Các hãng bay khác có được ‘giải cứu’ như Vietnam Airlines?
Trong gói cứu trợ 12.000 tỷ đồng mà Vietnam Airlines sắp nhận giải ngân, có 4.000 tỷ đồng là vay ưu đãi và các hãng bay tư nhân cũng mong muốn nhận khoản tương tự.
Theo TS. Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, Hiệp hội đón nhận thông tin gói cứu trợ 12.000 tỷ đồng được Quốc hội thông qua một cách rất tích cực.
“Ở một góc độ nào đó, Vietnam Airlines là anh cả của ngành hàng không. Trong đại dịch Covid-19, Vietnam Airlines lâm vào nguy cấp, giải cứu hãng là bài toán rất khó. Vietnam Airlines được giải cứu, chúng tôi vui mừng và cảm ơn Quốc hội, Chính phủ đã quan tâm, duyệt gói giải pháp hỗ trợ cho hãng”, ông Nề nói.
Liệu có phân biệt đối xử?
Về vấn đề chỉ Vietnam Airlines nhận được gói cứu trợ quý giá, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không cho hay vấn đề nằm ở việc Nhà nước là cổ đông lớn, nắm 86% cổ phần của Vietnam Airlines, do đó giải cứu dưới dạng tăng vốn là điều hợp lý.
“Nếu thấy Vietnam Airlines chết mà không cứu thì Nhà nước mất vốn. Hồi đầu năm vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines là 18.600 tỷ đồng nhưng tới tháng 10 chỉ còn 6.600 tỷ và với đà thua lỗ liên tục như thế này thì chính lãnh đạo Vietnam Airlines đã thừa nhận hết năm nay có khả năng âm vốn”, TS. Bùi Doãn Nề khẳng định.
Vị này cho rằng cứu Vietnam Airlines qua gói giải cứu vẫn là bài toán khó khi diễn biến dịch Covid-19 khó lường, khiến dư luận nghi ngại về khả năng tiếp tục mất vốn trong năm 2021, bao gồm 6.800 tỷ đồng mà cổ đông Nhà nước vừa tăng vốn.
Đại diện Hiệp hội chia sẻ dư luận cho rằng chuyện phân biệt hãng bay quốc gia và hãng tư nhân trong việc giải cứu là dễ hiểu, đặc biệt khi khoản 4.000 tỷ đồng Vietnam Airlines được vay ưu đãi với lãi suất bằng mức cho vay tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước.
“Hồi tháng 8 Hiệp hội đã có văn bản kiến nghị Chính phủ cho các hãng hàng không vay dài hạn 25.000 – 27.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi. Các hãng cũng đều có văn bản đề nghị Chính phủ cho vay gói ưu đãi lãi suất, nhưng đến nay chỉ Vietnam Airlines được duyệt vay”, TS. Nề cho biết.
Tư nhân cũng sẽ sớm được vay
Về khó khăn của các hãng bay tư nhân Việt Nam, đại diện Hiệp hội cho hay thị trường bay quốc tế chiếm 50% doanh thu và phần lớn lợi nhuận của các hãng bay đã bị đóng cửa hoàn toàn. Nhu cầu bay nội địa giảm (đang trong giai đoạn thấp điểm), chi phí phòng dịch lại cao nên các hãng còn gặp nhiều khó khăn.
“Hiện nay mới chỉ Vietnam Airlines được thông qua khoản vay ưu đãi khoảng 4.000 tỷ đồng. Hãng bay tư nhân cũng rất cần được hỗ trợ khoản vay này. Như thế sẽ vừa thể hiện sự quan tâm của Đảng, Chính phủ trong việc hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, vừa bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng, không phân biệt đối xử mà Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước và Thủ tướng cũng nhiều lần truyền đi thông điệp này”, TS. Nề nhận định.
“Tôi tin là sau Vietnam Airlines, sắp tới, Chính phủ cũng sẽ hỗ trợ hãng bay tư nhân”, vị này nói thêm.
Về mức vay đề xuất, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam cho rằng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khả năng cân đối vốn của Chính phủ, quy mô, thị phần, vai trò đóng góp của từng hãng với nền kinh tế, với xã hội….
Trước đó Quốc hội đã nhất trí với đề nghị của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Trong đó, Quốc hội cho phép Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn và gia hạn không quá 2 lần cho tổ chức tín dụng (không bao gồm các TCTD đang được kiểm soát đặc biệt) để cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn. Đồng thời, Quốc hội cho phép hãng hàng không này chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ khi đáp ứng các quy định.
Gói cứu trợ 12.000 tỷ sắp giải ngân cho Vietnam Airlines sẽ bao gồm 8.000 tỷ đồng tăng vốn điều lệ và 4.000 tỷ vay bổ sung vốn từ các TCTD.
Trong đề xuất của Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam bằng văn bản, tổ chức này cho hay các hãng hàng không Việt đang cần gói hỗ trợ dạng tín dụng ưu đãi 25.000 – 27.000 tỷ đồng để vượt qua dịch Covid-19.
PV/ZN