến trường. Các vụ kiện này ban đầu sẽ đệ trình ở tòa án cấp địa phương trước khi có thể đưa lên Tòa án Tối cao. Điều này từng xảy ra trong cuộc bầu cử năm 2000 khi kết quả bầu cử giữa ứng viên Cộng hòa George W. Bush và ứng viên Dân chủ Al Gore gây tranh cãi ở Florida.

Chỉ vài ngày trước bầu cử, ông Trump đã bổ nhiệm bà Amy Coney Barrett làm thẩm phán Tòa án Tối cao, giúp tăng số thẩm phán bảo thủ trong Tòa án Tối cao lên 6 trong tổng số 9 thẩm phán. Động thái này được cho là sẽ mang lại lợi thế cho ông Trump trong trường hợp xảy ra các tranh cãi về kết quả bầu cử.

Mặc dù theo luật bầu cử Mỹ, tất cả các lá phiếu hợp lệ phải được kiểm đếm và thực tế nhiều bang mất nhiều ngày để hoàn tất quy trình này, song ông Trump hôm 4/11 tuyên bố: “Chúng tôi muốn luật pháp phải được tuân thủ. Vì vậy, chúng tôi sẽ khiếu nại lên Tòa án Tối cao. Chúng tôi muốn ngừng toàn bộ việc kiểm phiếu”.

Giới chuyên gia cho rằng, Tòa án Tối cao có thể không giúp được ông Trump trong trường hợp này. Để khởi động cuộc chiến pháp lý, chiến dịch của ông Trump trước hết phải đệ đơn lên tòa án địa phương, và tiếp đó là tòa án liên bang trước khi đưa lên Tòa án Tối cao. Vụ kiện chỉ được tiếp nhận trong trường hợp phiếu bầu không hợp lệ và điều quan trọng là ông Trump có đưa ra được cơ sở, bằng chứng để khởi động phiên tòa hay không.

Quốc hội giải quyết tranh chấp liên quan đến Đại cử tri đoàn

Theo Hiến pháp Mỹ, tổng thống không được bầu ra trực tiếp bằng phiếu phổ thông (phiếu do cử tri bỏ) mà dựa vào lá phiếu của đại cử tri. Một ứng viên nếu giành được tối thiểu 270 phiếu đại cử tri trong tổng số 538 phiếu đại cử tri sẽ trở thành tổng thống. 538 đại cử tri hay còn gọi là Đại cử tri đoàn này đại diện cho 50 tiểu bang và Đặc khu Columbia. Số đại cử tri của mỗi bang được phân bổ theo số nghị sĩ tại quốc hội Mỹ của từng bang (vốn được phân theo dân số của mỗi bang).

Các kịch bản cho cuộc chiến pháp lý giữa Trump - Biden về kết quả bầu cử - 3
Tổng thống Mỹ bầu ra dựa vào việc bỏ phiếu của Đại cử tri đoàn. (Ảnh minh họa: NBC)

Năm nay, Đại cử tri đoàn sẽ nhóm họp và bỏ phiếu vào ngày 14/12. Thông thường, các thống đốc sẽ xác nhận kết quả bỏ phiếu ở bang của mình và chia sẻ thông tin với Quốc hội. Quốc hội sẽ họp vào ngày 6/1 để kiểm phiếu và xướng tên người chiến thắng.

Một số học giả đưa ra kịch bản mà thống đốc và cơ quan lập pháp bang đệ trình quốc hội hai kết quả khác nhau. Trong trường hợp này không rõ quốc hội sẽ chấp nhận kết quả của thống đốc bang hay không tính đại cử tri của bang đó nữa.

Theo các chuyên gia, kịch bản này khó xảy ra nhưng không phải không có tiền lệ. Ở các bang chiến trường Pennsylvania, Michigan, Wisconsin và North Carolina, thống đốc là người của đảng Dân chủ trong khi cơ quan lập pháp do đảng Cộng hòa kiểm soát.

Năm 1887, Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật về đại cử tri. Theo đạo luật, nếu thống đốc và cơ quan lập pháp bang xác nhận 2 đại cử tri khác nhau, Hạ viện và Thượng viện sẽ biểu quyết riêng rẽ chọn đại cử tri nào. Nếu cả hai viện không thể tìm được tiếng nói chung, các chính đảng có thể đề nghị Tòa án Tối cao can thiệp.

“Bầu cử ngẫu nhiên”

Trong trường hợp cả hai ứng viên đều không giành tối thiểu 270 phiếu đại cử tri để đắc cử, Tu chính án 12 của Hiến pháp Mỹ sẽ được kích hoạt. Hạ viện sẽ bầu ra tổng thống trong số 3 ứng viên có nhiều phiếu đại cử tri nhất. Khi đó mỗi bang sẽ có một lá phiếu trong Hạ viện, ứng viên nào giành được ít nhất 26 phiếu trong số 50 phiếu của 50 bang sẽ được coi là đắc cử.

Tuy nhiên, nếu trước ngày 20/1/2021 (ngày diễn ra lễ tuyên thệ nhậm chức của tổng thống và phó tổng thống), phó tổng thống vừa đắc cử sẽ làm quyền tổng thống. Trong trường hợp cũng chưa chọn được phó tổng thống đắc cử, Chủ tịch Hạ viện sẽ là quyền tổng thống. Hạ viện được quyền bỏ phiếu lại cho đến thời hạn 4/3/2021.

Minh Phương/DT

Bài mới
Đọc nhiều