Các hãng bay nói không có phi công Pakistan, Cục trưởng nói có
Cục Hàng không Việt Nam khẳng định đã cấp chứng chỉ tại Việt Nam cho 27 phi công Pakistan. Trong đó, Vietjet Air 17, Vietnam Airlines 6 và Jetstar Pacific có 4 phi công.
Ngay khi Cục Hàng không VN công bố có 27 phi công Pakistan làm việc cho các hãng bay, đồng loạt các hãng ra thông cáo khẳng định không có.
Cụ thể, trong ngày 28/6, Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và Vasco cho biết đã kiểm tra và khẳng định hiện tại toàn bộ phi công nước ngoài của hãng không mang quốc tịch Pakistan, hoặc sử dụng bằng cấp, chứng chỉ do Pakistan cấp.
Vietjet cũng khẳng định không có phi công Pakistan “đang làm nhiệm vụ”.
Bamboo Airways cũng khẳng định, “toàn bộ phi công trong biên chế của hãng không mang quốc tịch Pakistan, không sử dụng bằng cấp, chứng chỉ do Pakistan cấp.
Lý giải về việc có sự chênh lệch số liệu giữa Cục Hàng không và các hãng bay, sáng nay (29/6) Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng nói rõ, trong số 27 phi công Pakistan bị tạm đình chỉ, ngoài 15 phi công đã chấm dứt hợp đồng lao động về nước, còn 12 người (gồm 11 phi công của Vietjet và 1 phi công của Jetstar Pacific) vẫn đang trong hợp đồng.
Ông Thắng nói rõ, bằng phi công có hiệu lực 5 năm, chứng chỉ năng định do Cục Hàng không cấp có hiệu lực 12 tháng, trong thời gian đó thì phi công có quyền đăng ký xin việc bình thường tại các thị trường khác.
Việc Cục thống kê số lượng phi công dựa trên thời hạn hiệu lực của chứng chỉ do Cục cấp.
“Phi công mang quốc tịch Pakistan làm việc cho các hãng là có thật, các hãng không thể nói là không có. Tuy nhiên, thời điểm này các hãng có sử dụng phi công Pakistan và sắp xếp lịch bay hay không lại là việc khác”, ông Thắng nói rõ.
Theo Cục trưởng Đinh Việt Thắng, dù đã có bằng gốc do Pakistan cấp, nhưng trước khi được làm việc tại Việt Nam, các phi công này phải trải qua quá trình đào tạo huấn luyện bay đầy đủ cả về lý thuyết, thực hành, bay chuyển loại trên SIM và được giám sát chặt chẽ theo quy định của pháp luật Việt Nam, được Cục Hàng không cấp bằng lái để sử dụng làm việc tại Việt Nam.
Nếu phát hiện gian lận sẽ thu hồi bằng
Liên quan đến quy trình kiểm tra bằng của 27 phi công Pakistan nêu trên, ông Đinh Việt Thắng cho biết, hiện Cục Hàng không Việt Nam đã gửi đề nghị sang phía Pakistan, nhà chức trách nước này phải có trách nhiệm trả lời Việt Nam trong thời gian sớm nhất.
“Nếu Pakistan nói bằng hợp pháp, hợp chuẩn thì các hãng vẫn sẽ sử dụng các phi công đó bình thường, vì bằng phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và đã được Cục Hàng không kiểm tra năng lực trước đó. Nhưng trường hợp bằng cấp, chứng chỉ không đảm bảo, chúng tôi sẽ thu hồi bằng và không cho phép phi công hoạt động tại Việt Nam”, ông Thắng khẳng định.
Cũng theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, quy trình kiểm tra bằng cấp, chứng chỉ và năng lực phi công của Cục rất chặt chẽ, theo các tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế ICAO.
“Từ trước tới nay, Cục chưa phát hiện trường hợp phi công nào gian lận về bằng lái, vì trước khi cấp chứng chỉ tại Việt Nam đều có kiểm tra và xác định từ nhà chức trách nơi cấp bằng”, ông Thắng cho biết.
Nhiều phi công Pakistan dùng bằng giả làm việc ở nước ngoài
Bộ trưởng Hàng không Pakistan Ghulam Sarwar Khan trong cuộc họp báo ngày 26/6 cho biết trong số 282 phi công bị phát hiện gian lận thi cử để có bằng lái, 177 người đang làm việc cho 4 hãng hàng không của Pakistan. Toàn bộ những phi công dùng bằng giả này đã bị cấm bay sau khi chính phủ thông báo danh tính của họ cho các hãng hàng không.
Tuy nhiên, nhà chức trách Pakistan chưa xác định được nơi làm việc của 85 phi công dùng bằng giả còn lại, trong đó có cả các hãng hàng không nước ngoài. “Chúng tôi đang nỗ lực xác định xem họ đang làm việc ở đâu. Bằng lái của họ đều là giả”, ông Khan nói. Pakistan hiện có 107 phi công đang làm việc ở nước ngoài.
Pakistan cho biết sẽ truy tố hình sự các phi công sử dụng bằng giả. Theo kết quả một cuộc điều tra, gần 1/3 phi công Pakistan gian lận trong kỳ thi sát hạch lấy chứng chỉ lái máy bay, trong đó có hành vi nhờ người khác đi thi hộ để lấy bằng. Những phi công này được xác định không có kỹ năng điều khiển máy bay.
Thành Nhân